Tiếng Việt | English

05/10/2022 - 19:40

Vượt khó, vươn lên trong cuộc sống

Từng làm công nhân, bị tai nạn lao động (TNLĐ) mất một cánh tay nhưng ông Vũ Huy Tưởng (51 tuổi, ngụ phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An) không vì thế mà suy sụp. Bằng nghị lực và ý chí, ông vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. 17 năm trôi qua, ông Huy Tưởng vẫn là trụ cột vững chắc của gia đình.

Tuy mất một cánh tay nhưng ông Vũ Huy Tưởng vẫn làm việc và đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội

Nhớ về ngày kinh hoàng ấy, ông Huy Tưởng kể: “Hôm đó là ngày 17-9-2005, tôi vẫn làm công việc chạy máy cơ khí như mọi ngày. Khi băng chuyền bị vướng, tôi cố gắng khắc phục sự cố để không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nhưng không may, tay bị cuốn vào máy. Trước lúc mọi người đến giúp đỡ, tôi cố gắng tắt máy để tự cứu mình nhưng sự việc xảy ra quá nhanh, cánh tay gần như bị mất hoàn toàn. Tôi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Long An sơ cứu và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) ngay sau đó”.

Mất cánh tay ở tuổi 34, ông Huy Tưởng suy sụp khi nghĩ về tương lai bởi còn vợ và con nhỏ, cuộc sống gia đình lúc đó còn nhiều khó khăn, ông lại là lao động chính của gia đình. Nhưng chính tình yêu thương gia đình, trách nhiệm của người chồng, người cha, ông Huy Tưởng cố gắng gạt đi nỗi đau mất vĩnh viễn một phần cơ thể để vươn lên trong cuộc sống. “Những ngày đầu ở bệnh viện, tôi suy sụp lắm! Một phần không chấp nhận sự thật trở thành người khuyết tật, một phần lo cho cuộc sống gia đình sau này. Và rồi, tôi cũng nghĩ thông suốt. Tôi cố gắng điều dưỡng cho vết thương mau lành để đi làm những công việc phù hợp với khả năng, tiếp tục chăm lo cho gia đình” - ông Huy Tưởng tâm sự.

Dù cố gắng thích nghi nhưng thời gian đầu, ông vẫn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Nhiều lúc, ông bị mất thăng bằng và té ngã, làm vết thương rỉ máu. Sau vài lần như vậy, ông dần quen với cuộc sống mới. Đặc biệt, được gia đình quan tâm, chăm sóc, động viên, ông Huy Tưởng giữ được tâm trạng vui vẻ và lạc quan. Nhờ vậy, không khí gia đình thêm đầm ấm, không còn ảm đạm như ngày ông mới bị TNLĐ.

Sau 3 tháng điều dưỡng, ông Huy Tưởng trở lại công ty làm bảo vệ và duy trì 17 năm nay. Ông Huy Tưởng chia sẻ: “Công ty rất quan tâm và tạo điều kiện cho tôi điều dưỡng cũng như bố trí công việc mới phù hợp. Lương của tôi trước và sau khi bị TNLĐ không chênh lệch. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình tôi dần ổn định”.

Ngoài giờ làm, ông chăn nuôi thêm tại gia đình để tăng thu nhập. Mặc dù hiện tại không còn chăn nuôi nữa nhưng công việc phụ ấy cũng góp phần không nhỏ giúp gia đình ông khấm khá hơn. Ngoài ra, ông Tưởng còn đảm nhận nhiệm vụ tổ trưởng tại khu dân cư. Trong đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Ông phát quà, gạo, nhu yếu phẩm cho người dân; tham gia trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch; tuyên truyền từng gia đình về những quy định phòng, chống dịch Covid-19 để người dân tuân thủ và chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Không chỉ nỗ lực làm việc và tham gia các hoạt động xã hội, ông Huy Tưởng còn luôn quan tâm, chăm sóc gia đình. Trong mọi việc, ông đều bàn bạc với vợ rồi mới quyết định. Đối với các con, ông không chỉ làm tấm gương nỗ lực vượt khó mà còn là người cha, người bạn chân thành, lắng nghe tâm tư và dạy con những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống. “Bí quyết gìn giữ hạnh phúc và gắn kết các thành viên là bữa cơm gia đình. Trong bữa cơm, mọi người kể nhau nghe những câu chuyện của mình, từ đó hiểu và yêu thương nhau hơn” - ông Huy Tưởng thổ lộ.

Dù mất một phần cơ thể, vết thương vẫn đau âm ỉ mỗi khi “trái gió trở trời” nhưng đó không còn là vấn đề trở ngại với ông Huy Tưởng. Ông vẫn làm việc và cống hiến những điều tốt đẹp cho xã hội theo sức lực của mình bởi ông luôn quan niệm, còn sức khỏe là còn làm việc và giúp ích cho đời để cuộc sống thêm ý nghĩa./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích