Việt Nam sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đạt những thành tựu đáng kể. Nước ta đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống quốc tế. Để văn hóa truyền thống Việt Nam vững vàng trước những "va chạm", "xung đột" văn hóa của thời kỳ hội nhập, để xây dựng hệ giá trị người Việt Nam làm nền tảng, động lực đưa đất nước vươn ra biển lớn, chúng ta phải đối mặt với không ít vấn đề ảnh hưởng đến văn hoá dân tộc, đặc biệt là những giá trị truyền thống.
Đổi mới và mở cửa, mọi sinh hoạt xã hội ngày càng cởi mở, đời sống vật chất cũng như tinh thần ngày càng nâng cao. Chính trong những điều kiện ấy văn hóa truyền thống cần được quan tâm nhiều hơn, văn hóa dân tộc được đặt đúng vị trí, lễ hội được phục dựng, đình chùa, miếu mạo được sửa sang, tôn tạo, nhu cầu tâm linh được đáp ứng… Người dân được thụ hưởng những tinh hoa văn hóa của nhân loại để tạo ra những giá trị văn hóa mới. Xây dựng "văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" có thể hiểu là xây dựng những giá trị chuẩn mực Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam có đạo đức và tinh thần nhân văn, có trách nhiệm với dân tộc, với vận mệnh đất nước… Những thành tựu về văn hóa từ công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận. Đồng thời trong tiến trình hội nhập, chúng ta có những tư duy và nhận thức mới về văn hóa.
Hơn 30 năm đổi mới, văn hóa Việt Nam đạt nhiều thành tựu lớn trên nhiều lĩnh vực và chúng ta cũng có những bước chuyển lớn về văn hóa… Thế nhưng đổi mới văn hóa vẫn chưa toàn diện, thiếu nền tảng vững chắc trong khi đất nước cần phải phát triển bền vững. Do vậy, xây dựng hệ giá trị Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị./.
Trần Trà