Ở một gia đình tiêu biểu
Gia đình bà Lê Thị Gái (ấp Bình Ân, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) là một trong những gia đình mẫu mực, c× kinh tế ổn định, các con thành đạt, hòa thuận và luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương
Vợ chồng bà Lê Thị Gái (ấp Bình Ân, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) sống cùng con trai, con dâu và 2 cháu nội. Gia đình có 6.000m2 đất trồng thanh long. Các con có công việc ổn định nên việc chăm sóc vườn thanh long do vợ chồng bà đảm nhiệm.
Hàng ngày, ông bà chăm sóc vườn thanh long và giữ cháu khi các con đi làm. Dù ai cũng bận bịu nhưng gia đình bà Gái vẫn giữ thói quen ăn bữa cơm gia đình mỗi ngày. Bà Gái chia sẻ: “Cả ngày ai cũng có công việc riêng, chỉ có bữa tối mới quây quần đủ mặt. Ở nhà tôi không phân biệt công việc của ai, mọi người đều chung tay lo việc nhà. Khi ông xã bận thì tôi xịt thuốc, chăm vườn thanh long. Con trai, con dâu đi làm về cũng phụ giúp cha mẹ. Điều tôi mừng nhất là gia đình hòa thuận, êm ấm trong ngoài”. Ở nhà bà Gái, dù là việc lớn hay nhỏ đều được đem ra bàn bạc. Từ chuyện mua sắm vật dụng có giá trị, đầu tư sản xuất, kinh doanh đến việc xác định thời điểm xử lý cho cây thanh long ra hoa trái vụ cũng được mọi người góp ý, thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình.
Vợ chồng bà Gái có 2 người con, 1 trai, 1 gái. Cả 2 đều có gia đình riêng, cuộc sống và công việc ổn định. Cả 2 cháu nội của ông bà đều là gái. Mặc dù vậy, vợ chồng con trai bà Gái vẫn quyết định dừng lại ở 2 con. Vợ chồng bà rất ủng hộ quyết định của con. Bà Gái nói: “Cháu trai hay gái cũng được, miễn ngoan ngoãn, khỏe mạnh là vui nhất rồi!”.
Các con có công việc ổn định nên việc chăm sóc vườn thanh long do vợ chồng bà Lê Thị Gái đảm nhiệm
Gia đình bà Lê Thị Gái là một trong những gia đình mẫu mực, có kinh tế ổn định, các con thành đạt, hòa thuận và luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương. Có thể nói, gia đình bà Gái là gia đình tiêu biểu cho hình mẫu gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội.
Phối hợp nhịp nhàng nhiều giải pháp
Theo phân tích của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), gia đình no ấm là điều kiện đầu tiên bảo đảm cho gia đình tồn tại, ổn định và xây dựng cuộc sống hạnh phúc, tiến bộ. Điều đó đã được chứng minh trong thực tế. Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm Bí thư, Trưởng ấp, ông Trần Văn Toàn (Bí thư, Trưởng ấp Bình Ân, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) cho biết: “Trước giờ, khi hòa giải cho các cặp vợ chồng, tôi thấy nguyên nhân chính là do kinh tế gia đình không ổn định, chồng rượu chè say xỉn, không phụ giúp việc nhà. Nhiều năm trở lại đây, việc vợ chồng mâu thuẫn giảm nhiều nhờ kinh tế gia đình khá giả hơn. Có việc làm nên nam giới trong nhà ít uống rượu, biết phụ giúp gia đình”.
Chính vì thế, việc nâng cao chất lượng đời sống kinh tế của người dân, giảm nghèo được các địa phương đặc biệt chú trọng. Mỗi địa phương đều có các hoạt động: Giới thiệu việc làm, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi,...
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa - Trần Tiến Quí khẳng định: “Mỹ Hạnh Nam vừa xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao. Nhờ vậy, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhờ đó mà mọi người trong gia đình quan tâm lẫn nhau, nuôi và dạy con cái tốt hơn. Đó cũng chính là mục tiêu cuối cùng mà địa phương hướng tới khi phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”.
Ngoài việc nâng cao chất lượng đời sống kinh tế, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hôn nhân, gia đình, ứng xử trong gia đình,... cũng rất quan trọng trong quá trình xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Một gia đình tiến bộ, hạnh phúc là các thành viên chung sống với nhau văn minh, nhân ái, yêu thương, tôn trọng nhau, khắc phục những tập quán lạc hậu, có ý thức phòng, chống tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; thể hiện sự đồng lòng, nhất trí, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Muốn có được điều đó, mỗi thành viên trong gia đình cần ý thức rõ vai trò, trách nhiệm, cách hành xử của mình.
Việc nâng cao chất lượng đời sống kinh tế của người dân, giảm nghèo được các địa phương đặc biệt chú trọng
Nhiều năm qua, các hoạt động tuyên truyền nhằm phát triển gia đình vẫn được ngành Văn hóa tổ chức thường xuyên. Các mô hình: Củng cố gia đình văn hóa (sau đổi tên là mô hình Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa); Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương;... đã được triển khai rộng khắp.
Tại xã Hiệp Thạnh, mỗi ấp đều có câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững với khoảng 15 hộ gia đình tham gia, sinh hoạt đều đặn hàng tháng, lồng ghép trong các cuộc họp chi, tổ hội ở địa phương. Trong các cuộc họp đều lồng ghép tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, chống bạo hành, giữ hạnh phúc gia đình,... Ngoài ra, xã còn xây dựng được 1 câu lạc bộ trong nhà trọ nhằm tuyên truyền, quản lý những gia đình người nhập cư đến địa phương sinh sống.
Xác định vai trò quan trọng của việc phát triển gia đình, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác gia đình: Kế hoạch triển khai, thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Long An”; Kế hoạch triển khai, thực hiện “Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Long An”; Kế hoạch triển khai, thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025”;...
Mục tiêu chung hướng tới chính là giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội, cũng như nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Các kế hoạch trên đang trong giai đoạn triển khai, thực hiện, do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm chính.
Gia đình là tế bào của xã hội. Khi mỗi gia đình đều hòa thuận, các thành viên chí thú làm ăn, quan tâm chăm sóc nhau, giáo dục tốt con cháu trong gia đình thì xã hội sẽ ổn định, an ninh, trật tự được bảo đảm./.
Kế hoạch triển khai, thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Long An” đặt ra một số chỉ tiêu. Trong đó có: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 85% và đến năm 2030 đạt 100% gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đặc biệt quan tâm số hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số. Phấn đấu hàng năm 90% vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định pháp luật; 100% người bị bạo lực được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 100% địa phương có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em. |
Quế Lâm