Tiếng Việt | English

19/10/2017 - 10:49

Xây dựng niềm tin từ thực phẩm an toàn

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các ngành chức năng xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đối với sản phẩm thịt, rau và gạo.


Quầy thịt có kiểm soát chất cấm của cơ sở Luốt Thường tại chợ phường 2 cũ

Xây dựng niềm tin

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản - Nguyễn Văn Cường cho biết: Năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, lựa chọn 3 mô hình rau của Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hòa, Phước Hiệp, Tân Hiệp; 1 mô hình thịt gà của Công ty TNHH Ba Huân; 1 mô hình sản xuất gạo của Công ty Cổ phần Đầu tư - Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm Itarice để đánh giá về điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). Theo đó, các cơ sở này dần hoàn thiện các tiêu chí để phù hợp với mô hình chuỗi ATTP.

Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn hỗ trợ 2 điểm bán thịt heo được kiểm soát chất cấm tại chợ phường 2, TP.Tân An là sạp thịt heo Luốt Thường (chợ phường 2 cũ, đường Lê Văn Tao) và Út Đại (chợ phường 2 mới). Ngoài ra, tại địa bàn TP.Tân An còn có 3 điểm bán rau, thủy sản xác nhận sản phẩm an toàn được kiểm soát theo chuỗi là Chi nhánh 4 Công ty TNHH Tin học Anh Việt - Trung tâm Dịch vụ khách hàng Anh Việt; Công ty Thực phẩm 2030; HTX Rau an toàn Phước Hòa.

Anh Huỳnh Thanh Liêm - chủ sạp thịt heo được kiểm soát theo chuỗi Luốt Thường, cho biết: “Tôi là chủ cơ sở giết mổ tại xã Lợi Bình Nhơn. Ngoài giết mổ heo, tôi còn bán thịt heo và tham gia chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, có kiểm soát chất cấm. Bình quân, tôi bán thịt từ 5-7 con heo/ngày”. Để thoát khỏi “vòng xoáy” của thực phẩm bẩn, anh Liêm liên kết và yêu cầu người nuôi không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Hiện, ngoài sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp, tại Long An còn có các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký bán thịt heo có kiểm soát chất cấm: Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sinh Đôi (phường 2, TP.Tân An), Công ty TNHH Phú An (phường 4, TP.Tân An).


Sản phẩm rau ăn lá được quảng bá là rau sạch bán trên thị trường nhưng chưa được ngành chức năng kiểm soát

Tăng cường kiểm soát

Ông Nguyễn Văn Cường cho biết: Từ đầu năm đến nay, công tác kiểm tra, giám sát ATTP được thực hiện thường xuyên trên sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Lực lượng giám sát thu 1.240 mẫu để kiểm tra ATTP, trong đó, thu 1.041 mẫu nông, lâm, thủy sản (566 mẫu rau, 165 mẫu thịt, 20 mẫu sản phẩm từ thịt và 290 sản phẩm từ thủy sản). Kết quả, có 6 mẫu nhiễm, trong đó có 4 mẫu sản phẩm từ thịt và sản phẩm thủy sản nhiễm hàn the, 2 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên mức cho phép. Ngoài ra, có 79 mẫu thịt, sản phẩm từ thịt, thủy sản, sản phẩm từ thủy sản, rau, thanh long, gạo được thu về để phân tích các chỉ tiêu ATTP. Kết quả, có 4 mẫu nhiễm.

Điều đáng lưu ý là hiện nay, có tình trạng các cơ sở kinh doanh lạm dụng chứng nhận điều kiện kinh doanh để sử dụng, buôn bán thực phẩm chưa rõ nguồn gốc. Mới đây, ngành nông nghiệp thu hồi và chấm dứt hỗ trợ 2 điểm bán thịt heo có kiểm soát chất cấm (1 sạp tại chợ phường 1 và 1 sạp tại chợ phường 2). Theo ông Nguyễn Văn Cường, 2 điểm bán này, hiện lực lượng chức năng không kiểm soát được nguồn thịt heo đầu vào.

Hiện nay, tại vài tiệm tạp hóa trên địa bàn TP.Tân An đang bán một số sản phẩm rau ăn lá được người bán quảng cáo là rau sạch, được trồng bằng phương pháp thủy canh. Các loại rau này được sơ chế, đóng gói và có dán logo sản phẩm nhưng địa chỉ sản xuất chưa cụ thể, rõ ràng và cũng không công bố chỉ tiêu chất lượng sản phẩm. Thế nhưng, trước những lời quảng cáo này, người tiêu dùng tin tưởng và mua dùng, giá cả tất nhiên đắt hơn sản phẩm cùng loại.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cường cho biết, sẽ cử lực lượng chức năng kiểm tra và tìm hiểu về cơ sở sản xuất. Nếu cơ sở sản xuất đáp ứng đủ điều kiện về ATTP thì hướng dẫn hoàn thiện các tiêu chí để phù hợp với mô hình chuỗi an toàn, cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ngoài ra, ngành sẽ giới thiệu để cung cấp thực phẩm ra thị trường, xây dựng logo để người tiêu dùng có thể nhận diện sản phẩm. Còn trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện thì tuyệt đối không được đưa sản phẩm ra thị trường.

Hiện nay, “đường đi” của thực phẩm bị chi phối bởi rất nhiều nhà phân phối, đại lý lẫn người bán lẻ. Vì thế, việc kiểm soát và nâng cao ý thức của kênh phân phối này giúp người tiêu dùng an tâm hơn trong vấn đề minh bạch thực phẩm an toàn. Vì vậy, người tiêu dùng cần lựa chọn nơi bán thực phẩm và sản phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe chính mình và những người thân./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích