Tiếng Việt | English

05/11/2021 - 02:55

Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh

Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, văn hóa giao thông cho học sinh (HS) luôn được các cấp, các ngành và nhà trường quan tâm thực hiện.

Học sinh chấp hành nghiêm việc đội nón bảo hiểm khi đi xe đạp điện (Ảnh tư liệu)Học sinh chấp hành nghiêm việc đội nón bảo hiểm khi đi xe đạp điện (Ảnh tư liệu)

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Tại các cổng trường từ thành thị đến nông thôn, rất dễ nhìn thấy các panô với những thông điệp tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) với nội dung: Đội nón bảo hiểm khi đi xe môtô, xe đạp điện; cổng trường ATGT,... Những khẩu hiệu tuyên truyền đó cũng là lời nhắc nhở để các em HS, phụ huynh và thầy, cô giáo thực hiện nghiêm pháp luật về ATGT. 

Theo Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An - Phạm Văn Thở, hàng năm, Sở đều có kế hoạch chỉ đạo, triển khai trong ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ATGT bằng nhiều hình thức, kênh thông tin khác nhau. Đó có thể là lồng ghép các bài học trên lớp, sinh hoạt dưới cờ, trong các hội thi, hội diễn, phiên tòa giả định về ATGT, hoặc qua hệ thống loa truyền thanh, loa lưu động, báo chí,...

Đặc biệt, những năm qua, ngành Giáo dục phối hợp mời cảnh sát giao thông đến trực tiếp các trường học để nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT cho HS. Em Lê Văn Thành - HS lớp 11, Trường THPT Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa), chia sẻ: “Những buổi tuyên truyền giúp chúng em hiểu hơn pháp luật về giao thông, từ đó chấp hành đúng quy định, bảo đảm an toàn cho chính mình và cộng đồng”. 

"Với hình thức tuyên truyền đa dạng, nội dung sinh động, có liên hệ với thực tiễn các tình huống, biển báo hướng dẫn đã giúp HS cảm thụ nhanh và nhớ lâu hơn. Về phía giáo viên, khi được nghe lực lượng cảnh sát giao thông phổ biến cũng nắm bắt rõ hơn các quy định mới về ATGT, để lồng ghép giảng dạy cho HS” - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân An (TP.Tân An) - Hồ Tấn Nhi chia sẻ.

Cùng với các phương án, kế hoạch trên, thời gian qua, lực lượng công an, ngành Giáo dục và các cấp ủy đảng xây dựng mô hình về bảo đảm ATGT, phát huy hiệu quả cao. Nổi bật có gần 300 trường học trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện mô hình Cổng trường ATGT. Thực hiện mô hình, các lực lượng công an, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ của nhà trường thường xuyên nắm bắt tình hình tại khu vực các tuyến đường gần cổng trường học, nhất là giờ cao điểm để kịp thời tham gia điều tiết, hướng dẫn giao thông. 

Các lực lượng còn thường xuyên có mặt tại các cổng trường để tuyên truyền và hướng dẫn phụ huynh dựng xe đúng quy định khi chờ rước con em, không làm ảnh hưởng đến trật tự, ATGT.

Bảo vệ học sinh trước những nguy cơ tai nạn giao thông

Các trường thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền quy định về bắt buộc đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện đến toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên, giáo viên, HS, sinh viên và phụ huynh. Tỉnh còn phối hợp doanh nghiệp, nhà tài trợ tặng nón bảo hiểm cho HS. Theo thống kê, từ năm 2018 - 2020, Công ty Honda Việt Nam trao gần 88.000 nón bảo hiểm đạt chuẩn cho HS tiểu học. 

Qua thống kê, tỷ lệ HS trên địa bàn tỉnh đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện tăng lên dần. Năm 2017, tỷ lệ này là 95,88%, hiện tại tăng lên 98,83%; cha mẹ HS ký cam kết với nhà trường trong việc đội nón bảo hiểm cho trẻ em, HS hiện đạt 97,72%, trong khi năm 2017 là 88,98%. 

Theo anh Nguyễn Văn Phương (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức), hơn ai hết, các bậc phụ huynh phải làm gương và thực hiện nghiêm túc việc phòng ngừa những mối nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cho con em mình. Dù các em tự đi xe đạp điện hay được chở bằng xe môtô thì đều phải nhắc nhở, yêu cầu đội nón bảo hiểm.

Đội nón bảo hiểm cho con trước khi lưu thông bằng xe môtô  (Ảnh tư liệu)Đội nón bảo hiểm cho con trước khi lưu thông bằng xe môtô (Ảnh tư liệu)

“Phụ huynh đừng lấy những lý do quên, gấp gáp, tiện đường ghé trường đón con nên không mang theo nón bảo hiểm để bao biện cho hành vi chở con ngồi sau môtô mà không đội nón bảo hiểm” - anh Phương chia sẻ.

Ngoài ra, các cấp, các ngành thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở HS không được vượt đèn đỏ, đi dàn hàng ngang khi lưu thông trên đường, chấp hành tốt quy định chưa đủ tuổi thì không được điều khiển xe máy, môtô tham gia giao thông. Các cấp, các ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý nghiêm trường hợp HS, phụ huynh vi phạm trật tự, ATGT.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Thành Ngoãn cho biết: "Thanh tra giao thông sẽ phối hợp chặt chẽ cảnh sát giao thông, các cấp, các ngành thường xuyên khảo sát, kiểm tra hệ thống biển báo, vạch kẻ, thực trạng hạ tầng, tăng cường kiểm tra xe quá tải, họp chợ tự phát ở các tuyến đường trước hoặc gần trường học.

Qua đó, kịp thời khắc phục, sửa chữa, giải quyết những bất cập, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, nhằm tạo thuận lợi cho HS đến trường được an toàn hơn"./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết