Tiếng Việt | English

11/10/2018 - 16:36

Xe vi phạm quy định gì sẽ bị 'cấm cửa' đi vào đường cao tốc?

Để đảm bảo tăng cường an ninh trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa thực hiện điều chỉnh và bổ sung các hình thức vi phạm trên đường cao tốc bị từ chối phục vụ.

Một chiếc xe chở quá tải đã phải quay đầu trên tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai do VEC không tiếp nhận. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Quy định này được VEC áp dụng kể từ ngày 15/10 tới đây và thay thế các quy định đã ban hành trước đó.

Lý giải cho việc bổ sung thêm các hình thức răn đe mới này, ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng VEC cho rằng, trong quá trình quản lý, vận hành khai thác tuyến đường, VEC thường xuyên nhắc nhở và cảnh báo các phương tiện có hành vi vi phạm các quy định an toàn giao thông đồng thời ban hành quy định về các hình thức vi phạm an toàn giao thông trên đường cao tốc bị từ chối phục vụ.

“Tuy nhiên, sau 5 năm tích cực tuyên truyền và áp dụng các chế tài này, số phương tiện vi phạm tuy có giảm về số lượng nhưng lại xuất hiện thêm các hành vi vi phạm mới cũng như một số phương tiện vẫn tiếp tục tái phạm nhiều lần,” ông Chung đánh giá.

Vì vậy, VEC đưa ra các hình thức vi phạm trên đường cao tốc bị từ chối phục vụ bao gồm dừng, đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc; dừng, đỗ tại các nhà hàng, quán ăn, các điểm dịch vụ mở trái phép hai bên hành lang đường cao tốc; đổ chất thải, vứt rác; chở quá tải trọng cho phép, sang tải trên đường cao tốc; cố tình dừng, đỗ tại làn cân, trạm thu phí gây cản trở giao thông.

Đặc biệt, các hành vi gian lận cước phí như gian lận vé, thẻ; giả dạng phương tiện ưu tiên để được miễn phí; vượt trạm, quay đầu, đổi hướng lưu thông để trốn phí; cố tình gây hư hỏng tài sản đường cao tốc; gây rối, đe dọa, hành hung nhân viên làm nhiệm vụ trên đường cao tốc, gây mất an ninh trật tự tại các trạm thu phí; đi ngược chiều trên đường cao tốc; sử dụng biển kiểm soát giả, thay đổi nhận dạng xe để tránh bị từ chối phục vụ.

Đối với những trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng, VEC sẽ áp dụng việc từ chối phục vụ vĩnh viễn ngay từ lần vi phạm thứ nhất, và chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng đề nghị điều tra, xử lý vi phạm.

“Việc xem xét tiếp tục phục vụ trở lại các phương tiện đã vi phạm chỉ được thực hiện khi các chủ phương tiện cung cấp cho Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam (VEC M) bản cam kết không tái diễn việc vi phạm các quy định về quản lý vận hành an toàn giao thông. Sau khi kiểm tra tính chính xác của các bản cam kết, nếu đầy đủ điều kiện, VEC M sẽ phát hành văn bản chấp thuận việc phục vụ trở lại,” ông Chung cho hay.

Các trường hợp tiếp tục phục vụ trước thời hạn quy định chỉ được xem xét khi chủ phương tiện có biện pháp cụ thể khắc phục và hạn chế các hành vi vi phạm an toàn giao thông trên đường cao tốc do VEC quản lý; có ý thức tốt trong việc chấp hành các quy định đảm bảo an toàn giao thông.

VEC hiện là chủ đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc, trong đó đã hoàn thành và đưa vào khai thác 4 dự án với tổng chiều dài gần 500km, bằng 65% tổng chiều dài đường bộ cao tốc quốc gia. 

Trong suốt 5 năm đưa các tuyến cao tốc vào khai thác, VEC đã chủ động, tích cực phối hợp các cơ quan hữu quan, chính quyền các địa phương, các trường học... có tuyến cao tốc đi qua thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định liên quan đến công tác vận hành khai thác và lưu thông trên đường cao tốc nhằm nâng cao nhận thức của người dân sinh sống trên địa bàn cũng như người tham gia giao thông. 

Bên cạnh đó, VEC tổ chức ký kết quy chế phối hợp với các địa phương ven tuyến cao tốc nhằm tăng cường công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên đường cao tốc./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết