Tiếng Việt | English

19/03/2018 - 11:46

Xét nghiệm HIV sớm: Tiền đề tiến tới mục tiêu 90-90-90

Thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên Hiệp Quốc trong phòng, chống HIV/AIDS, Long An triển khai nhiều giải pháp, việc làm thiết thực. Trong đó, việc xét nghiệm phát hiện HIV sớm để điều trị ARV được chú trọng thực hiện.

Giảm nguy cơ lây nhiễm nhờ ARV

Thuốc ARV có tác dụng làm giảm sự phát triển của vi-rút HIV và làm chậm giai đoạn chuyển từ HIV sang AIDS. Người nhiễm HIV nếu được điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ hồi phục hệ thống miễn dịch, duy trì sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và giảm lây truyền sang người khác.

Nếu trước đây, điều trị HIV bằng ARV giúp người bệnh kéo dài sự sống thì nay còn là mục tiêu giảm lây lan trong cộng đồng

Nếu trước đây, điều trị HIV bằng ARV giúp người bệnh kéo dài sự sống thì nay còn là mục tiêu giảm lây lan trong cộng đồng

Long An hiện quản lý 1.578 người nhiễm HIV. Trong đó, có 1.567 người điều trị ARV tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Đức Hòa là một trong những địa phương có số ca nhiễm HIV cao trong tỉnh. Vì vậy, huyện duy trì các nhóm đồng đẳng viên để trực tiếp tiếp cận, can thiệp nhằm giảm tác hại cũng như sự lây lan bệnh trong cộng đồng.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa - Lê Văn Xành cho biết: “Toàn huyện có 692 người nhiễm HIV, trong đó có 418 người đang điều trị ARV. Công tác tiếp cận, quản lý các đối tượng nhiễm HIV còn khó khăn. Đặc biệt, nhóm MSM (nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam) có nguy cơ lây truyền HIV cao, ngày càng gia tăng. Năm 2018, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, thực hiện xét nghiệm lưu động nhằm phát hiện sớm HIV để điều trị ARV, giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng”.

Điều trị ARV sớm làm giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội nguy hiểm. Những bệnh nhân bị đồng nhiễm viêm gan B với HIV thì điều trị sớm bằng thuốc ARV có tác dụng ức chế vi-rút viêm gan B. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng ARV ở giai đoạn sớm và trẻ sinh ra được uống sữa thay thế sữa mẹ sẽ có tỷ lệ lây nhiễm thấp.

Bệnh nhân N.V.B đang điều trị ARV, chia sẻ: “Nhờ các y, bác sĩ tận tình tư vấn, tôi có thêm niềm tin và cố gắng tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Điều trị ARV sớm, người nhiễm HIV sẽ có cuộc sống bình thường như những người khỏe mạnh”.

Hướng đến mục tiêu 90-90-90

Mục tiêu 90-90-90 của Liên Hiệp Quốc là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của bản thân, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế. Đây là mục tiêu tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Năm 2018, Long An là 1 trong 6 tỉnh, thành phố (TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai) được tổ chức Pepfar tiếp tục hỗ trợ trong việc phòng, chống HIV/AIDS và trợ giúp các dịch vụ y tế cho những người nhiễm HIV/AIDS để Long An sớm tiến tới mục tiêu 90-90-90.

 Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Long An (trung tâm) xem mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình là mục tiêu quan trọng, tiền đề thực hiện các mục tiêu còn lại. Theo đó, Long An tiếp tục mở rộng xét nghiệm HIV ở cộng đồng, tập trung 4 nhóm đối tượng: Người sử dụng ma túy, phụ nữ có hành vi bán dâm, nhóm bạn tình người nhiễm HIV và nhóm MSM.

Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh - Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh chia sẻ: “Vừa qua, trung tâm được Bộ Y tế trang bị xe chuyên dụng thực hiện xét nghiệm HIV lưu động trong cộng đồng. Bước đầu, trung tâm huy động một số cơ sở y tế tư nhân xét nghiệm sàng lọc HIV. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về mục đích, ý nghĩa xét nghiệm, điều trị sớm HIV để người dân tự nguyện tham gia. Hoạt động tuyên truyền còn tập trung vào việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV và trách nhiệm của người nhiễm với cộng đồng”.

Nếu trước đây, điều trị HIV bằng ARV giúp người bệnh kéo dài sự sống thì nay còn là mục tiêu giảm lây lan trong cộng đồng. Năm 2018, Long An mở rộng độ bao phủ tư vấn, xét nghiệm tại 100% cơ sở y tế tuyến huyện; triển khai xét nghiệm khẳng định tại 3 bệnh viện đa khoa khu vực tuyến huyện. Để thực hiện mục tiêu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, năm 2018, tỉnh mở thêm 2 cơ sở điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười và Trung tâm Y tế huyện Cần Đước. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 100% huyện, thị xã có cơ sở điều trị ARV.

Riêng về mục tiêu 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế, trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị. Cán bộ y tế thường xuyên tư vấn để bệnh nhân điều trị liên tục, đúng phác đồ; giám sát việc hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực chăm sóc, điều trị HIV/AIDS cho bệnh nhân.

Qua khảo sát thực tế tại Bến Lức - huyện điểm thực hiện mô hình hướng tới mục tiêu 90-90-90 của tỉnh, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM - BS CKII Võ Xuân Huy khẳng định, việc xét nghiệm phát hiện HIV và điều trị sớm là tiền đề thực hiện mục tiêu 90-90-90. Ông đề nghị, phòng OPC (phòng khám và điều trị HIV/AIDS ngoại trú) tiếp tục phối hợp tốt Phòng VCT Bến Lức, chú trọng tập huấn điều trị ARV cho cán bộ y tế.

Việc xét nghiệm HIV sớm có ý nghĩa quan trọng, giúp bệnh nhân biết được tình trạng nhiễm HIV của bản thân và tăng hiệu quả điều trị. Để đạt mục tiêu 90-90-90, kết thúc dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân./.

Năm 2017, Phòng VCT (Phòng Tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện) của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Long An xét nghiệm 49 khách hàng (MSM) tự nguyện, phát hiện 21 trường hợp dương tính HIV. Trong đó, có 12 học sinh, 2 cán bộ, công nhân viên, còn lại là các đối tượng khác.

Năm 2018, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Long An tiếp tục khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3% vào năm 2020; xét nghiệm giám sát nhiễm HIV 32.000 mẫu; tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV đạt 90%.

Ngọc Mận- Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích