Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Xử phạt hơn 34.000 trường hợp vi phạm
Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao, năm 2023, Phòng CSGT Công an tỉnh tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ban hành 48 kế hoạch, 2 phương án, 108 văn bản chỉ đạo trong công tác bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội (TTXH) và các mặt công tác nghiệp vụ của lực lượng CSGT, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTATGT, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.
CSGT trong tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, thực hiện tốt các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký xe và xử lý vi phạm TTATGT; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo đảm TTATGT, đặc biệt là hệ thống camera giám sát trên các tuyến giao thông. Việc cấp biển số phương tiện theo mã định danh, đấu giá biển số xe ôtô là bước ngoặt lớn trong công tác cải cách thủ tục hành chính đối với công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đăng ký và quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Theo Thiếu tá Trần Thành Luôn - Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông (Phòng CSGT Công an tỉnh), năm 2023, lực lượng CSGT trong toàn tỉnh phối hợp các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về ATGT với hình thức đa dạng, phù hợp từng thành phần, lứa tuổi. CSGT triển khai, thực hiện hiệu quả các đợt cao điểm tấn công tội phạm, bảo đảm TTATGT, chống ùn tắc giao thông.
Trong năm 2023, lực lượng CSGT toàn tỉnh tổ chức hơn 14.300 ca tuần tra, kiểm soát trên đường bộ, phát hiện, xử lý hơn 32.500 trường hợp vi phạm TTATGT với số tiền phạt ước tính hơn 129,4 tỉ đồng. Ngoài ra, CSGT tổ chức gần 700 ca tuần tra, kiểm soát trên đường thủy, phát hiện, xử lý hơn 1.590 trường hợp vi phạm TTATGT với số tiền phạt ước tính gần 2,1 tỉ đồng.
Trong đó, trên lĩnh vực đường bộ, gần 5.000 trường hợp vi phạm về tốc độ; vi phạm về không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hơn 3.400 trường hợp; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông gần 1.000 trường hợp. Riêng vi phạm nồng độ cồn, CSGT xử phạt 13.679 trường hợp (chiếm 42% tổng số vi phạm về TTATGT đường bộ), với số tiền phạt gần 75 tỉ đồng.
Qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT còn phối hợp bắt giữ 46 vụ việc/45 đối tượng tội phạm hình sự, kinh tế, buôn lậu, ma túy, khai thác thủy sản trái phép,...
Kéo giảm tai nạn giao thông
Sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng CSGT góp phần quan trọng kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh ở 2/3 tiêu chí là số vụ, số người chết. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh - Đặng Hoàng Tuấn cho biết: “Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 354 vụ TNGT, làm chết 245 người, bị thương 168 người, thiệt hại tài sản hơn 1,5 tỉ đồng. Trong đó, TNGT đường thủy xảy ra 2 vụ, làm 2 người chết (còn lại là TNGT đường bộ). So với năm 2022, TNGT giảm 84 vụ, giảm 107 người chết và tăng 22 người bị thương”.
Đặc biệt, qua thời gian xử lý mạnh vi phạm nồng độ cồn, số lượng vi phạm lỗi này ngày càng giảm. Theo ông Nguyễn Văn Đạt (phường 2, TP.Tân An), ý thức chấp hành quy định đã uống rượu, bia thì không lái xe được nâng cao hơn. Nếu trước đây, nhiều người sau khi uống rượu, bia vẫn vô tư chạy xe trên đường nhưng những tháng qua giảm hẳn. Còn anh Lê Văn Tiến (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) cho biết: "Thời gian qua, nếu hôm nào đi nhậu, tôi đều nhờ người nhà đưa, rước hoặc đón xe taxi. Hiện việc này cũng trở nên quen và tôi cảm thấy an toàn hơn".
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, nhất là kéo giảm số người tử vong do TNGT thì nhiều người vẫn chưa ý thức cao khi tham gia giao thông, chưa tự giác chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ, thậm chí đối phó. Qua ghi nhận tại các chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn, có những trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng đã uống rượu, bia nhưng khi thấy CSGT phía trước thì quay xe lại. Nhận thấy sự đối phó này nên ngoài lập chốt cố định, CSGT còn tuần tra lưu động và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm.
Tiếp tục tăng cường xử phạt
Cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông
Với địa bàn tiếp giáp TP.HCM, cửa ngõ các tỉnh miền Tây Nam bộ, có nhiều khu, cụm công nghiệp hoạt động nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường ở tỉnh rất đông đúc. Theo đó, thời gian tới, tình hình TTATGT, TTXH trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy nội địa tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, lực lượng CSGT tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong bảo đảm TTATGT.
Công tác trọng tâm để bảo đảm TTATGT trong thời gian tới của lực lượng CSGT là tiếp tục khảo sát, kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên đường bộ và đường thủy nội địa; tăng cường công tác quản lý chặt chẽ phương tiện giao thông; kiểm tra, xử lý các vi phạm về xây dựng, bảo vệ và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, kiểm tra, xử lý các cảng, bến thủy nội địa hoạt động không phép, các vị trí tiềm ẩn nguy hiểm có thể xảy ra sự cố, tai nạn.
Đại tá Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Công an tỉnh, yêu cầu lực lượng CSGT trong tỉnh duy trì thực hiện các kế hoạch của Công an tỉnh về kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT trên địa bàn tỉnh; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới.
Đồng thời, Công an tỉnh cũng chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng CSGT phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cấp, các ngành xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo đảm TTATGT; kịp thời tham mưu, đề xuất kế hoạch, phương án bảo đảm TTATGT sát với tình hình thực tế, tình hình địa bàn và giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vấn đề phát sinh về TTATGT, không để bị động, bất ngờ. Mục tiêu đề ra là tiếp tục kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh.
Trong công tác nhiệm vụ năm 2024, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, lực lượng CSGT toàn tỉnh tập trung tăng cường xử lý vi phạm đối với xe ôtô vận chuyển hành khách như vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người quy định, đón, trả khách không đúng nơi quy định, không có hợp đồng vận chuyển hành khách;… không để xảy ra tình trạng “nhồi nhét” khách trong xe./.
Lê Đức