Ảnh minh họa
Những cơn gió se se lạnh, khí trời mát mẻ, lòng người nô nức chờ đón một năm mới, những cánh mai vàng e ấp nụ như đang chờ đợi giây phút thiêng liêng của giao thừa để cùng bung nở. Bếp than nấu bánh tét đỏ rực lửa, nồi bánh sôi ùng ục. Mai ngồi bên bếp lửa trong không gian và khoảnh khắc đầy hoài niệm, mọi chuyện xảy ra mà Mai ngỡ mới hôm qua.
Thời điểm cận tết, Mai và chồng con cùng về quê ăn tết và để thăm ba cũng như viếng mộ người má đã khuất. Đó là thông lệ, một năm một lần, Mai đều làm như vậy. Sau khi tảo mộ xong, cơm chiều được dọn ra trông rất tươm tất. Mai chợt thấy một người phụ nữ ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ như má Mai hồi còn sống. Dù đứng tuổi nhưng bà vẫn giữ được nét xinh đẹp.
- Đây là dì Đào, người mà ba muốn giới thiệu với các con.
Tiếng ông Minh nhẹ nhàng, vừa nói, ông vừa nhìn bà Đào, ánh mắt đong đầy tình cảm. Mai nhìn có thể đoán được người phụ nữ đó là ai nhưng vẫn im lặng để ba nói tiếp:
- Dì Đào sẽ về ở cùng ba, làm bạn với ba trong những ngày tuổi xế chiều.
Với ánh mắt giận dữ, Mai nhìn chằm chằm người đàn bà đang đứng bên cạnh ba mình, rồi cất tiếng nói:
- Ba đã nói tuổi mình xế chiều rồi còn ham muốn gì nữa mà dắt người đàn bà này về nhà.
Rồi nhìn bà Đào, Mai tiếp tục nói:
- Con không chấp nhận người đàn bà nào vào ở căn nhà của má con để thay thế vị trí má con được!
Bà Đào lúc đầu định im lặng nhưng giờ đây bà không thể lặng im được:
- Không ai cướp vị trí của má con, nó thuộc về ký ức trong tim mỗi người, má con luôn chiếm một vị trí quan trọng trong tim ba con, nhưng người mất thì đã mất, con nên quan tâm và báo hiếu cho người còn sống. Ba con đã hy sinh cho con rất nhiều, tuổi xế chiều có người bầu bạn con phải mừng mới đúng chứ! Sao con lại…?
- Mừng à?
Mai nói với cái cười nhếch môi, rồi nhìn ông Minh, nói tiếp:
- Con không chấp nhận! Nếu như ba cương quyết lấy người đàn bà này thì con sẽ về liền và không về đây nữa.
Ông Minh nãy giờ im lặng, lòng như chết đi. Ông không ngờ đứa con gái mình yêu thương hết mực giờ đã là vợ người ta, mẹ của một đứa trẻ lại hết sức vô cảm, vô tâm. Cái tuổi đó đúng ra nó phải hiểu, phải thông cảm cho ba nó. Từ ngày má của Mai đột ngột qua đời khi Mai vừa lên 10 tuổi, ông Minh vừa làm ba, vừa làm má để lo lắng, dạy bảo và cho Mai ăn học. Bao nhiêu người phụ nữ muốn bước vào cuộc đời nhưng ông đều từ chối bởi ông thương con và không muốn con chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng.
Ông không thể vui vẻ, hạnh phúc được khi con gái bé bỏng của mình nhìn mình vui bên người phụ nữ khác mà không phải là má nó, rồi nó sẽ buồn, sẽ tủi. Cái tuổi sung mãn nhất của người đàn ông, ông phải quên đi để dành hết tâm sức lo cho con.
Ông vui khi nhìn con khôn lớn từng ngày, ngoan ngoãn, học giỏi. Một cái vấp té của con cũng làm ông đau. Lo cho con học xong cấp ba, rồi vào đại học, có người kêu ông giờ nên lo cho mình. Ông chỉ cười rồi tự nghĩ “nó vẫn còn nhỏ, lo cho nó học xong đại học và có nghề đã”.
Và như vậy, ông đã lo cho Mai đến ngày tốt nghiệp đại học. Vốn mạnh mẽ và tự lập nên Mai đã tìm được công việc ổn định ở thành phố. Ngày con lập gia đình, lòng ông vui không tả xiết. Tâm nguyện của vợ chồng ông coi như đã hoàn thành dù giờ đây, ông sống thui thủi một mình. Khi con đang yên vui, đầm ấm bên gia đình thì ông lại cô đơn, lạnh lẽo.
Khi gia đình nhỏ của Mai cười cười, nói nói vui vẻ thì ông Minh lại lặng lẽ, chỉ biết tự nói với mình. Khi chồng con Mai bệnh, Mai cuống cuồng lo lắng thì ông Minh lại tự hái lá nấu nước xông, tự lo cho mình. Ông không trách con vì không có ba mẹ nào nuôi con khôn lớn mong nó nuôi lại mình, chỉ mong nó hạnh phúc là đủ rồi. Lòng người cha lúc nào cũng nghĩ cho con.
Ông nhìn Mai rồi lặng lẽ bước vào nhà trong, bà Đào nhìn ông, nước mắt bà chảy dài. Bà bước theo, nắm lấy tay ông, nhìn ông lặng lẽ nói:
- Ông đừng buồn, từ từ con sẽ hiểu. Không thể bắt nó chấp nhận ngay được ông à!
Ông nhìn bà Đào rồi vỗ nhẹ vào tay bà:
- Thiệt thòi cho bà quá!
- Ông đừng nghĩ nhiều, kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe. Tấm lòng của
tôi dành cho ông và con cái như thế nào rồi chúng nó sẽ hiểu, ông đừng lo cho tôi.
Tiến nghe hai người già nói chuyện mà thương họ vô cùng, đúng là vợ chồng Tiến đã vô tâm quá nhiều, không nghĩ cho họ. Tiến khuyên vợ nên ở lại với ba mấy ngày tết cho cháu gần ông ngoại. Tiến mồ côi cha mẹ sớm nên cũng muốn được sum vầy, thưởng thức không khí gia đình quây quần bên nhau những ngày tết đến, xuân về. Mai nghe lời chồng ở lại nhưng trong lòng vô cùng khó chịu mặc cho bà Đào có chân tình như thế nào. Không khí gia đình càng nặng nề và khó chịu. Ngoài kia, mọi người vui vẻ chúc tết, đi chơi tết, nhà ông Minh hình như tết chưa về…
Bà Đào là bạn cũ của ông Minh từ thời họ còn là thanh niên. Dù có tình ý với nhau nhưng không ai ngỏ lời, sau đó, bà Đào theo gia đình lên TP.HCM sinh sống. Ông Minh lập gia đình. Họ mất liên lạc với nhau từ đó. Vài năm trước, khi bà Đào về quê cũ thăm người thân, tình cờ gặp lại ông Minh, hiểu hoàn cảnh ông, tình xưa nối lại dù tuổi đã không còn trẻ.
Sau ngày đó, Mai không về quê nữa để thăm ba dù là ngày giỗ má. Mai tự làm cơm cúng cho má chứ nhất quyết không về. Mai ghét bà Đào và ghét luôn ba Mai. Chỉ có Tiến hay gọi về hỏi thăm và cho cháu nói chuyện với ông bà, làm ông Minh và bà Đào khuây khỏa phần nào. Con gái bất hiếu với ông nhưng ông chỉ tự trách mình, trước đây vì thương con thiệt thòi, bất hạnh khi mẹ mất sớm nên ông nuông chiều con, làm con chỉ biết nhận mà không biết cho, hình thành lối sống hẹp hòi, ích kỷ như bây giờ.
Ông Minh ngày càng thương yêu bà Đào nhưng trên hết là sự biết ơn. Bà đã lo chu toàn mọi việc, vun vén cho gia đình. Từ ngày có bà về, ông đỡ tủi thân, có người bầu bạn, sớm hôm ra vào có người hủ hỉ. Đối với Mai, bà không những không giận, không trách mà còn nhiều lần nói giúp Mai. Để tìm vui trong tuổi xế chiều, ngoài trò chuyện với bà Đào, ông Minh hay chạy xe máy ra quán cà phê chuyện trò với mấy ông bạn cùng về hưu cho qua ngày. Khi bà Đào đang chuẩn bị cơm nước đợi ông về ăn, bởi ông luôn tranh thủ về đúng giờ cơm để vợ chồng cùng ăn thì chợt bà nghe cuộc điện thoại từ số của ông Minh. Bà vừa bắt máy lên nghe, giọng người đàn ông lạ ở đầu dây bên kia làm bà hoang mang, lo lắng, bất an.
- A lô, bà có phải người nhà của người đàn ông có số điện thoại này không?
- Vâng, tôi là vợ ổng, có gì không ạ?
- Chồng bà bị tai nạn xe, chúng tôi đưa vào bệnh viện rồi, bà vào ngay nhé!
Bà Đào như muốn ngã quỵ, bà lật đật chuẩn bị đồ đạc, tiền bạc để vào viện lo cho chồng. Bà bèn gọi cho Mai nhưng hoàn toàn chỉ nghe tiếng “tít... tít...”. Bà biết không thể gọi cho Mai được nữa. Bà gọi cho Tiến dù là rể nhưng Tiến hiểu chuyện.
- Tiến hả con, ba con bị tai nạn giao thông, má phải vào bệnh viện lo cho ba. Con nói cho Mai hay nhe, má gọi nó không được.
- Má cứ bình tĩnh để có thể lo cho ba, con sẽ nói lại với vợ con. Giờ má vào với ba đi ạ.
Nhìn ông Minh nằm trên giường bệnh với nhiều vết thương trầy xước rướm máu, mình mẩy đau nhức nên dù đang mê man nhưng thỉnh thoảng, bà thấy ông nhăn mặt đau đớn. Chân ông bị xe đè lên khi té xuống, bác sĩ băng bột cho cố định. Nhìn ông Minh, lòng bà đau xót, bỗng dưng bà lo sợ khi liên tưởng đến một ngày không có ông bên cạnh, bà sẽ sống sao đây. Bà nhoài người đến ôm choàng lấy ông Minh, nước mắt bà lưng tròng như sợ mất ông vĩnh viễn.
Tiến nghe điện thoại xong biết Mai đã chặn số của bà Đào. Tiến nói với vợ phải đi công tác vài ngày, Mai ở nhà vừa đi làm, vừa lo hết mọi việc trong gia đình. Dù có thuê người giúp việc nhưng Mai luôn bù đầu, uể oải. Sáng phải thức sớm cho con ăn, tắm rửa và đưa con đi học, rồi tức tốc đi làm. Chiều về phải rước con, cho con ăn rồi ru con ngủ. Chỉ vài ngày không có Tiến mà Mai muốn chịu không nổi.
Ngồi nhìn con ngủ, Mai chợt nhớ tới ba mình. Đã lâu rồi, Mai không về thăm hay gọi cho ba. Ngày xưa, ông một mình nuôi Mai với bao nhiêu vất vả của người đàn ông vừa mất vợ. Mai chưa bao giờ nghe ông than phiền, ngược lại luôn vui vẻ với con và hay nói “con là tất cả của ba”. Mai chưa bao giờ quan tâm đến sự gian khổ của ba, chưa bao giờ Mai hỏi “ba có cực không ba, ba làm việc vất vả không?…”.
Bất chợt, nước mắt Mai chảy dài. Mai khóc nức nở vì sự vô tâm, bất hiếu của mình. Mai chỉ lo cho hạnh phúc của riêng mình mà quên đi sự cô đơn và hình ảnh thui thủi một mình ra vào của ba. Mai cứ nghĩ gửi tiền về cho ba là đã có hiếu. Mai không biết là điều mà ông Minh cần và hạnh phúc khi có người quan tâm và được gần con cháu. Vậy mà, khi ba có người bầu bạn, Mai lại không vui mừng mà còn lớn tiếng oán trách ba. Mai tỏ ra có hiếu với người đã mất nhưng lại bất hiếu với người đang sống và yêu thương Mai hết mực.
Với người đàn bà đã thay Mai chăm sóc, lo lắng cho ba mình, Mai lại không biết ơn mà còn ghét bỏ, khinh khi. Mai khóc tức tưởi và oán giận chính mình. Tiến nhẹ nhàng đến ôm Mai. Tiến đã về và nhận thấy sự hối hận của Mai. Thực ra, Tiến không đi công tác mà Tiến về quê lo cho ba, phụ má Đào để bù đắp phần nào sự vô tâm của vợ. Thâm tâm Tiến coi ông Minh và bà Đào như ba má ruột của mình.
- Anh ơi, em nhớ ba quá! Em hối hận lắm, em muốn nói xin lỗi với dì Đào. Chỉ vắng anh vài ngày thôi mà em bao nhiêu vất vả, còn ba...
Mai nói trong tiếng nấc nghẹn ngào:
- Em ích kỷ quá, không lo được cho ba mà còn...
Tiến ôm Mai vào lòng, thấu hiểu tâm trạng vợ. Đó là điều Tiến muốn Mai hiểu được tấm lòng của ba mẹ dành cho con lớn như thế nào, vì con, ba mẹ có thể hy sinh tất cả. Tiến đã kể cho Mai nghe mọi việc trong mấy ngày qua. Mai hốt hoảng điện thoại cho ba, tiếng bên kia là một âm thanh mà Mai nghe xong cảm thấy vô cùng hổ thẹn.
Đêm nay, ngoài đường, người người tranh thủ chuyến xe cuối để kịp về nhà đón giao thừa cùng gia đình, người thân. Thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới sắp đến, hàng mai ngoài ngõ sắp bung nở khoe sắc, cành lan, khóm cúc tỏa sắc hương ngào ngạt bên hiên nhà, nồi bánh tét cúng giao thừa sắp chín. Ông Minh khập khiễng chống nạng, ngồi vào cái bàn nhỏ đặt bên cạnh bà Đào đang lụi hụi chụm củi, ông rót chén trà nóng mà mắt cứ ngó ngoài ngõ.
- Sắp giao thừa rồi hả bà?
Bà Đào nhìn ông, chỉ gật đầu chứ không lên tiếng, bà biết ông đang trông đợi một điều mà chính bà cũng trông đợi như ông. Có ánh đèn xe chiếu sáng vào sân, ông dụi mắt vì ánh đèn làm mắt ông nhòe đi. Chợt ông nghe tiếng nói thân thương mà hai người luôn nhớ:
- Ông bà ngoại...
Hai người như bừng tỉnh, chạy lại ôm đứa cháu thân thương vào lòng mà nước mắt bà Đào như muốn chực rơi. Tiến và Mai bước vào chào ba và bà Đào. Mai ôm ba khóc như lúc còn nhỏ, bao nhiêu điều muốn nói, giờ đây đều trở nên vô nghĩa. Ông Minh ôm con gái vào lòng, nghẹn ngào nói:
- Cha mầy, có chồng con rồi mà còn nhõng nhẽo với ba!
Mai bước lại ôm dì Đào nói lời xin lỗi từ tận đáy lòng và bỗng Mai cất tiếng nói:
- Má, má tha thứ cho con nhe!
Bà Đào không tin vào tai mình. Bà ôm chầm lấy Mai vào lòng và nói “con gái của má”. Ông Minh và Tiến nhìn hai người phụ nữ ôm nhau khóc mà bỗng cảm thấy vui, hạnh phúc vô ngần.
Tiếng pháo bông vang lên khắp nơi báo hiệu giao thừa đến. Hương trầm nghi ngút khói, tiếng đứa cháu ngoại chí chóe làm ấm cả gian nhà.
Xuân đã thật sự trở về!./.
Võ Trung Hải