Can thiệp giảm tác hại
Methadone được dùng qua đường uống, ít tác dụng phụ, ít ảnh hưởng đến sức khỏe, là chất thay thế được sử dụng trong điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện, chủ yếu là nghiện heroin. Khi dùng đúng liều, Methadone không gây tai biến sốc thuốc hoặc tử vong, không gây tăng liều như dùng heroin. Đặc biệt, điều trị Methadone giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV cùng các bệnh lây truyền qua đường máu do sử dụng chung bơm kim tiêm.
Cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân điều trị Methadone
Phương pháp điều trị này còn mang lại lợi ích về mặt kinh tế vì chi phí rất thấp, mỗi ngày chỉ uống 1 lần. Trong khi đó, nếu dùng ma túy thì người sử dụng phải bỏ ra số tiền rất lớn, trung bình 300.000 đồng/ngày, có trường hợp 2-3 triệu đồng/ngày, có khi phải sử dụng nhiều lần trong ngày. Điều trị bằng Methadone không chỉ mang lại lợi ích cho người nghiện mà còn giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội, hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.
Khi điều trị Methadone, sức khỏe, cuộc sống của bệnh nhân (BN) được cải thiện. Thời gian điều trị càng dài, mức độ ổn định về thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của BN càng cao.
BN L.M.T (ấp Bà Mía, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa), hiện đang điều trị Methadone tại Cơ sở điều trị Methadone số 1 (TP.Tân An) cho biết: “Tuổi trẻ ham chơi, nghe lời bạn xấu, bản thân tò mò muốn thử cảm giác lạ, tôi sa vào con đường nghiện ngập. Khi nghe tuyên truyền từ các phương tiện truyền thông đại chúng, được sự tư vấn của cán bộ y tế địa phương, lời khuyên từ người thân, gia đình, tôi chủ động tìm đến Cơ sở điều trị Methadone số 1 để điều trị. Sau 6 tháng, tôi không còn cảm giác “nhớ” heroin nữa. Đến nay, sau 3 năm điều trị, tôi ổn định cuộc sống, đủ sức khỏe, khả năng để buôn bán tại nhà, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Hay như trường hợp anh L.N.B (SN 1985), ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa cho biết: “Tôi điều trị Methadone từ tháng 11-2013 đến nay. Mỗi sáng, tôi đều uống thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế, sau đó về phụ việc cho gia đình. Qua một thời gian, tôi không còn “thèm” heroin và thấy sức khỏe cải thiện rõ rệt”.
Nhiều vấn đề cần khắc phục
Chương trình Methadone góp phần làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy của BN tham gia điều trị. Tuy nhiên, việc tổ chức điều trị Methadone tại Long An cũng còn những tồn tại, khó khăn nhất định. Số BN mới điều trị Methadone trong năm 2016 hiện rất ít. 2 cơ sở điều trị Methadone ở Cần Đước và thị xã Kiến Tường theo kế hoạch do Dự án Nâng cao năng lực phòng, chống HIV/AIDS khu vực tiểu vùng Mêkông (ADB) tài trợ cũng chưa thể triển khai.
Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội hiện chưa có cán bộ đưa đi đào tạo để triển khai điều trị Methadone, góp phần cùng các địa phương tăng tỷ lệ BN điều trị Methadone. Ngoài ra, 6 huyện khu vực Đồng Tháp Mười có hơn 180 người nghiện ma túy, trong đó có heroin, nhưng chưa có trường hợp nào điều trị Methadone vì ở quá xa TP.Tân An.
Khi được điều trị Methadone, sức khỏe, cuộc sống của bệnh nhân được cải thiện, chuyển biến tích cực
Anh N.V.M, ở thị trấn Vĩnh Hưng cho biết: “Qua thông tin từ bạn bè, tôi biết điều trị Methadone rất có ích đối với người nghiện nhưng phải uống thuốc hàng ngày nên tôi không có điều kiện thuê nhà hoặc mỗi ngày phải đến TP.Tân An uống thuốc. Tôi rất phấn khởi khi biết thông tin Cơ sở điều trị Methadone ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười (thị xã Kiến Tường) sắp triển khai”.
Theo Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS - thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Linh, kết quả xét nghiệm giám sát trọng điểm HIV trên nhóm nghiện ma túy ở tỉnh trong 3 năm liên tục (2014-2016) đều xấp xỉ 20%, cao hơn chỉ số quốc gia khoảng 10%, nếu so với 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ, trong 3 năm liên tiếp, Long An đứng thứ hai - chỉ thấp hơn Cần Thơ.
Theo kết quả điều tra hành vi phòng, chống HIV/AIDS trên nhóm người nghiện chích ma túy năm 2016 tại 8 tỉnh, thành phía Nam, tỷ lệ luôn sử dụng bao cao su của nhóm này với phụ nữ bán dâm ở Long An chỉ có 31,6% - xếp thứ 7 và TP.HCM xếp thứ 8.
Tỷ lệ người tiêm chích ma túy tại 8 tỉnh, thành sử dụng chung bơm kim tiêm tại Long An xếp thứ 3 với 17%, cao nhất là TP.HCM và kế tiếp là Bà Rịa - Vũng Tàu. Lý do các chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho người nghiện chích ma túy đạt kết quả chưa cao do chương trình chỉ triển khai ở một số địa bàn trọng điểm và không liên tục, trong khi hầu hết các địa bàn đều có người nghiện.
Có thể nói, các số liệu nêu trên là chỉ số cảnh báo dịch HIV sẽ bùng phát trở lại do lây truyền từ nhóm nghiện ma túy ra cộng đồng nếu lơ là các giải pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV như mở rộng độ bao phủ phân phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su,...
Những năm qua, được sự tài trợ từ các dự án, các giải pháp trên triển khai khá tích cực nhưng chỉ tập trung ở một số địa bàn trọng điểm về ma túy, HIV: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Thủ Thừa, TP.Tân An. Do nguồn lực hạn chế nên một số địa phương bỏ ngỏ hoặc triển khai các hoạt động mang tính phong trào không hướng đến mục tiêu muốn đạt, vì vậy, kết quả phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nghiện ma túy chưa cao.
Đối với giải pháp điều trị Methadone, đến nay triển khai 4 cơ sở ở: TP.Tân An và 3 huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc nhưng chỉ mới điều trị khoảng 50% người nghiện đang quản lý trên địa bàn tỉnh. Công tác này cũng gặp khá nhiều trở ngại về sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng, cơ sở vật chất, nhân sự và chế độ, chính sách, cần sớm khắc phục mới có thể đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, tuy chưa phát hiện trường hợp nhiễm HIV mới đối với người nghiện được điều trị Methadone nhưng lại có 10,4% người nghiện chuyển sang sử dụng Methamphetamine (ma túy đá) do heroin không còn tác dụng.
Cán bộ tư vấn Cơ sở điều trị Methadone số 1 (TP.Tân An) - Lê Văn Thường cho biết: “Methadone yêu cầu phải dùng đúng phác đồ, không được bỏ liều. Nếu không thực hiện đúng theo yêu cầu của cán bộ y tế, không tuân thủ quy trình điều trị thì sẽ làm tăng liều, ảnh hưởng sức khỏe.
Điển hình như trường hợp BN L.T.H (SN 1995), ngụ thị trấn Thủ Thừa, bắt đầu điều trị Methadone từ tháng 3-2016 nhưng do không tuân thủ đúng phác đồ, không uống thuốc đều đặn, bị bạn bè lôi kéo quay lại con đường xấu, không có sự quan tâm từ gia đình nên BN ngừng uống Methadone vào tháng 12-2016. Những trường hợp này, nếu muốn bắt đầu lại thì vừa phí thời gian, vừa ảnh hưởng sức khỏe”.
>> Xem thêm
Dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: Bảo đảm sức khỏe cộng đồng Cập Nhật 03-04-2017 Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS,... là 3 chương trình góp phần giảm lây truyền HIV trong cộng đồng. |
Methadone chính là “phao cứu sinh” giúp người nghiện nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ phạm pháp, góp phần bảo đảm ổn định an ninh, trật tự xã hội. Với những khó khăn hiện tại, việc điều trị Methadone không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế, chính quyền địa phương mà cần phải có quyết tâm từ chính bản thân người nghiện cùng sự động viên từ gia đình để họ từ bỏ dần ma túy, làm lại cuộc đời./.
Ngọc Mận - Phạm Ngân
(Còn tiếp)
Bài cuối: Phòng, chống HIV/AIDS - Vẫn còn những thách thức