Tiếng Việt | English

03/04/2017 - 14:21

Dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: Bảo đảm sức khỏe cộng đồng

Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone (điều trị Methadone) và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS,... là 3 chương trình đạt hiệu quả cao, góp phần giảm lây truyền HIV trong cộng đồng.

Bài 1: Điều trị ARV- Giải pháp tối ưu cho người nhiễm HIV

Tiếp cận sớm với ARV, sử dụng phác đồ đúng và tuân thủ điều trị giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục hệ thống miễn dịch, cải thiện tình trạng sức khỏe. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nhiễm HIV sớm được điều trị dự phòng bằng ARV thì tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con sẽ được giảm đi đáng kể, bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho những đứa con tương lai.

Giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng

Chương trình điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS ở Long An trong thời gian qua góp phần giảm lây nhiễm HIV ra cộng đồng, giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe và ổn định cuộc sống.

Phụ nữ mang thai phải được xét nghiệm định kỳ, phòng nhiễm HIV

Chị N.T.Y, ngụ ấp Gò Cát, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng cho biết: “Tôi điều trị ARV hơn 9 năm. Trước đây, khi chưa sử dụng ARV, sức khỏe của tôi dường như cạn kiệt. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn điều trị, tôi thấy khỏe mạnh, lao động bình thường và hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, không còn mặc cảm, tự ti như trước”.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.873 người nhiễm HIV được điều trị ARV, chiếm hơn 90% người nhiễm HIV đang quản lý và đạt 105% chỉ tiêu Bộ Y tế giao.

Ngoài điều trị ARV tại các cơ sở y tế, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tăng cường phối hợp cùng 2 trại giam trên địa bàn tỉnh (Long Hòa, huyện Bến Lức và Thạnh Hòa, huyện Thạnh Hóa) để xét nghiệm HIV và điều trị ARV cho những trường hợp dương tính.

Đại tá Nguyễn Nhật Anh - Giám thị Trại giam Long Hòa cho biết: “Khi được điều trị ARV, sức khỏe phạm nhân được cải thiện khá rõ rệt, giảm đáng kể số phạm nhân bị suy kiệt do hậu quả của AIDS dẫn đến suy giảm miễn dịch, nguy hiểm đến tính mạng”.

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con- bảo vệ giống nòi dân tộc

Đến nay, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh phối hợp các đơn vị y tế triển khai 16 phòng tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho thai phụ trên toàn tỉnh, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động để thai phụ đến các phòng tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện. Công tác này giúp thai phụ nâng cao nhận thức, chủ động đến khám thai kết hợp tư vấn và xét nghiệm HIV.

Chị N.T.B.T, ngụ thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa chia sẻ: “Những ngày đầu mang thai, tôi rất lo lắng vì nghĩ rằng con mình cũng sẽ bị nhiễm HIV. Khi tôi qua đời, không biết cuộc đời cháu sẽ ra sao? Nhưng sau khi được các bác sĩ tư vấn và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV ngay trong những tháng đầu của thai kỳ, tôi điều trị đúng phác đồ nên con tôi sinh ra không bị nhiễm HIV từ mẹ. Đáng mừng hơn nữa là khi tôi điều trị bằng thuốc ARV, chồng tôi cũng không bị nhiễm HIV”.

Tư vấn để thai phụ tự nguyện xét nghiệm HIV

Trưởng khoa Sức khỏe bà mẹ - kế hoạch hóa gia đình (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Long An) - bác sĩ Lê Thị Kim Xuyến cho biết: “Các thai phụ đến trung tâm, ngoài việc theo dõi thai kỳ còn được tư vấn xét nghiệm HIV nhằm phát hiện và hạn chế tối đa việc lây truyền từ mẹ sang con. Tất cả thủ tục đều được chúng tôi bảo mật thông tin nhằm tạo niềm tin, giúp thai phụ không lo lắng, sợ hãi và tự nguyện tham gia. Nhờ vậy, thai phụ biết được tình trạng sức khỏe của bản thân. Nếu thai phụ không biết nhiễm HIV để điều trị dự phòng, tỷ lệ trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm HIV từ 30-40%”.

Hiệu quả điều trị ARV cho người nhiễm HIV góp phần giảm tỷ lệ tử vong cho người nhiễm HIV gần 85% so với trước năm 2009 - giai đoạn ARV chưa được mở rộng. Trong Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, ngoài các chương trình dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, Long An sẽ tập trung tăng cường thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên Hiệp Quốc nhằm phát hiện người nhiễm HIV trong cộng đồng./.

Hàng năm, trung bình có từ 14.000-15.000 thai phụ được tư vấn, xét nghiệm HIV. Theo đó, có khoảng 20 trường hợp phát hiện nhiễm HIV mỗi năm. Trong số 165 thai phụ nhiễm HIV phát hiện trong 7 năm (từ năm 2010 đến 2016), có 159 thai phụ và 164 trẻ được điều trị dự phòng kịp thời. Nhờ vậy, cứu được 160 trẻ không bị nhiễm HIV từ mẹ, đạt 97%.

Sau 23 năm phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên (tháng 8-1993) đến nay, toàn tỉnh phát hiện 4.649 người nhiễm HIV/AIDS; 1.329 ca tử vong; số bệnh nhân còn sống đang quản lý trong cộng đồng là 1.609.

 Ngọc Mận- Phạm Ngân
(còn tiếp)
Bài 2: Methadone - “Phao cứu sinh” cho người nghiện ma túy

Chia sẻ bài viết