Đoàn công tác ghi nhận sự chuyên nghiệp, bài bản của Đồng Tâm Group khi nỗ lực xây dựng Cảng Quốc tế Long An
Sau khi thị sát và làm việc tại cụm cảng khu vực Hiệp Phước, TP.HCM vào buổi sáng, đoàn di chuyển đến Cảng Quốc tế Long An bằng đường thủy, qua cửa sông Soài Rạp và Vàm Cỏ, đánh giá công tác nạo vét, thực tế triển khai quy hoạch tuyến đường sông Soài Rạp.
Chia sẻ với Đồng Tâm Group (đơn vị đầu tư xây dựng Cảng Quốc tế Long An), Thứ trưởng - Nguyễn Văn Công đánh giá rất cao về tiến độ hoàn thành nhanh chóng, các hạng mục được xây dựng hoàn chỉnh, hiệu quả hoạt động cao và tầm nhìn trong tương lai rất rõ ràng của Cảng Quốc tế Long An.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group – Võ Quốc Thắng (phải) có nhiều ý kiến đề xuất đến Bộ Giao thông vận tải
Nằm trên luồng sông Soài Rạp, mé phải thượng nguồn sông Đồng Nai, cách cửa biển 19km, cách phao số 0 khoảng 40km, Cảng Quốc tế Long An là 1 dự án nằm trong quần thể gồm 4 khu dự án với tổng quy mô 1.935ha, bao gồm: Cảng Quốc tế Long An, Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An, Khu dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á Long An, Khu đô thị Đông Nam Á Long An.
Trong đó, Cảng Long An là 147ha, được đầu tư xây dựng thành 3 giai đoạn với tổng số vốn gần 10.000 tỉ đồng, bao gồm: 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT với tổng chiều dài từ đầu Cầu cảng số 1 đến cuối Cầu cảng số 7 là 1.670m; 7 bến sà lan; hệ thống nhà kho, kho ngoại quan; hệ thống bãi container và các công trình phụ trợ khác. Tất cả hạng mục cũng như hệ thống các trung tâm điều hành đang được khẩn trương triển khai xây dựng đúng theo tiến độ hoàn thành vào năm 2023. Riêng diện tích kho phục vụ lưu trữ tại cảng là hơn 400.000m2, phục vụ nhu cầu vận chuyển, lưu kho hàng nông thủy sản, phân bón, sắt thép,… của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là cửa ngõ để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Bộ tập kết đóng hàng và phân phối bằng đường bộ, đường biển hoặc thủy nội địa. Tỉnh Long An cũng đầu tư hoàn thiện trục ĐT 830 từ cảng kết nối QL50 và QL1 để thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa đến các địa phương lân cận.
Cảng quốc tế Long An còn mở rộng các khu liên hợp bao gồm đô thị, dịch vụ cảng biển, nhà hàng, lưu trú,... Đến nay, xây dựng hoàn thành 3 cầu cảng với chiều dài 630m. Năm 2020, Cảng Quốc tế Long An tiếp tục xây dựng cầu cảng số 4, 5 và 6 đón được tàu có trọng tải lên đến 70.000 DWT sớm đưa vào khai thác vào năm 2021. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục pháp lý nhằm mở rộng quy mô, để các cầu cảng số 8 và 9 có công suất thiết kế xây dựng đón được tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT; nâng tổng chiều dài liên tục của hệ thống cầu cảng lên đến 2.368m, trở thành một trong những cầu cảng quốc tế có chiều dài bờ cảng lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Đoàn công tác thị sát tại Cảng Quốc tế Long An
Cho đến cuối năm 2019, trong quá trình vừa xây dựng vừa khai thác, Cảng Quốc tế Long An đón gần 1.000 chuyến tàu trong và ngoài nước ra vào cảng, đạt gần 1 triệu tấn hàng hóa xuất nhập thông qua cảng, đáng chú ý nhất là cảng tiếp nhận và bốc dỡ hàng hóa thành công nhiều tàu tải trọng 50.000 DWT.
Đoàn công tác ghi nhận sự chuyên nghiệp, bài bản của Đồng Tâm Group khi nỗ lực xây dựng Cảng Quốc tế Long An với đầy đủ hạng mục hỗ trợ như dịch vụ khai báo hải quan, thú y, nhà làm việc và nhà nghỉ cho bộ đội Biên phòng, cảng vụ,… Nơi làm việc và đời sống của cán bộ công nhân viên cảng rất chất lượng. Ngoài ra, cảng còn chú trọng đến cả sự tiện nghi, thoải mái cho công nhân, lái xe khắp mọi miền đất nước ra vào tại cảng qua các dịch vụ rất khang trang, sạch sẽ như phòng tắm, nhà vệ sinh, căn-tin, Cafe Ông Bầu,...
Có thể nói, sự phát triển của Cảng Quốc tế Long An chính là tiền đề thúc đẩy phát triển các khu - cụm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, giảm ách tắc giao thông đường bộ, giảm chi phí vận tải, logistics cho các doanh nghiệp đầu tư, được các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Long An nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đánh giá rất cao. Ngoài ra, cảng cũng là nút giao thương cực kỳ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Văn Công (thứ 2, từ phải qua) đánh giá rất cao về tiến độ hoàn thành nhanh chóng, các hạng mục được xây dựng hoàn chỉnh, hiệu quả hoạt động của Cảng Quốc tế Long An
Trong quá trình trao đổi sơ bộ tại cuộc làm việc, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group – Võ Quốc Thắng xin ý kiến mở thêm 2 cầu cảng có công suất thiết kế xây dựng đón được tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT, 1 cầu cảng chuyên dụng để phục vụ cho các tàu hoạt động trong lĩnh vực khai thác – chuyên chở khí và dầu, xây dựng 1 trung tâm để đón tàu du lịch cỡ lớn và khách du lịch trong thời gian tới,…
Thứ trưởng - Nguyễn Văn Công chỉ đạo các bộ phận chuyên môn trực thuộc Bộ GTVT xem xét và rà soát tính hợp lý trong các kiến nghị của doanh nghiệp để có đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực, không làm lãng phí vị trí đắc địa của sông Soài Rạp, phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả vùng.
Đại diện lãnh đạo địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Văn Cảnh cũng cho biết thêm: Tầm nhìn phát triển của tỉnh là bên cạnh nông nghiệp còn phải phát triển công nghiệp, dịch vụ. Cảng biển chính là một hướng phát triển chiến lược dựa trên những lợi thế sẵn có, được tận dụng và phát huy hiệu quả. Tỉnh sẽ luôn ủng hộ, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng chung tay xây dựng các dự án, công trình hướng đến sự phát triển chung của tỉnh, góp phần giúp Long An trở thành một vùng kinh tế năng động của phía Nam, nâng cao đời sống của người dân trong khu vực./.
Minh Hân