Tiếng Việt | English

18/10/2019 - 13:34

Long An tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm

Sáng 18/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Tấn Hòa chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương trong tỉnh nhằm sơ kết công tác an toàn thực phẩm (ATTP) 9 tháng qua và triển khai công tác 3 tháng cuối của năm 2019.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Tấn Hòa biểu dương các sở, ngành và địa phương chủ động xây dựng quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ được phân công quản lý trên lĩnh vực an toàn thực phẩm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa biểu dương các sở, ngành và địa phương chủ động xây dựng quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ được phân công quản lý trên lĩnh vực ATTP, từ đó, công tác thanh tra, kiểm tra đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm các quy định pháp luật về ATTP sau kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, chế biến cao, cho thấy mối nguy ô nhiễm thực phẩm rất cao. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang diễn ra cũng là nguyên nhân gây mất ATTP trên sản phẩm nông lâm thủy sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng hiện nay có sự chồng chéo trong quản lý do các quy định pháp luật ATTP chưa cụ thể, rõ ràng. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, nhất là đợt cao điểm cuối năm, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh, các địa phương cần thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về ATTP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP nhằm bảo đảm ATTP ở tất cả các khâu từ sản xuất, nhập khẩu, lưu thông thực phẩm trên thị trường nhằm loại trừ mối nguy ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.  

Báo cáo tại hội nghị, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP cho biết, trong 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm (đều xảy ra trên địa bàn huyện Bến Lức), tổng số người ăn là 971, tổng số người mắc là 18. Nguyên nhân ngộ độc do thức ăn bị nhiễm vi sinh vật.

Trong 9 tháng, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm cũng được triển khai với 8 đoàn liên ngành và 18 đoàn chuyên ngành. Tổng số cơ sở được thanh, kiểm tra và hậu kiểm 963 cơ sở, có 234 cơ sở vi phạm, xử phạt gần 1,3 tỉ đồng.

Nội dung vi phạm chủ yếu là điều kiện con người (không khám sức khỏe định kỳ cho chủ cơ sở và người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm); không công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hết hạn; chất lượng sản phẩm không bảo đảm; vi phạm về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh thú y; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP hết hạn, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Ngoài ra, tuyến huyện, xã cũng tổ chức trên 200 đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại hơn 5.900 cơ sở. Qua đó, có 682 cơ sở có vi phạm, xử phạt trên 148 triệu đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu là mặt bằng sản xuất, sơ chế, chế biến kinh doanh chung với khu vực sinh hoạt gia đình; chưa thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc; cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc không cung cấp thông tin gây ảnh hưởng cho việc truy xuất nguồn gốc,...

Bên cạnh đó, mối nguy ô nhiễm thực phẩm còn cao, có 86/888 mẫu sản phẩm không đạt chất lượng khi đoàn kiểm tra tiến hành thực hiện xét nghiệm nhanh hoặc kiểm nghiệm.

Tại cuộc họp, các sở, ngành cũng nêu lên thực trạng, các vi phạm về pháp luật trong sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh đang phổ biến hiện nay: Sử dụng phụ gia, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hết hạn để chế biến thực phẩm; các cơ sở giết mổ bơm nước và tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ heo còn phổ biến; việc ghi nhận giờ nhập gia súc vào cơ sở giết mổ một số nơi diễn ra chưa nghiêm. Đặc biệt, ATTP trong bếp ăn tập thể là trường học và công nhân được đại biểu quan tâm./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết