Nhiều đột phá
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần đánh giá, năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao, đạt 9,41%, (kế hoạch 9,6%, năm 2018 tăng 10,36%). Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,91% GDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 50,07%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 34,02%. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn khu vực và nền kinh tế, chiếm đến 45,51% trong cơ cấu GRDP của tỉnh và tăng 14,83% so cùng kỳ. Đây là kết quả quan trọng từ việc thúc đẩy thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Về cơ cấu kinh tế, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 50,07%
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2019 tuy kết quả chưa đạt yêu cầu theo kế hoạch nhưng đây là dấu ấn tích cực của Long An trong quá trình hội nhập, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Long An đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua cải cách hành chính. Theo đó, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các nội dung về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính. Đặc biệt, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) dần hoàn thiện, đã hoàn thành Cổng DVCTT với đầy đủ chức năng theo quy định hiện hành. Tỉnh hiện có 817 DVCTT mức độ 3 và 176 DVCTT mức độ 4 đưa vào hoạt động. Năm 2019, có trên 4.000 hồ sơ nộp trực tuyến với DVCTT mức 3, mức 4. Ngoài ra, Long An có thêm 26 DVCTT mức độ 3, 4 do bộ, ngành Trung ương triển khai cho một số sở, ngành.
Một trong những đột phá mạnh mẽ thời gian gần đây của Long An được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao là phát triển nhiều tuyến giao thông quan trọng, có vai trò liên kết giữa vùng kinh tế trọng điểm, các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) trong tỉnh nhằm thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh sự đầu tư của Trung ương, tỉnh ưu tiên nhiều nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm là 1 trong 2 chương trình đột phá mang ý nghĩa chiến lược. Chương trình gồm 14 dự án giao thông huyết mạch được quy hoạch kết nối đồng bộ đến các K,CCN trên địa bàn tỉnh, Cảng Quốc tế Long An và các tuyến giao thông của TP.HCM. Đến nay, có 8 công trình hoàn thành, giúp người dân, doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian di chuyển, vận chuyển, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Huỳnh Văn Sơn thông tin, với những việc làm mang tính đột phá, Long An giờ đây có vị trí nhất định trong mắt các nhà đầu tư. Năm 2019, công tác thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư cho kết quả khả quan. UBND tỉnh có quyết định chủ trương đầu tư cho 142 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 14.345 tỉ đồng, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 5,1 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.016 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký 6,18 tỉ USD. Ngoài ra, tỉnh có 1.927 dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký 222.315 tỉ đồng.
Chào đón cơ hội mới
Làn sóng đầu tư đang có sự dịch chuyển mạnh từ TP.HCM đến các tỉnh, thành ở vùng ĐBSCL. Trong đó, Long An có nhiều cơ hội đón nhà đầu tư, nhất là trên lĩnh vực phát triển công nghiệp. Đây cũng là một trong những “đòn bẩy” giúp Long An phát huy lợi thế trong quá trình phát triển KT-XH, góp phần giải quyết tốt an sinh xã hội. Long An đã xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2020, trong đó quy hoạch hình thành 31 KCN và 62 CCN với diện tích khoảng 15.000ha. Để thu hút đầu tư, bên cạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông, tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng - thân thiện - hiệu quả và an toàn.
Làn sóng đầu tư đang có sự dịch chuyển mạnh từ TP.HCM đến các tỉnh, Long An có nhiều cơ hội đón nhà đầu tư do thuận tiện về giao thông (ảnh chụp Quốc lộ 1)
Các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài đang được thực hiện với nhiều nhóm giải pháp như tạo quỹ đất sạch, thu hút nhà đầu tư phát triển hạ tầng K,CCN; phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong và ngoài K,CCN; thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp vào K,CCN; liên kết phát triển K,CCN;... Song song đó, Long An cùng nhà đầu tư quy hoạch các khu tái định cư, khu dân cư tập trung tạo điều kiện cho cư dân vùng dự án phát triển công nghiệp có nơi an cư, lạc nghiệp. Hiện nay, các K,CCN, khu dân cư tập trung nhiều ở địa bàn huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc.
Với những nỗ lực trên, thời gian qua, có rất nhiều nhà đầu tư đến tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư. Năm 2019, UBND tỉnh có chủ trương lập quy hoạch xây dựng 51 dự án với tổng diện tích 26.087ha. Trong đó, có nhiều dự án quy mô lớn của các nhà đầu tư như Becamex, Vsip, Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn,...
Các dự án này đều tích hợp phát triển công nghiệp, đô thị đan xen. Ông Huỳnh Văn Sơn cho biết, các dự án này đang trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 mà tỉnh đang xây dựng. Sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, tỉnh sẽ tiến hành tiếp nhận nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và triển khai trong thời gian tới. Những dự án này sẽ có tác động tích cực đến môi trường đầu tư và tình hình phát triển KT-XH của tỉnh.
Tháng 9/2019, UBND tỉnh, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, đoàn chuyên gia và nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc có buổi tọa đàm hướng tới phát triển Khu đô thị - công nghiệp - nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh. Tại buổi tọa đàm, nhà đầu tư chia sẻ các kinh nghiệm trong việc phát triển hệ sinh thái đô thị - công nghiệp - nông nghiệp thông minh và đề xuất mô hình đầu tư dự án trên diện tích 10.000ha, dự kiến trên địa bàn huyện Bến Lức. Với đề xuất này, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho rằng, những định hướng của nhà đầu tư trong việc đề xuất phát triển khu đô thị - công nghiệp - nông nghiệp thông minh là mô hình lý tưởng để phát triển hệ sinh thái hài hòa, phát triển bền vững để chính quyền và nhà đầu tư cùng nhau phấn đấu, xây dựng dự án kiểu mẫu, là động lực mới của tỉnh Long An. Trong quá trình thực hiện bất kỳ dự án nào, lãnh đạo tỉnh cũng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư và xem khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng là khó khăn của tỉnh, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh./.
Gia Hân