Tiếng Việt | English

27/07/2020 - 20:30

Phát huy hiệu quả hoạt động, tạo liên kết chuỗi giá trị từ các hợp tác xã nông nghiệp

Toàn tỉnh Long An hiện có 252 hợp tác xã (HTX), trong đó có 197 hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN). HTXNN là một trong những chủ thể quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, việc tạo liên kết chuỗi giá trị từ các HTXNN là điều cần thiết hiện nay.

Các hợp tác xã nông nghiệp cần có sự liên kết để phát triển bền vững

Các hợp tác xã nông nghiệp cần có sự liên kết để phát triển bền vững

Hợp tác xã tham gia liên kết với doanh nghiệp còn ít 

Hiện nay, các HTXNN trên địa bàn tỉnh tham gia liên kết còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 25-30% tổng số HTX toàn tỉnh thực hiện việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và các thành viên. Chia sẻ về vấn đề này, một số giám đốc HTXNN trên địa bàn huyện Đức Hòa cho biết: Nguyên nhân là do tâm lý e ngại của một số thành viên HTX. Phần đông nông dân và cả thành viên HTX đều muốn là doanh nghiệp phải đặt cọc trước, trong khi các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu không chấp nhận. Chính vì vậy, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng lại thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết nên đa số sản phẩm của thành viên HTX được tiêu thụ qua thương lái với giá cả bấp bênh và không ổn định.

Bên cạnh đó, việc đầu tư của doanh nghiệp đối với HTXNN phần lớn chưa đáp ứng nhu cầu của nông dân. Việc kiểm tra dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm chưa được thống nhất từ 2 phía dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng, khiến các thành viên HTX và nông dân mất niềm tin khi tham gia trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ông Trần Thanh Minh, HTX Rau an toàn Phước Hiệp, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Phần lớn HTXNN thường tập trung hoạt động các dịch vụ đầu vào gồm cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, phân bón,... mà chưa quan tâm đến các dịch vụ đầu ra như khâu bảo quản, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên cũng như nông dân nên việc liên kết chuỗi giá trị sản phẩm còn lỏng lẻo”.

Ngoài ra, muốn phát triển các HTXNN gắn với việc liên kết chuỗi giá trị sản phẩm cần nhiều yếu tố. Trong khi đó, hầu hết HTXNN hiện nay chưa có trụ sở làm việc ổn định. Rất nhiều HTXNN phải thuê, mượn văn phòng ấp hoặc nhà của thành viên làm trụ sở. Máy móc, thiết bị lạc hậu gây hạn chế trong quá trình tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ cho thành viên và nông dân trong vùng. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX phần đông lớn tuổi, hạn chế về năng lực chuyên môn và chưa tìm được đội ngũ trẻ để kế thừa. Không thể không kể đến một số HTX chưa phát huy lợi thế, nội lực của mình để phát triển thành viên, tăng vốn góp để mở rộng dịch vụ, còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, tỉnh chỉ có 13 HTXNN tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm với diện tích gieo trồng hơn 3.000ha, chủ yếu trên cây lúa. Riêng vụ Đông Xuân 2019-2020 triển khai thực hiện 77 cánh đồng lớn với diện tích 8.906ha, có 32 doanh nghiệp, 2 HTX và 1.985 hộ đăng ký tham gia, kết quả thu mua đạt 91%.

Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp gắn việc liên kết chuỗi giá trị sản phẩm

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - Đặng Minh Hải thông tin: “Điểm yếu hiện nay vẫn là vấn đề liên kết rời rạc, tách rời với thị trường, nhiều HTX chưa ký được hợp đồng bán sản phẩm ổn định, chủ yếu bán cho thương lái nhỏ, lẻ nên hiệu quả còn thấp và tiêu thụ bấp bênh. Chính vì vậy, đẩy mạnh liên kết là nhu cầu bức thiết cần đặt ra. Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp các cấp, các ngành hỗ trợ các HTX, nhất là HTXNN đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, nhằm góp phần tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao để nâng cao uy tín, thương hiệu, mở rộng đầu ra cho sản phẩm đặc thù của HTX. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh sẽ tích cực tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp và HTX có nhu cầu giúp “kết nối” để tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ”.

Trước thực trạng trên, để mô hình HTXNN ngày càng phát huy hiệu quả và gắn với việc liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, thiết nghĩ việc thành lập mới HTX khi có sự đồng thuận cao của nông dân, các thành viên sẵn sàng góp vốn cho HTX theo phương án sản xuất được đại hội thành viên thông qua. Hội đồng quản trị, giám đốc phải là người có năng lực, uy tín để điều hành hoạt động HTX,... Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ các HTXNN trong xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu cho nông sản, tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ cho nông dân; hỗ trợ HTXNN nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; triển khai có hiệu quả các chính sách đặc thù của tỉnh nhằm hỗ trợ các HTXNN và nông dân các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho chuỗi ngành hàng nông sản phát triển bền vững.

Hiện nay, toàn tỉnh có 252 HTX, gồm: 197 HTX nông, lâm, ngư nghiệp; 22 HTX vận tải; 3 HTX xây dựng; 3 HTX thương mại - dịch vụ; 5 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 3 HTX nước, môi trường và 19 quỹ tín dụng nhân dân. Trong đó, có 25 HTX ngưng hoạt động (3 HTX vận tải; 21 HTX nông, lâm, ngư nghiệp; 1 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp) và kiểm soát đặc biệt 1 quỹ tín dụng nhân dân./. 

Song Hồng

Chia sẻ bài viết