Tiếng Việt | English

04/11/2019 - 14:06

Sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao - Hướng đi đúng đắn

Đến nay, toàn tỉnh Long An có trên 11.800ha thanh long, tăng trên 12% so với năm 2017, trong đó, huyện Châu Thành có khoảng 9.100ha.Trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đang là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả cao cho nông dân.

Nông dân được lợi

Hiện nay, người trồng thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành rất phấn khởi vì nhiều mô hình sản xuất thanh long ƯDCNC đang mang lại lợi nhuận cao. Tiêu biểu tại Tổ hợp tác (THT) Thanh long ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới sản xuất theo hướng công nghệ cao rất hiệu quả. THT ấp Bình Xuyên được thành lập năm 2017. Đến nay, THT có 34 thành viên tham gia với diện tích sản xuất khoảng 15ha. Đây là mô hình THT sản xuất theo công nghệ cao và liên kết với nhà vườn sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP để xuất khẩu, thông qua các hợp đồng cụ thể. Phía THT có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư, vốn cho nhà vườn để trồng cây thanh long và thu mua sản phẩm khi thu hoạch. Về phía nhà vườn phải tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất GAP, bảo đảm trái thanh long đạt an toàn sinh học, không có dư lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật.

Nông dân sản xuất thanh long ngày càng hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao

Dù giá cả trái thanh long có dao động theo mùa nhưng THT Thanh long ấp Bình Xuyên luôn bán được sản phẩm của thành viên cao hơn giá thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg. Đặc biệt, khi giá trái thanh long ở thị trường “rớt” quá thấp, THT vẫn bán được sản phẩm với giá sàn 10.000 đồng/kg. Với những ưu điểm trên, nhà vườn an tâm gắn bó với THT và mỗi hécta thanh long của các thành viên đạt lãi trên 200-300 triệu đồng/năm. 

Ông Nguyễn Văn Siêm - đại diện THT Thanh long ấp Bình Xuyên, cho biết: “Nông dân tham gia THT được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo hướng công nghệ cao, tiêu chuẩn GAP: Sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, tưới nước tiết kiệm, trồng thanh long bằng giàn,…, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất và đầu ra tương đối ổn định. Mới đây, trái thanh long có giá 5.000-6.000 đồng/kg, không ai mua nhưng thành viên THT vẫn bán được với giá 10.000 đồng/kg.Lợi rất nhiều, quanh năm suốt tháng mình không lo sợ giá thấp.Khâu chăm sóc rất quan trọng, nếu chăm sóc trái đẹp, đúng tỷ lệ thì bán được giá trên 10.000 đồng/kg.Hơn nữa, năng suất thanh long của chúng tôi luôn cao hơn vùng lân cận”.

“Ngoài các thành viên là nhà vườn ở ấp Bình Xuyên, còn có nhiều thành viên ở các ấp khác trên địa bàn xã Bình Quới tham gia THT.Từ khi thành lập đến nay, THT không ngừng phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ và trở thành một trong những đơn vị kinh tế hợp tác phát triển một cách bền vững ở địa phương. Hiện nay, chúng tôi vẫn tập trung sản xuất ƯDCNC theo sản phẩm sạch - GAP để đạt quy hoạch của huyện là 30ha thanh long ƯDCNC ấp Bình Xuyên. Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập hợp tác xã và tìm kiếm khách hàng, xây dựng kho và phát triển thêm thành viên.Hiện tại, mô hình sản xuất thanh long ƯDCNC này có nhiều lợi thế nhưng do chưa có nhà kho nên thành viên chưa dám mở rộng nhiều” - ông Siêm chia sẻ thêm.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quới - Phan Đại Bảo cho biết: Hiện nay, địa phương phát triển trên 100ha thanh long sản xuất ƯDCNC và nhờ các THT trên địa bàn mà mô hình trồng thanh long theo hướng GAP được phổ biến và ngày càng nhân rộng trong nhà vườn, từ đó giúp mô hình sản xuất trái thanh long đạt hiệu quả. Bởi, trái thanh long thực hiện theo chuẩn GAP xuất khẩu mạnh, người dân không bị ảnh hưởng bởi “cung vượt cầu”. Hiện địa phương có 7 THT.Tới đây, địa phương sẽ vận động các THT duy trì và mở rộng, vận động người trồng thanh long tham gia thực hiện mô hình GAP để bảo đảm đầu ra. Thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng rất quan tâm, hỗ trợ mô hình liên kết sản xuất này; đồng thời, tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nông dân áp dụng vào sản xuất” - ông Bảo cho biết thêm. 

Nông dân sản xuất thanh long ngày càng hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao

Chủ trương đúng đắn

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, tỉnh đang thực hiện Đề án Xây dựng vùng sản xuất thanh long ƯDCNC 2.000ha đến năm 2020 tại huyện Châu Thành. Mục tiêu của đề án là phát triển vùng sản xuất thanh long tập trung, ƯDCNC nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đưa vốn, kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người trồng, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của thanh long, là cơ sở vững chắc để tiến tới phát triển thương hiệu sản phẩm thanh long của tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ và hội nhập quốc tế. 4 năm qua, tỉnh triển khai thực hiện đề án được 2.082,05ha với khoảng 3.465 hộ tham gia, đạt 104,1% kế hoạch; đồng thời, xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long theo hướng VietGAP. Qua đó, nhiều nông dân thấy được ý nghĩa, hiệu quả của chương trình sản xuất theo hướng VietGAP đã tự nguyện đăng ký tham gia và thực hiện đúng các yêu cầu của VietGAP để được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng việc nâng giá trị sản phẩm thanh long và nhu cầu xuất khẩu; góp phần cải thiện môi trường sản xuất; giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sự phát sinh, gây hại của các loại sâu, bệnh cho cây trồng; làm tăng năng suất và chất lượng đối với sản phẩm thanh long. Kết quả cho thấy, nông dân không còn sử dụng phân gà tươi để bón và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Đặc biệt, mô hình tưới tiết kiệm giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động, tiết kiệm điện năng, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, sản xuất trong mô hình lợi nhuận tăng bình quân từ 2,5-5 triệu đồng/ha.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình cho biết: “Thời gian tới, để nông dân sản xuất thanh long đạt hiệu quả hơn, huyện tăng cường chỉ đạo các xã đẩy mạnh liên kết sản xuất, hình thành THT và hợp tác xã, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào cây thanh long, nhất là thanh long xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Mỹ và châu Âu, nâng cao giá trị trái thanh long Việt Nam. Ngoài ra, huyện sẽ xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất thanh long, hình thành các cơ sở bảo quản, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm thanh long.Huyện sẽ phối hợp Sở Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá sản phẩm tại một số nước. Đặc biệt, huy động sự liên kết “4 nhà” trong sản xuất - tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định và tính bền vững trong sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản hàng hóa. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo mô hình ƯDCNC, bảo đảm vệ sinh và chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết