Tiếng Việt | English

21/07/2020 - 11:22

Thanh long công nghệ cao góp phần nâng giá trị sản xuất

Từ chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông dân áp dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất trên cây thanh long ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nâng cao giá trị sản xuất

4 năm trở lại đây, tỉnh triển khai, thực hiện Đề án 2.000ha thanh long tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An với hơn 3.400 hộ tham gia, đạt trên 100% kế hoạch; đồng thời, xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long theo hướng VietGAP. Qua đó, nhiều nông dân thấy được ý nghĩa, hiệu quả của chương trình sản xuất theo hướng VietGAP nên đã tự nguyện đăng ký tham gia và thực hiện đúng các yêu cầu của VietGAP để được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn.

Thanh long góp phần phát triển kinh tế huyện Châu Thành

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần nâng giá trị sản phẩm thanh long và yêu cầu xuất khẩu. Đặc biệt, nông dân không còn sử dụng phân gà tươi để bón; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh; làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động, tiết kiệm điện năng, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mang lại lợi nhuận tăng bình quân từ 2,5-5 triệu đồng/ha.

Anh Nguyễn Văn Trung, ngụ xã Hòa Phú, là một trong số các hộ thực hiện thí điểm sản xuất thanh long ƯDCNC chia sẻ: “Tôi trồng thanh long theo giàn giúp cành phân tán đều, ít bệnh hơn, năng suất cũng cao hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống trước đây. Nhờ ƯDCNC vào sản xuất, thanh long có thể xuất khẩu với giá cao sang thị trường Mỹ, châu Âu và các thị trường khó tính.

“Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thanh long bước đầu làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân. Thu nhập của nông dân được nâng lên nhờ chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, xu thế phát triển của thế giới” - anh Trung cho biết thêm.

Ông Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Việc thực hiện Đề án Xây dựng vùng sản xuất thanh long ƯDCNC 2.000ha đến năm 2020 tại huyện Châu Thành góp phần phát triển vùng sản xuất thanh long tập trung, tạo điều kiện thuận lợi để đưa vốn, kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người trồng; đồng thời nâng cao giá trị xuất khẩu của thanh long, tiến tới phát triển thương hiệu sản phẩm thanh long của tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ và hội nhập quốc tế”.

Góp phần xây dựng nông thôn mới

Từ phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó chủ đạo là cây thanh long đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nông thôn mới (NTM) của huyện Châu Thành. Hiện toàn huyện có hơn 80% diện tích nông nghiệp chuyên canh cây thanh long đã nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện từ 22 triệu đồng/năm (năm 2012) lên gần 60 triệu đồng/năm (năm 2019) và giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,66% (năm 2012) xuống dưới 1% (năm 2019). Tháng 5/2020, huyện được công nhận là huyện NTM đầu tiên của tỉnh. Đây là kết quả bước đầu trong việc nâng cao chất lượng sống cho nông dân.

Thanh long sản xuất theo hướng công nghệ cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình cho biết: “Để được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện không ngừng nỗ lực, tập trung phát triển kinh tế địa phương và nâng cao đời sống người dân. Từ năm 2011 đến nay, trong xây dựng NTM, huyện huy động từ nhiều nguồn được trên 1.700 tỉ đồng để thực hiện các tiêu chí, tập trung xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm phục vụ sản xuất và đời sống”.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế và chú trọng đầu tư có trọng tâm đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhằm duy trì, giữ vững và nâng chất huyện NTM. Mục tiêu đến năm 2025, huyện phấn đấu xây dựng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, tất cả các xã trên địa bàn đều đạt xã NTM nâng cao” - ông Nguyễn Văn Thình thông tin thêm./.

Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần nâng giá trị sản phẩm thanh long và yêu cầu xuất khẩu. Toàn huyện hiện có hơn 9.890ha thanh long được cấp mã số vùng trồng và 120 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu được cấp mã số kho đóng gói.


Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích