Tiếng Việt | English

26/10/2020 - 14:39

“Bão chồng bão, lũ chồng lũ nên không được mất cảnh giác”

Thủ tướng: "Chúng ta đang trong tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ ở các tỉnh miền Trung. Vì vậy không được mất cảnh giác, chủ động phòng chống tốt nhất..."

Bão số 9 rất mạnh, di chuyển nhanh gây ra vùng ảnh hưởng rộng

Sáng 26/10, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó bão và mưa lũ ở miền Trung. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương tại các đầu cầu trực tuyến.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm  – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 9 hiện đang mạnh cấp 12 -13, tâm bão đang ở vị trí mấp mé ngoài biển Đông.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cuộc họp

“Dự báo bão số 9 khả năng có cấp độ lớn và di chuyển nhanh nên chúng tôi sẽ phát tin bão khẩn cấp ngay trong hôm nay. Khả năng trọng tâm bão số 9 sẽ đổ bộ vào Trung và Nam Trung Bộ, khu vực ảnh hưởng toàn miền Trung. Bão số 9 có điểm hơi khác với bão số 8, khi không có ảnh hưởng của không khí lạnh khô, di chuyển thấp hơn nên không có những yếu tố thuận lợi để giảm cường độ. Vì vậy, khả năng bão số 9 sẽ vẫn giữ cường độ ở mức cao khi đi vào bờ”, ông Khiêm nhấn mạnh.

Theo ông Khiêm bão số 9 có đặc điểm di chuyển nhanh, cường độ mạnh, phạm vi ảnh hưởng rất rộng (khu vực ảnh hưởng toàn miền Trung). Dự báo từ chiều 27 trên các vùng biển ven bờ đã chịu ảnh hưởng của gió mạnh, dông lốc. Đến đêm 27 sang ngày 28/10, hoàn lưu bão đã ảnh hưởng trực tiếp vào đất liền.

“Gió mạnh từ bão số 9 không chỉ ảnh hưởng ở các tỉnh ven biển miền Trung, mà các tỉnh Tây Nguyên cũng chịu ảnh hưởng gió tới cấp 8 – 9. Bão số 9 có cường độ lớn gây ra sóng cao tới 8 – 10m ở biển Đông. Nước dâng cao có khả năng tới 1m ở các vùng ven biển. Hướng di chuyển và cường độ của bão số 9 gây mưa rất rộng, dự kiến toàn miền Trung, phổ biến từ 200 – 400mm từ ngày mai đến 29/10. Ngày 27 – 28 bão tương tác với không khí lạnh sẽ gây mưa từ Nam Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình, Quảng Trị có mưa kéo dài đến 31/10, có thể tới 700mm (từ ngày 27 – 31/10)”, ông Khiêm thông tin.


Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Ông Khiêm cho biết thêm, các sông từ Nghệ An đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum có nơi nước dâng lên tới báo động 3. Cảnh báo nguy cơ cao đến rất xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực ở vùng núi trong những ngày tới.

“Bão chồng bão, lũ chồng lũ đang xảy ra nên không được mất cảnh giác”

Trong cuộc họp trực tuyến, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, hiện tỉnh này có 165 hồ chứa nước, các hồ lớn đã tích tới 40%, hồ nhỏ tới 50 – 60%. Mặc dù tỉnh này đã khẩn trương chỉ đạo sửa chữa các hồ chứa xuống cấp, nhưng vẫn còn 30 hồ chứa đang xuống cấp hư hỏng. UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo nếu những hồ nào còn có sự cố sẽ không tích nước trong thời gian tới.

“Bình Định còn 80 tàu đang trong vùng nguy hiểm, hiện đã thông báo cho các chủ tàu và họ đang trên đường vào nơi an toàn. Hiện nay, có 1 tàu đang mắc cạn, thủng lỗ có nguy cơ chìm, hiện các đơn vị chức năng của tỉnh đang ra cứu ngư dân và đưa tàu này vào nơi an toàn”, lãnh đạo tỉnh Bình Định chia sẻ.

Ông Trần Quang Hoài – Tổng cục Trưởng Tổng cục PCTT – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT cho biết: “Nếu tình hình diễn biến như dự báo thì phải sơ tán hơn 1,2 triệu người. Trong tối 27/10 phải thực hiện xong kiểm đếm, chỉ đạo các tàu thuyền vào nơi an toàn, nhất là những tàu vận tải. Lần này phải cương quyết cấm biển do cơn bão diễn ra quá lớn”.


Thiếu tướng Doãn Thái Đức – Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với Sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Thiếu tướng Doãn Thái Đức – Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với Sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn, triển khai hơn 36.000 lượt người và 3.500 phương tiện để ứng phó với bão số 9.

Quán triệt thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng, duy trì nghiêm công tác trực, chỉ đạo các đơn vị rà soát, phối hợp với các đơn vị của địa phương để ứng phó kịp thời. Tổ chức rút kinh nghiệm trong những cơn bão, lũ, áp thấp nhiệt đới đã qua để đưa ra những biện pháp ứng phó kịp thời.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cương quyết đưa dân trên lồng bè, khu vực xung yếu, trũng thấp,…vào nơi an toàn. Cần xử lý hình sự những chủ tàu thuyền, lồng bè không chấp hành, không cho người dân lên nơi an toàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phần lớn nước ở các hồ chứa ở khu vực ảnh hưởng của bão số 9 đã đầy. Mưa lớn, khiến nước tiếp tục đổ về và dâng cao ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Công tác cứu nạn cứu trợ sau bão lũ cần hết sức chú ý. Đảm bảo giao thông thông suốt, chuẩn bị lực lượng, hàng hóa có liên quan để hỗ trợ người dân. Quán triệt, tăng cường các biện pháp phải mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết