Tiếng Việt | English

19/09/2017 - 03:05

“Cất cánh” để hội nhập

10 năm gần đây, Long An trở thành một trong những tỉnh thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư với hàng loạt dự án tại các khu, cụm công nghiệp và là một trong những tỉnh, thành có nguồn thu ngân sách cao nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Những mặt hàng xuất xứ từ Long An luôn được các thị trường trong nước cũng như bạn bè khu vực biết đến. Long An đang trên đà “cất cánh” và hội nhập...

Hoàn thiện hệ thống giao thông - đòn bẩy phát triển kinh tế công nghiệp

Để khai thác thế mạnh phát triển công nghiệp tại 28 khu công nghiệp (KCN) và 34 cụm công nghiệp (CCN), không có giải pháp nào nhanh và bền vững hơn việc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hoàn chỉnh. Hệ thống này chính là lực hút, đòn bẩy trong phát triển kinh tế công nghiệp, đưa kinh tế Long An “cất cánh”.

Đường tỉnh 830 đang được đầu tư xây dựng, tạo động lực mới cho Long An phát triển công nghiệp

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh, những năm gần đây, hệ thống giao thông của huyện được đầu tư xây dựng khá toàn diện; trong đó, có những trục kết nối với các K,CCN. Đặc biệt, Cảng Quốc tế Long An chính thức đi vào hoạt động, tạo động lực mới cho huyện trong phát triển kinh tế. Nhưng để Cảng Quốc tế Long An hoạt động hiệu quả, rất cần hoàn thiện các công trình giao thông kết nối. Một trong những công trình được kỳ vọng lớn nhất không chỉ của Cần Giuộc mà còn của cả tỉnh nhà chính là Đường tỉnh 830 - tuyến đường huyết mạch kết nối các K,CCN. Trong thời gian không xa, khi tuyến đường này được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực mới cho cả 4 huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước trong việc phát triển kinh tế, nhất là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp; đặc biệt là tăng hiệu suất khai thác của Cảng Quốc tế Long An, thông thương về Cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM, tạo sự đồng bộ trong phát triển K,CCN - cảng đô thị của tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Chỉnh: “Nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này, sở được giao thực hiện nhiều công trình giao thông quan trọng của tỉnh. Nếu như nhiệm kỳ trước là Đường tỉnh 819 về Tân Hưng có ý nghĩa cả về chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế của vùng Đồng Tháp Mười và tuyến đường Bo Bo - Bình Thành phá thế độc đạo của vùng Đức Huệ thì nhiệm kỳ này, sở được giao thực hiện công trình trọng điểm Đường tỉnh 830 - tuyến đường huyết mạch tạo động lực mới trong khai thác tiềm năng, thu hút đầu tư của các K,CCN tại các huyện công nghiệp trong tỉnh. Bởi từ trước đến nay, dù các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc phát triển mạnh công nghiệp nhưng chưa có một tuyến đường giao thông nào đáp ứng yêu cầu vận chuyển, kết nối giữa các địa phương cũng như các K,CCN một cách toàn diện. Bên cạnh đó, sở còn thực hiện hàng loạt công trình giao thông khác nằm trong Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp, có sự tham gia đóng góp của chính những doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh”.

Từ chủ trương đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển công nghiệp, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào giữa tháng 10/2016, Long An ký 4 ghi nhớ đầu tư với tổng nguồn vốn đầu tư 14.300 tỉ đồng và 2,5 tỉ USD; chứng kiến ký kết 3 hợp đồng hợp tác đầu tư; trao 12 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với nguồn vốn đầu tư 4.332 tỉ đồng và 118 triệu USD. Cũng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, tỉnh giới thiệu, mời gọi đầu tư vào 16 dự án cụ thể với tổng vốn đầu tư 6.300 tỉ đồng và trên 7 tỉ USD, đưa Long An trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút đầu tư.

Đến gần hơn với bạn bè quốc tế

Một trong những hoạt động đưa Long An hội nhập với bạn bè quốc tế là các hoạt động xúc tiến thương mại. Những mặt hàng có xuất xứ từ Long An: Thanh long, chuối Fohla, chanh không hạt,... được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Các hoạt động xúc tiến thương mại góp phần đưa Long An đến với bạn bè quốc tế

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương - Trần Thanh Toản cho biết: “5 năm trở lại đây, trung tâm phối hợp các đơn vị và doanh nghiệp thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung - cầu nhằm giải quyết bài toán đầu ra cho các sản phẩm, mà chủ yếu là nông sản”. Theo ông Toản, hiện nay, 80-85% nông sản của tỉnh xuất khẩu tập trung vào thị trường Trung Quốc, một số ít được tiêu thụ tại các thị trường: Nhật Bản, Úc, Mỹ và các nước châu Âu. Tuy nhiên, quá trình thương thảo xuất khẩu hàng nông sản của tỉnh vẫn gặp những khó khăn nhất định, có khi từ chính quyền nơi nhập hàng hoặc vướng các thủ tục khi xuất hàng. Chính vì vậy, từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh cùng trung tâm tập trung mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc như Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai thông qua các hội nghị kết nối cung - cầu cũng như tại các hội chợ thương mại. Từ những hội nghị ấy, các đơn vị xuất khẩu của tỉnh có cơ hội đàm phán trực tiếp với Hiệp hội Xuất nhập khẩu rau quả của Trung Quốc trong việc bảo đảm tiêu thụ hàng hóa cũng như ngăn chặn tình trạng ép giá các mặt hàng xuất khẩu.

Các sản phẩm đặc trưng của Long An được bạn bè quốc tế đánh giá cao

Trong tương lai, ngoài thị trường Trung Quốc, trung tâm tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa những sản phẩm thế mạnh của tỉnh đến với những thị trường khó tính trên thế giới: Mỹ, Nhật và các nước châu Âu. Đây không đơn thuần là các hoạt động thương mại mà thông qua đó còn giới thiệu hình ảnh, tiềm năng phát triển của Long An đến với bạn bè quốc tế./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết