Tiếng Việt | English

23/10/2018 - 15:14

“Cuộc chiến” với rác thải sinh hoạt

“Cuộc chiến” với rác thải sinh hoạt chưa bao giờ “hạ nhiệt” tại tỉnh Long An. Lượng rác thải hàng ngày khá nhiều, trong khi đó, nhà máy xử lý rác (XLR) trên địa bàn tỉnh luôn trong tình trạng quá tải dẫn đến công tác quản lý rác, thu gom, XLR thải sinh hoạt luôn gặp khó khăn.

Công tác thu gom, quản lý và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn

Công tác thu gom, quản lý và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn

Rác quá tải!

Trên địa bàn huyện Đức Hòa, rác thải được chất thành từng đống lớn đặt dọc khắp các tuyến đường trung tâm xã Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông, Mỹ Hạnh Nam,... tạo nên cảnh tượng nhếch nhác. Chị Nguyễn Thị Thanh, ngụ xã Đức Hòa Hạ, chia sẻ, người dân sinh sống tại đây khá đông, lượng rác thải hàng ngày rất nhiều. Tuy nhiên, rác không có chỗ đổ và xử lý nên tồn đọng, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Không chỉ tại địa bàn huyện Đức Hòa, ở một số địa phương khác, nhất là các huyện tập trung đông dân nhập cư, vấn đề rác sinh hoạt cũng là điều khiến các địa phương “đau đầu”. Chính quyền địa phương ngoài tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng địa điểm, thời gian quy định, còn thành lập những lò đốt rác; khuyến khích các hội, đoàn thể chung tay cùng các cấp, các ngành giải quyết vấn đề về rác.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện tại, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại nguồn. Chất thải rắn phát sinh trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố do các địa phương chịu trách nhiệm kiểm soát và quản lý.

Mỗi ngày, khoảng 575 tấn chất thải rắn sinh hoạt (tăng 25 tấn/ngày so với cuối năm 2017) được thu gom, xử lý. Nhà máy XLR Tâm Sinh Nghĩa, huyện Thạnh Hóa tiếp nhận khoảng 220-230 tấn/ngày, bao gồm rác của TP.Tân An, các huyện: Châu Thành, Bến Lức, Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hóa và Đức Hòa (5-6 tấn/ngày). Công ty CP Vietstar, Khu liên hiệp Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM, tiếp nhận rác thải trên địa bàn huyện Đức Hòa với khối lượng khoảng 100-110 tấn/ngày. Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM, tiếp nhận và XLR của huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức (từ tháng 9/2018, xử lý trung bình 35 tấn/ngày), tổng cộng khoảng 125 tấn/ngày. Huyện Tân Hưng (khoảng 25 tấn/ngày), thị xã Kiến Tường và Mộc Hóa (khoảng 25 tấn/ngày) đã đầu tư lắp đặt lò đốt rác thải sinh hoạt. Huyện Vĩnh Hưng (khoảng 20 tấn/ngày) đổ tại bãi rác huyện. Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp xử lý bãi rác để sản xuất phân compost phục vụ nhu cầu của huyện. Huyện Đức Huệ, Thủ Thừa đổ tại bãi rác tạm của huyện (khoảng 40 tấn/ngày).

Tăng cường xử lý rác thải

Hiện nay, rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn các huyện chưa được thu gom triệt để do UBND các huyện chưa quy định cụ thể các tuyến thu gom, tần suất thu gom dẫn đến rác ứ đọng nhiều nơi, nhiều chỗ trên các trục đường gây mất mỹ quan và phát sinh mùi hôi thối. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn 2 huyện (Đức Huệ, Thủ Thừa) đổ tại bãi rác tạm của huyện nên ô nhiễm môi trường cục bộ tại 2 vị trí này.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Phan Nhân Duy cho biết, giải pháp sắp tới, ngành tham mưu UBND tỉnh tiếp tục làm việc với UBND TP.HCM về việc thống nhất giao 5ha đất để đầu tư nhà máy XLR 1.000 tấn/ngày. Đồng thời, tỉnh làm việc với Công ty VWS Long An sớm triển khai dự án XLR thải tại Khu Công nghệ Môi trường xanh huyện Thủ Thừa, trước mắt là đầu tư ngay lò đốt rác 250 tấn/ngày để giải quyết khó khăn cho các địa phương, chậm nhất quí I/2020 phải hoàn thành. Sau đó, tỉnh tiếp tục thỏa thuận với TP.HCM về việc hỗ trợ tiếp nhận chất thải sinh hoạt của các huyện tiếp giáp: Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức trong thời gian chờ dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh huyện Thủ Thừa đi vào hoạt động.

Về kế hoạch thu gom, vận chuyển, XLR thải sinh hoạt từ nay đến quí I/2020, ông Duy nhấn mạnh: Huyện Tân Hưng tiếp tục XLR tại lò đốt của huyện; Kiến Tường, Mộc Hóa XLR tại lò đốt tại xã Bình Hiệp (Kiến Tường) với công suất 25 tấn/ngày; huyện Vĩnh Hưng XLR tại bãi rác đang cải tạo, nâng cấp 20 tấn/ngày. Các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Thủ Thừa và TP.Tân An, một phần của huyện Bến Lức và một phần huyện Đức Hòa xử lý tại Nhà máy XLR Tâm Sinh Nghĩa, công suất 250 tấn/ngày.

Người dân tập trung thu gom, phân loại rác

Người dân tập trung thu gom, phân loại rác

Trong khi đó, hiện huyện Bến Lức chuyển rác sinh hoạt về Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh khoảng 35 tấn/ngày. Đồng thời, dự kiến đến quí I/2019, khu liên hợp trên sẽ tiếp nhận rác của địa phương này lên 80 tấn/ngày. Sau khi giảm lượng rác thải của huyện Bến Lức về Nhà máy XLR Tâm Sinh Nghĩa, tỉnh tiếp tục chuyển rác thải của 2 huyện Đức Huệ và Thủ Thừa về Nhà máy XLR Tâm Sinh Nghĩa để xử lý, tập trung xử lý ô nhiễm tại 2 bãi rác của 2 huyện này.

Riêng huyện Đức Hòa tiếp tục thu gom, vận chuyển rác về Khu liên hiệp XLR thải Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM. Các huyện: Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước thu gom, vận chuyển rác về Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước, TP.HCM.

Dự kiến, sau quí I/2020, Long An sẽ có nhà máy XLR thải bằng công nghệ đốt tại Khu Công nghệ Môi trường xanh. Do đó, việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ chủ yếu tập trung vào Nhà máy XLR Tâm Sinh Nghĩa và Khu Công nghệ Môi trường xanh. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ làm việc với Công ty Tâm Sinh Nghĩa, tham mưu UBND tỉnh theo hướng thu hồi một phần đất khu vực dự án Tâm Sinh Nghĩa để kêu gọi nhà đầu tư khác có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư nhà máy XLR bảo đảm công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường hoặc đề nghị Công ty Tâm Sinh Nghĩa nâng công suất xử lý tại nhà máy, xây dựng thêm lò đốt công nghệ tiên tiến để đáp ứng xử lý lượng rác.

Để việc thu gom, vận chuyển, XLR thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đi vào nền nếp, sở đề nghị UBND các huyện, các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 09/CT-UBND, ngày 16/8/2018 của UBND tỉnh tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường ý thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất thải rắn./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích