Máy hàn pin tự động vừa được đầu tư tại Công ty TNHH Năng lượng Mặt Trời Đỏ Long An
Thay đổi công nghệ
Được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương với số tiền 100 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Hồng Gia Vy (ấp Bình Thạnh, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) đầu tư máy ly tâm tách nước với công suất 400kg/giờ, giúp rút ngắn thời gian sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Hồng Gia Vy - Nguyễn Thị Cẩm Hồng cho biết: DN chuyên sản xuất bột gạo, bột nếp cung cấp cho các đơn vị chế biến và đóng gói ở TP.HCM. Công nghệ sản xuất bột nguyên liệu có nhiều công đoạn, gạo, nếp sau khi ngâm được đưa qua máy xay thành bột lỏng; bột lỏng cho vào máy ly tâm kết hợp hút chân không để tách nước nhanh hơn, tỷ lệ hao hụt thấp. Công nghệ mới cho chất lượng bột ổn định, giá thành giảm do rút ngắn thời gian tách nước. Công nghệ máy ly tâm tách nước còn giúp DN tiết kiệm số lượng lao động cho khâu tách nước.
Chạm khắc gỗ có truyền thống lâu đời ở Long An và được nhiều nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn tỉnh giữ nghề, truyền nghề từ đời này sang đời sau. Nghệ nhân Võ Văn Út, ngụ ấp 3A, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, gắn bó với nghề gần 15 năm nay. Sản phẩm do anh Út làm ra được nhiều người ưa chuộng. Anh Út cho biết: “Nghề điêu khắc đòi hỏi lao động có trình độ nghệ thuật cao nhưng lao động khan hiếm, thanh niên hiện nay ít người theo học nghề này. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường và giải quyết tình trạng khan hiếm lao động, tôi quyết định đầu tư ứng dụng máy chạm khắc gỗ tự động nhằm tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm”.
Để khuyến khích cơ sở thay đổi công nghệ sản xuất và tạo ra sản phẩm hàng loạt đáp ứng nhu cầu thị trường, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (gọi tắt là trung tâm) phối hợp hộ kinh doanh Mạnh Phát do anh Út làm chủ xây dựng Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy chạm khắc tự động trong sản xuất - gia công gỗ mỹ nghệ”. Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 250 triệu đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng.
Anh Út cho biết thêm: “Sau khi có thiết kế mẫu trên máy tính, máy chạm khắc gỗ có thể chạm khắc cùng lúc 4 mẫu sản phẩm và cho ra 300 sản phẩm/tháng (trước đây, làm thủ công chỉ tạo ra 20 sản phẩm/tháng), chất lượng đồng đều. Ngoài ra, anh Út còn đầu tư thêm máy CNC dành cho làm tranh 3D, 4D theo yêu cầu của khách.
Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lợi - Phạm Anh Dũng cho biết: Hộ anh Út được hỗ trợ nguồn kinh phí khuyến công giúp thay đổi công nghệ sản xuất, góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống theo Quy hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2020 của UBND tỉnh.
“Đòn bẩy” để doanh nghiệp tăng tốc
Là DN tiên phong và có đóng góp lớn vào ngành năng lượng mặt trời, Công ty TNHH Năng lượng Mặt Trời Đỏ Long An (Cụm công nghiệp Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) vừa tích cực sản xuất, vừa nghiên cứu, tìm tòi công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Để tiếp tục hỗ trợ công ty nâng cao năng lực sản xuất, trung tâm phối hợp DN xây dựng Đề án “Ứng dụng máy hàn pin tự động” với công suất 10kW trong dây chuyền sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 2,3 tỉ đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 200 triệu đồng, công ty đầu tư máy hàn pin tự động thay cho công đoạn thực hiện bán thủ công trước đây. Đề án được nghiệm thu vào giữa năm 2017.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Mặt Trời Đỏ Long An - Diệp Bảo Cánh thông tin: Tổng kinh phí thực hiện đề án khá lớn so với kinh phí từ chương trình khuyến công hỗ trợ, nhưng đó là “đòn bẩy” giúp DN đẩy nhanh hoạt động đầu tư trang thiết bị nhằm tăng năng lực sản xuất. Khi đầu tư máy hàn pin tự động, công suất cả nhà máy tăng thêm 10%. Công suất hiện tại của nhà máy tại Long An trên 12MW/năm. Năng lực sản xuất hiện tại doanh nghiệp góp phần làm giảm 13.000 tấn CO2, một loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính. Theo kế hoạch, đầu năm 2018, công ty tiếp tục đầu tư thêm 1 máy hàn pin tự động và năm 2019 sẽ đầu tư thêm 2 máy nhằm năng cao năng lực và chất lượng sản phẩm.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh - Nguyễn Văn Bôn cho biết: Năm 2017, được sự chỉ đạo từ Sở Công Thương, trung tâm xây dựng kế hoạch và đề án hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị cho một số hợp tác xã, DN với tổng kinh phí khoảng 1 tỉ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh. Ngoài ra, Bộ Công Thương hỗ trợ khoảng 1,36 tỉ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia để trung tâm hỗ trợ DN đổi mới trang thiết bị, mua sắm máy móc nhằm tự động hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, trung tâm tiếp tục khảo sát, lập kế hoạch xây dựng đề án nhằm tiếp tục hỗ trợ DN trong năm 2018./.
Gia Hân