Không chỉ người trồng lúa rơi vào điệp khúc “được mùa - rớt giá”, với người chăn nuôi heo cũng đang rơi vào hoàn cảnh này. Trong khi heo đầy chuồng thì giá thịt heo liên tục sụt giảm sâu, người chăn nuôi bị lỗ nặng, phải rơi vào cảnh nợ nần, phá sản.
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Xuân Hồng cho biết: Cung vượt quá cầu, thị trường Trung Quốc đóng cửa và chất lượng thịt là những nguyên nhân chính làm cho giá thịt heo rơi vào “khủng hoảng”.
Trong khi giá heo hơi liên tục giảm sâu thì giá thịt ở chợ, siêu thị vẫn cao, còn những người không có đủ điều kiện để ăn thịt heo,... Đó là những nghịch lý mà người chăn nuôi heo phải gánh chịu.
Không đợi đến khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khởi xướng kế hoạch “giải cứu người chăn nuôi heo”, tỉnh Long An chủ động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho nông sản và thịt heo. Tuy nhiên, điều kiện các doanh nghiệp tiêu thụ thịt heo ở thị trường TP.HCM đưa ra khắt khe, phải có nguồn gốc, khó cho những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ.
Trước mắt, để giải cứu người chăn nuôi heo thì chính quyền, ngành Công Thương cần tác động đến các ngân hàng để khoanh nợ, giãn nợ, đề nghị doanh nghiệp cung cấp thức ăn, thú y tham gia giảm giá, chia sẻ lợi ích, khó khăn với người chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, đưa thịt heo vào các khu, cụm công nghiệp, phiên chợ công nhân, bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp. Với những DN có điều kiện đông lạnh thì tăng cường thu mua trữ hàng, góp phần ổn định thị trường; tăng cường tìm biện pháp khuyến khích doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu,... Người tiêu dùng thì ủng hộ người chăn nuôi, ưu tiên dùng thịt heo, sản phẩm thịt heo có nguồn gốc nội địa.
Về lâu dài, ngành nông nghiệp cần quy hoạch phù hợp ngành chăn nuôi heo, quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, an toàn vệ sinh thú y, cơ sở giết mổ hiện đại, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Khuyến khích người chăn nuôi nhỏ liên kết trong các tổ, đội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ để quản lý con giống, quy trình chăn nuôi, đầu ra,... Ngành Công Thương vào cuộc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức hệ thống phân phối, bán lẻ phù hợp, bớt khâu trung gian. Đồng thời, ngành Công Thương và Y tế tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các tiểu thương, hàng quán bán thịt bẩn.
Tóm lại, chăn nuôi heo là một nghề, là điều kiện để nông dân sống, xóa đói, giảm nghèo, Nhà nước và ngành chức năng cần phải có quy hoạch lâu dài và đồng bộ, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường, có biện pháp quản lý, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ người chăn nuôi không rơi vào điệp khúc “được mùa - rớt giá” như hiện nay; đó cũng là giải pháp bảo đảm tăng trưởng hợp lý về nông nghiệp./.
Kim Quy