Tiếng Việt | English

24/04/2017 - 19:52

Họp khẩn kêu gọi doanh nghiệp giải cứu ngành chăn nuôi lợn

 

Chăm sóc đàn lợn nuôi. (Nguồn: TTXVN)

Tình trạng giá lợn hơi đang sụt giảm mạnh ở mức chạm đáy “kỷ lục” từ trước đến nay khiến người chăn nuôi trong nước hết sức điêu đứng. Do đó, sáng nay (24/4) Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức cuộc họp khẩn để kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức hiệp hội cùng đồng hành, hỗ trợ “cứu” người chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn này và tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững.

“Trang trại lớn cũng khó trụ”

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, tình trạng giá thịt lợn giảm mạnh trong nhiều tháng qua và chưa có dấu hiệu phục hồi là do cung vượt quá cầu. Mặt khác, việc tổ chức ngành hàng cũng chưa tốt.

“Trong tổ chức sản xuất hiện nay, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45% tổng đàn nuôi, 55% vẫn ở quy mô hộ nhỏ lẻ. Hiện có khoảng xấp xỉ 3 triệu hộ nhỏ lẻ tham gia chăn nuôi lợn. Nguyên nhân dẫn đến giá thành cao và rất khó kiểm soát theo chuỗi bởi các khâu đều tách rời, dẫn đến khi thị trường có sự cố rủi ro như hiện tại, rất thiệt thòi cho người sản xuất nhỏ,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, khâu chế biến hiện là khâu yếu nhất trong ngành chăn nuôi, hầu hết vẫn tiêu thụ theo kiểu truyền thống, tiêu thụ thịt tươi. Khâu tổ chức thị trường kể cả nội địa và xuất khẩu kém, chưa phát triển. Hiện các lò giết mổ tập trung ít, nên mạng lưới phân phối theo hướng hiện đại chưa làm được, thịt vẫn ít vào siêu thị, trung tâm thương mại và chủ yếu được bán ở các chợ truyền thống.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, nặng lực sản xuất trong nước hiện đã vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa. Đặc biệt là mặt hàng thịt lợn đang đối mặt với những bất lợi rất lớn về thị trường. Giá lợn hơi loại tốt (khối lượng trung bình từ 100-110kg/con) đã xuống thấp dưới 28.000 đồng/kg, có nơi xuống dưới 25.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Nếu tình trạng này kéo dài hầu hết các hộ chăn nuôi và ngay cả những trang trại lớn cũng khó trụ được, kéo theo nhiều hệ lụy đối với các hoạt động kinh doanh đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là đối với các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi,” ông Dương cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc giải cứu giúp người chăn nuôi. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp thực hiện giảm giá đầu vào để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, cũng chính là giúp đỡ doanh nghiệp phát triển bền vững. Nông dân phát triển ổn định sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp phát triển tốt.

Doanh nghiệp cam kết giảm giá nguyên liệu

Thực hiện chủ trương này của Bộ, tại cuộc họp, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi cũng đã cam kết thực hiện giảm giá nguyên liệu để “cứu” người chăn nuôi, một số doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi cũng cam kết “tăng giá thu mua lợn cho bà con, giảm giá thịt cho người tiêu dùng với hình thức mua đắt-bán rẻ để hỗ trợ người nông dân.”

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, ngay sau khi giá lợn giảm sâu, doanh nghiệp cũng đã chủ động thực hiện giảm giá con giống và thức ăn chăn nuôi.

“Doanh nghiệp đã tăng cường bán thịt lợn theo miếng, chế biến thành xúc xích, thuê kho cấp đông và tăng cường chế biến sâu để giải quyết lượng hàng tồn đọng cho người dân,” ông Vũ Anh Tuấn chia sẻ.

Mặt khác, ông Tuấn cũng đề xuất, hiện một số nông dân đang cố gắng vay vốn để giữ đàn lợn phục vụ xuất khẩu. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách cụ thể để người nông dân có hướng chăn nuôi. Công ty CP Việt Nam cũng cam kết sẽ tiếp tục giảm đàn lợn và giá thức ăn để giúp người nông dân.

Ông Phạm Văn Học, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng cho biết, hiện giá thức ăn của doanh nghiệp đã giảm từ 5-7% đồng thời cũng giảm giá bán con giống. Trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp cũng thực hiện không tăng đàn đồng thời thực hiện áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng đàn lợn nái và xem xét xây dựng nhà máy giết mổ lợn trong năm nay để nâng cao năng lực chế biến thực phẩm.

Đại diện tập đoàn Dabaco cũng đề xuất, Bộ cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường để cảnh báo cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp. Đồng thời doanh nghiệp cũng kiến nghị tạm dừng tạm nhập tái xuất thịt lợn để giải quyết nguồn cung dư thừa thịt lợn hiện nay, giành thị trường cho thịt lợn nội địa.

Đánh giá cao cam kết hỗ trợ ngành chăn nuôi của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp vào cuộc một cách quyết liệt và thực hiện có tính lan tỏa, để người chăn nuôi và toàn ngành chăn nuôi vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các các hiệp hội, doanh nghiệp lớn tập trung vào cung ứng các sản phẩm đầu vào đồng thời cùng nhiều doanh nghiệp đang tập trung cùng với các vệ tinh của mình trực tiếp tham gia chuỗi chăn nuôi về con lợn, trong thời gian nhanh nhất có chương trình hành động thiết thực, tích cực và cụ thể để hỗ trợ người chăn nuôi.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, giải pháp trước mắt các doanh nghiệp cần giảm ngay các yếu tố đầu vào, hạ giá thành cám, giống, thuốc thú y…gỡ khó cho người chăn nuôi trong thời điểm hiện nay. Đây cũng chính là giải pháp doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tự giúp mình, hướng đến phát triển bền vững, còn về giải pháp trung và dài hạn, Bộ sẽ tiếp tục tập trung đi sâu hơn vào những giải pháp căn cốt để tiến tới xây dựng một ngành chăn nuôi lợn hiệu quả và bền vững.

Đặc biệt, Bộ trưởng cũng chỉ đạo và giao các đơn vị cơ sở tiến hành tổng hợp và thống kê danh sách các doanh nghiệp có hành động cụ thể tham gia giải cứu ngành chăn nuôi lợn dịp này để Bộ sẽ có thư khen gửi đến các doanh nghiệp.

Được biết, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản kiến nghị Chính phủ tạm dừng tạm nhập, tái xuất thịt lợn. Đồng thời đề nghị các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi lợn nái, tiến tới giảm lượng lợn thương phẩm bởi đã xuất hiện tình trạng vượt quy hoạch ngành (hiện đàn lợn nái đã lên 4,2 triệu con, cần giảm xuống mức 3 triệu con vào năm 2019). Theo đó, Bộ cũng kêu gọi các doanh nghiệp, các đơn vị quân đội tổ chức thu mua lợn cấp đông tiêu thụ hỗ trợ người chăn nuôi./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết