Tiếng Việt | English

05/09/2015 - 05:39

“Hoãn hay tăng”: Đâu là sự lựa chọn của FED?

Thời khắc FED công bố quyết định cuối cùng về việc tăng lãi suất đang cận kề. Tuy nhiên, giới tài chính toàn cầu đang có những đồn đoán khác nhau.

Hoãn hay tăng lãi suất đồng USD, là vấn đề hệ trọng vì đồng tiền này có vị thế toàn cầu, trong đó Mỹ lại là nền kinh tế lớn nhất và đang trở lại vị thế đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm.

Liệu có trì hoãn thêm…

Trì hoãn việc tăng lãi suất thêm một thời gian nữa là kịch bản không phải là không có lý. Bởi vì trong bối cảnh “cuộc đua” nới lỏng tiền tệ và giảm giá đồng nội tệ của nhiều nước gia tăng, trong đó có cả các đồng tiền nằm trong “rổ tiền” toàn cầu và ở các nền kinh tế lớn có vị thế khu vực và quốc tế như: euro (Eurozone), yen (Nhật Bản), đô la (Canada), france (Thụy Sỹ), NDT (Trung Quốc)…


FED vẫn đang cân nhắc phương án tăng lãi suất trong tháng này. (Ảnh minh họa: KT).

Mới đây nhất, ngày 3/9 Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại vừa hạ bớt mức dự báo lạm phát và sẽ tiếp tục mở rộng các giải pháp nới lỏng định lượng (QE) khi nền kinh tế có diễn biến xấu hơn.

ECB tuy thông báo sẽ không thay đổi lãi suất, nhưng đã điều chỉnh giảm mức dự báo lạm phát trong năm nay chỉ ở mức 0,2%, thay cho dự báo trước đó là 2%, do dầu giảm giá kỷ lục và sự tác động của thị trường Trung Quốc chao đảo.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo “nên cân nhắc tới việc mở rộng các gói nới lỏng định lượng”. Còn đa số các chuyên gia lại cho rằng “kéo dài các gói QE là lựa chọn khả dĩ nhất”.

Cũng có những chuyên gia phản đối đợt tăng lãi suất này, đáng chú ý nhất là ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) và IMF. Họ luôn yêu cầu FED hoãn lại việc tăng lãi suất cho đến khi kinh tế thế giới có dấu hiệu lạc quan hơn.

Yao Yudong - người đứng đầu Viện nghiên cứu tài chính và ngân hàng thuộc PBOC, tuần trước đã đổ lỗi cho FED về những hỗn loạn trên thị trường và cho rằng “Mỹ nên hoãn lại việc tăng lãi suất” đến khi tình tài chính toàn cầu ổn định hơn.

Trong giới chuyên gia cũng có ý kiến cho rằng, FED tăng lãi suất vào thời điểm hiện nay, có thể làm cho đồng USD giá cả đang ở mức cao lại càng cao hơn; sự khởi sắc của nền kinh tế Mỹ có thể suy giảm động lực; các chỉ số về việc làm, lạm phát, sức mua, xuất khẩu và tăng trưởng sẽ khó đạt được như kỳ vọng.

Hay vẫn tăng theo kế hoạch…

Giới lãnh đạo các Ngân hàng trung ương hầu khắp thế giới đang khuyến khích những người đồng cấp ở Mỹ rằng “FED có thể làm điều đó mà không cần phải trì hoãn thêm nữa”.

Trong hội nghị ngân hàng trung ương toàn cầu diễn ra hồi tuần trước ở Jackson Hole, thông điệp mà dư luận nhận được là không loại trừ khả năng thực hiện những bước đầu tiên của FED trong lộ trình thắt chặt tiền tệ vào trung tuần tháng 9 này.

Hội nghị ở Jackson Hole diễn ra ngay sau khi thị trường tài chính thế giới có những bất ổn với các chỉ số đồng loạt “lao dốc không phanh” do lo ngại tình hình suy thoái ở Trung Quốc, nhưng sau đó lại có sự phục hồi trở lại.

Tuy nhiên, giới chức tài chính một số nước cho rằng: “Nếu FED có những biện pháp thắt chặt tiền tệ, thì đó sẽ là do lạm phát đang tăng lên, nhưng quan trọng hơn là thất nghiệp sẽ giảm và kinh tế sẽ hồi phục. Đối với chúng tôi, đó là một tin rất tốt”.

Được biết, từ thời chủ tịch của FED là Ben Bernanke đã khởi xướng một đợt tăng lãi suất trái phiếu toàn cầu khi ông ngụ ý rằng ngân hàng trung ương chuẩn bị giảm quy mô chương trình mua trái phiếu của mình.

Tuy nhiên, hai năm sau đó, FED lại nói rằng sẽ có sự thay đổi trong chính sách. “Đối với các thị trường mới nổi, những nền kinh tế nhỏ hơn, họ thường sẽ tìm kiếm một đồng tiền yếu hơn. Vì thế, từ quan điểm của họ, một bước đi thắt chặt tiền tệ của FED có thể sẽ giúp làm yếu đồng nội tệ của họ và giúp họ làm được những gì mà họ muốn”.

Thống đốc ngân hàng dự trữ Ấn Độ Raghuram Rajan cho rằng, tăng lãi suất “Đó là một sự kiện đã được dự báo từ lâu. Đến lúc nào đó nó phải diễn ra, mọi người đều biết rằng nó phải xảy ra - nhưng hãy chọn đúng thời điểm”. Phó thống đốc ngân hàng trung ương Indonesia Mirza Adityaswara còn nói: “Càng chắc chắn xảy ra thì càng tốt”.

Một giới chức Hàn Quốc cũng ủng hộ quan điểm trên cho rằng: “Một đợt tăng lãi suất vào một thời điểm đã được mong chờ trước sẽ là tốt hơn vì nó sẽ xóa tan những sự nghi ngờ và cũng có nghĩa rằng hồi phục kinh tế của Mỹ đang được xem là bền vững”.

Có thể ở mức khiêm tốn…

Tuy nhiên, đồng USD vẫn tiếp tục tăng giá so với đồng Euro và Yên trước thềm hội nghị của cả ECB và FED. Trong phiên giao dịch ngày 3/9, sau khi các nhà đầu tư cân nhắc các rủi ro toàn cầu toàn cầu đã dần ổn định.

Đồng USD đã tăng 0,3% lên mức 120,655 yen, hồi phục mạnh mẽ từ mức thấp 119,255 yen trước đó. Trong khi, đồng euro giảm xuống 1,1210 USD, tiếp tục mở rộng đà giảm 0,8% so với ngày hôm trước.

Các chiến lược gia tại Barclays dự đoán: “Chúng tôi dự đoán rằng một thông báo về nền kinh tế suy yếu và quyết định nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ là 2 điểm trọng tâm được đưa ra trong cuộc họp” của ECB.

Như vậy, sau 6 năm nằm ở mức đáy, việc tăng lãi suất của FED nhiều khả năng sẽ “khơi dậy” một làn sóng điều chỉnh mới vì các quốc gia sẽ phải đối mặt với một đồng USD mạnh, thậm chí mạnh hơn, cũng như các dòng vốn sẽ chảy ra khỏi một số thị trường mới nổi và những thay đổi về giá cả của một số hàng hóa trên thị trường toàn cầu.

Theo giới phân tích, với các nhà hoạch định chính sách, điều này có thể mang lại nhiều thứ tốt lành hơn so với những khó khăn mà họ phải đối phó.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng: “FED chỉ nên chọn kịch bản tăng lãi suất nhưng ở mức khiêm tốn (0,25% – 0,50%) là phù hợp”./.

Nguyễn Nhâm/VOV.VN

Chia sẻ bài viết