Tiếng Việt | English

12/01/2016 - 15:40

“Nghiệp cơ khí” của người anh hùng nông dân

Gần cả cuộc đời là nông dân, gắn bó với ruộng đồng, rồi từ sự gắn bó đó, ông Bùi Hữu Nghĩa ở ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An trở thành anh hùng - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Với hàng loạt những sáng chế phục vụ cho nông nghiệp, ông góp phần thực hiện giấc mơ cơ giới hóa cánh đồng lớn từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc đến thu hoạch.

Ông Chín Nghĩa hướng dẫn con trai đưa máy liên hợp chăm sóc lúa ra đồng

Ngày còn trẻ, chàng sinh viên cơ khí Bùi Hữu Nghĩa phải bỏ dở nghiệp học hành theo gia đình đi khai hoang, vỡ đất, rồi gắn bó với ruộng đồng Long Thạnh cho đến bây giờ. Giữa những tháng ngày nhân công ngày một hiếm khi người trẻ rời quê đi học hoặc đi làm công nhân ngày một nhiều, nhu cầu về máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng cao hơn, thì “máu” cơ khí trong ông “nổi dậy” và ông bắt đầu sáng chế.

Từ những năm 1998, ông Nghĩa đã là chủ nhân của những sáng chế khoa học-kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả như: Máy gặt xếp dãy, gặt đập liên hợp, phun thuốc, thu hoạch đay, gieo hạt,… Đó là những sản phẩm gây tiếng vang và được nhiều người biết đến. Còn những sản phẩm khác thì như ông nói “nhiều lắm, nhưng không bằng mấy cái kia nên tui không kể”. Và hiện nay, cái tên Chín Nghĩa (tên thường gọi của ông Bùi Hữu Nghĩa) trở nên nổi tiếng, không chỉ với người dân địa phương mà còn lan sang các huyện, tỉnh khác.

Ông Nghĩa kể, ngày đó Long Thạnh còn chưa có điện, cuộc sống khó khăn, nhìn thấy ông ngày thì lặn lội đi tìm nguyên liệu, tối đến lại chong đèn dầu bên những ốc, vít, máy móc, không ít người lắc đầu ngán ngẫm. Dù thất bại nhiều hơn thành công nhưng rồi những sáng chế đầu tiên được mọi người biết đến vì tính hữu dụng của nó.

Vốn là nông dân nên ông biết rõ nông dân cần gì, muốn gì cũng như hiểu được đặc tính đất ruộng ở “vựa lúa miền Nam” như thế nào. Bằng sự đam mê sáng tạo, kiên trì, ông Chín Nghĩa được nông dân cả nước biết đến với máy gặt xếp dãy. Nông dân ở tận Cà Mau, Kiên Giang cũng tìm đến cửa hàng cơ khí Chín Nghĩa đặt mua máy. Thời điểm đó, hơn 10 ngàn chiếc máy gặt được xuất xưởng đi khắp mọi miền đất nước.

Rồi nhiều sáng chế khác lần lượt ra đời: Máy gặt đay, máy gặt đập liên hợp, máy gieo hạt,… Ông Chín Nghĩa chưa bao giờ ngừng đòi hỏi bản thân tạo ra những sản phẩm mới giải phóng nông dân khỏi lao động chân tay vất vả. Có máy gieo hạt, ông lại muốn có máy phun thuốc, rồi muốn có máy bón phân,...

Mới đây nhất, ông cho ra đời chiếc máy liên hợp chăm sóc lúa. Chỉ với 1 máy, nông dân có thể sử dụng để gieo hạt, bón phân và phun thuốc với công suất 30 phút/ha. Mỗi vụ mùa, thay vì phải mất khoảng 3 triệu đồng thuê nhân công, thì nay nông dân chỉ mất khoảng 500 ngàn đồng (chi phí cho 10 lít xăng và 1 nhân công) vẫn có thể hoàn thành cùng khối lượng công việc trên 1ha đất lúa. Chiếc máy được ông ứng dụng thành công trên ruộng lúa của nhà mình được 2 mùa, và sẽ đưa đi dự thi sáng tạo khoa học-kỹ thuật nhằm giới thiệu đến bà con nông dân trong tỉnh.

Có mặt trong một buổi máy phun thuốc hoạt động trên đồng, chúng tôi không khỏi thú vị khi chiếc máy có thể phun thuốc trên diện tích rộng và chỉ để lại 2 vệt bánh như 2 rãnh nước. Trên đường đi công việc, anh Nguyễn Văn Sáu ở Cao Lãnh, Đồng Tháp phải dừng xe nhìn chiếc máy “lạ” đang phun thuốc trên đồng. Anh Sáu nói: “Có việc đi ngang qua đây, thấy cái máy này hay hay nên tôi đứng lại xem. Ở quê tôi chưa thấy bao giờ, nó tiện lợi hơn về nhân công, có ích cho nông dân đó. Khi về thế nào tôi cũng nói lại cho bà con ở địa phương mình biết”.

Đâu cần phải là kỹ sư bằng cấp cao, học vị lớn, chỉ với niềm đam mê sáng tạo, cùng với kinh nghiệm thực tế, nông dân Bùi Hữu Nghĩa đã trở thành anh hùng. Ông không chỉ là Anh hùng Lao động được Nhà nước phong tặng, mà ông còn là anh hùng trong lòng những nông dân chân lấm tay bùn.

Hiện nay, ông lại ấp ủ sáng chế chiếc máy thu hoạch mè cho bà con trồng mè đỡ cực. Ông nói: “Tui thấy trên vùng Vĩnh Hưng người ta trồng mè có hiệu quả, nhưng thu hoạch cực quá. Tui đang tính để một ít đất trồng mè, vừa thử xem có phù hợp thổ nhưỡng không, vừa có ruộng mè thực nghiệm để chế tạo máy thu hoạch”.

Giờ đây, xưởng cơ khí nhà ông Chín Nghĩa không còn là “xưởng cơ khí chỉ có 3 người”, và ông cũng không còn “đơn độc” trên con đường sáng tạo của mình. Bên cạnh ông có sự hỗ trợ của các nhà khoa học Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch. Họ sẵn sàng hỗ trợ “anh Chín” mỗi khi ông có vấn đề gì chưa thấu suốt. Và đặc biệt, sát cánh cùng ông là người con trai vừa tốt nghiệp Đại học Nông lâm Khoa Cơ khí. Đó sẽ là động lực để anh hùng Chín Nghĩa tiếp tục con đường sáng tạo của mình vì lợi ích của nông dân./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết