Tiếng Việt | English

13/12/2015 - 09:33

​Người Việt chưa già đã... đổ bệnh

Bà Nguyễn Thị Khá - ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói rất lo ngại chuyện “chưa già đã đổ bệnh” do tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức báo động hiện nay.

 Bà Nguyễn Thị Khá

Việt Nam đang ở thời điểm dân số vàng, tuy nhiên nhiều chuyên gia đã cảnh báo vấn đề “chưa giàu đã già”, với hàm ý chúng ta không tận dụng được lợi thế dân số vàng để phát triển kinh tế mà sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Ở một lĩnh vực khác, liên quan rất mật thiết, tôi lại lo ngại về chuyện “chưa già đã đổ bệnh”. Đó là tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức báo động hiện nay.

Có lẽ tôi không cần phản ảnh lại thực trạng, vì bức xúc này đã được nêu lên ở rất nhiều diễn đàn khác nhau và nó đã đi vào câu chuyện thường ngày trong đời sống xã hội.

Ngay sáng nay (12-12), tôi xem phóng sự trên truyền hình thấy người ta trồng rau muống bằng nhớt thải và hóa chất, thật không thể chấp nhận được kiểu làm ăn coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác như thế. Vậy mà nó vẫn ngang nhiên tồn tại.

Vấn đề cần bàn bây giờ là giải pháp. Thực phẩm độc hại không phải trên trời rơi xuống, tất cả đều có đường đi của nó từ nuôi trồng, sản xuất, chế biến cho đến vận chuyển, tiêu thụ.

Cùng với việc làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của mỗi bộ có liên quan trực tiếp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương) theo chuỗi sản phẩm, phải có sự vào cuộc thật sự trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Liệu chính quyền xã có thể được coi là hoàn thành trách nhiệm khi trên địa bàn có các hộ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi?

Hay là trồng rau mà sử dụng nhớt thải và hóa chất như nêu trên, ai cũng thấy chẳng lẽ chính quyền địa phương không thấy?

Trước hết phải tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương. Việc cần làm tiếp theo là sửa đổi quy định để có chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi sử dụng chất cấm trong nuôi trồng, sử dụng sai thuốc bảo vệ thực vật.

Ở ta có một thực tế là ít xử phạt, mức xử phạt nhẹ, sau khi xử phạt thì không theo dõi quá trình khắc phục. Nghĩa là viết phiếu phạt xong là xong.

Hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét ban hành pháp lệnh quản lý thị trường, qua đó sẽ giúp tăng cường năng lực cho lực lượng này.

Người dân đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường phải đủ sức kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, đồng thời kiểm soát thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và không để thực phẩm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Muốn có vệ sinh an toàn thực phẩm phải bắt đầu từ những việc cụ thể, kêu gọi chung chung sẽ không có hiệu quả.

Một mặt chúng ta phải ngăn chặn những việc làm phi pháp của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm độc hại, mặt khác cần có cơ chế khuyến khích các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, để cho người tiêu dùng ngày càng tiện lợi hơn trong việc tiếp cận thực phẩm sạch./.

V.V.THÀNH ghi/Theo Tuổi trẻ online

Chia sẻ bài viết