Tiếng Việt | English

01/09/2015 - 09:43

“Nữ tướng” chanh không hạt

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Bến Lức anh hùng, với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất này, không ít lần bà Bùi Thị Ba (ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) nếm trải thất bại trong làm ăn. Tuy nhiên, chưa bao giờ người phụ nữ này chịu khuất phục. Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tìm hướng đi mới cho nông sản, đến nay, bà Ba đã trở thành “tỉ phú nông dân” và gặt hái nhiều thành công với thương hiệu chanh không hạt VICA.


Bà Nguyễn Thị Ba (bên trái) bên dây chuyền sơ chế chanh không hạt

“Thất bại là mẹ thành công”

Với 2,2ha đất, cũng giống như những nông dân khác ở xã Lương Hòa, gia đình bà đã gắn bó nhiều năm với nghề trồng mía. Nhờ trồng mía, gia đình bà còn mở được lò nấu đường thủ công. Bà Ba kể: “Thời ấy, vừa trồng mía, vừa nấu đường, kể ra cũng có đồng ra đồng vào. Nhưng rồi giá mía rớt thê thảm, có vụ xuống thấp chỉ còn 50.000 đồng/tấn mía nguyên liệu, khiến không ít người trồng mía lao đao. Rồi nhà máy đường mở ra, hàng loạt lò nấu đường thủ công cũng đành phải đóng cửa và lò đường của gia đình tôi cũng không ngoại lệ”. Khó khăn chồng chất khó khăn, gia đình bà quyết định phá mía trồng sơri. Thu nhập cũng khá nhưng công thu hái tốn kém, tiêu thụ lại bấp bênh nên chỉ được vài năm bà đành phải từ bỏ và chấp nhận thất bại một lần nữa.

Trồng trọt không hiệu quả, bà cùng một người bạn thân chuyển sang nuôi gà công nghiệp. Thời ấy, nuôi gà được giá cao nên có lúc gia đình bà tăng đàn lên đến hàng chục ngàn con. Thế nhưng, dịch cúm năm 2003 đã cướp đi tất cả. Bao nhiêu vốn liếng làm ăn bỗng chốc trở về con số 0. Thất bại nối tiếp thất bại, tưởng rằng sẽ đánh gục được ý chí, nghị lực trong người phụ nữ này. Nhưng nghĩ đến gia đình, nghĩ đến các con, bà Ba phải cố gắng nhiều hơn nữa với niềm tin rồi có ngày mình sẽ thành công.

Duyên nợ với cây chanh không hạt

Sau hàng loạt thất bại, bà không làm ăn gì cả, ngày ngày chỉ xem tivi và nghe radio về các chương trình nông nghiệp để tìm tòi học hỏi xem mô hình nào có thể áp dụng trên mảnh đất phèn này. Một lần bà “đánh liều” tìm đến Viện Cây ăn quả miền Nam ở Long Định (Tiền Giang) để nhờ các nhà khoa học tư vấn. Và cũng từ đây, bà quyết định gắn bó với cây chanh không hạt.

Trùng hợp, người bạn chăn nuôi chung năm xưa nay trở về Tân Uyên, Bình Dương có thí điểm trồng chanh không hạt mời bà đến tham quan và bà đã đặt luôn 1.000 gốc chanh giống về trồng trên toàn bộ diện tích đất nhà mình.

Đầu mùa mưa năm 2004, gia đình bà dốc toàn bộ vốn liếng để trồng chanh không hạt. Do không có kinh nghiệm và chưa nắm rõ về kỹ thuật chăm sóc nên chanh mới trồng chết rất nhiều. Bà đào mấy gốc chanh bị bệnh đem xuống Cần Thơ để nhờ các chuyên gia nông nghiệp chỉ dẫn. Rồi cứ có hội thảo hay tập huấn ở đâu về chanh không hạt, bà lại khăn gói lên đường.

2 năm sau, lứa chanh đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch nhưng sản phẩm không bán được cho thương lái. Với suy nghĩ đã làm ra sản phẩm thì phải tìm cách để thị trường chấp nhận, rồi bà lặn lội đi khắp các chợ, siêu thị TP.HCM để tìm hiểu thị trường. Lúc này chỉ có duy nhất trong siêu thị có bán chanh không hạt, nhưng là hàng nhập khẩu với giá 60.000 đồng/kg. Bà đặt vấn đề với các siêu thị cung cấp sản phẩm chanh không hạt trong nước với giá thành Việt Nam.

“Ngày ấy, cứ 1 tuần 3 bữa, thằng út chở khoảng 40kg chanh đóng thành từng túi lưới cỡ 1kg đi giới thiệu tại các chợ trên TP.HCM, mỗi điểm vài túi mà không lấy tiền. Ròng rã 2 tháng trời thì có kết quả. Đầu tiên là một số điểm bán lẻ ở chợ Bến Thành đặt hàng, rồi chợ An Đông và hàng loạt chợ khác khắp thành phố đều chấp nhận sản phẩm của gia đình, ban đầu là vài chục kg sau dần tăng lên vài trăm ký rồi cả tấn một ngày…”, bà Ba nhớ lại.

Tiếp đó, sản phẩm chanh không hạt của bà dần đi vào hệ thống các siêu thị Big C, Co.opmart,… Nhưng khó khăn nhất vẫn là việc đưa sản phẩm vào hệ thống bán sỉ Metro. Vì sau khi giới thiệu sản phẩm, Metro kiên quyết không chịu làm ăn với nhà vườn bởi lẽ họ sợ “vỡ kèo”, nông dân chỉ cung cấp được khoảng thời gian ngắn là mất hút. Bà thuyết phục sẵn sàng cung cấp trước 5 tháng đầu chưa lấy tiền, nếu phá hợp đồng bà tự nguyện đền bù số tiền ấy. Được chấp thuận, gia đình bà cung cấp 400-500kg/ngày, có thời điểm riêng hệ thống Metro nhập tới 1 tấn/ngày.

Thu nhập từ cây chanh đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho gia đình. Đặc biệt, năm 2008, 2009 giá chanh lên cao 38.000-40.000 đồng/kg. Với hơn 2ha cho thu hoạch hơn 20 tấn, mang về gần 1 tỉ đồng.

Mang chanh Việt Nam ra thế giới

Chinh phục được thị trường trong nước, bà bắt đầu nghĩ đến việc tìm thương hiệu cho sản phẩm chanh không hạt, hướng đến xuất khẩu. Trong một hội thảo cuối năm 2006, bà được các chuyên gia tư vấn nên đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm nông sản. Đến tháng 5-2008, sản phẩm chanh không hạt của bà chính thức được bảo hộ thương hiện với tên “Chanh không hạt VICA”. Kể từ khi có thương hiệu bạn hàng biết và tìm đến nhiều hơn. Một số doanh nghiệp còn đề nghị liên kết xuất khẩu. 500kg chanh đầu tiên được xuất khẩu thành công, rồi liên tiếp tăng lên 1 tấn, 2 tấn, 5 tấn mỗi lần.

Số lượng chanh vườn nhà không đủ cung cấp cho thị trường, để giữ mối làm ăn bà cùng người con trai út đi khắp các tỉnh từ Tiền Giang, Cần Thơ để thu mua. Nhận thấy đây chỉ là giải pháp tạm thời, bà quyết định mở rộng diện tích trồng chanh bằng việc thuê đất. Đến nay, vườn chanh của gia đình đã lên tới gần 30ha.

Năm 2012, gia đình bà mở cơ sở thu mua và đóng gói với đầy đủ thiết bị sơ chế, rửa trái, diệt khuẩn và phân loại kích cỡ phục vụ cho xuất khẩu. Từ việc trồng chanh và thu mua, mỗi ngày, gia đình bà cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn, thời điểm chính vụ lên tới 40 tấn/ngày. Trong đó, khoảng 80% chanh dành cho xuất khẩu, với thị trường chính là Thái Lan, Malaysia, Singapore và các nước Trung Đông. Sau khi trừ chi phí, hàng năm, gia đình bà thu lợi nhuận khoảng 3 tỉ đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, bà Ba còn thường xuyên giúp đỡ kỹ thuật, cung cấp cây giống trả chậm, không lấy lãi cho bà con trong vùng, bà đã giúp cho 15 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bùi Thị Ba nhận được nhiều bằng khen của các cấp trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, năm 2014, bà là 1 trong 63 nông dân xuất sắc của năm được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh. Đồng thời, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi./.

Kiên Định

 

 

Chia sẻ bài viết