Ông Trần Văn Vị bên cây mai vàng trên 10 năm tuổi
“Vùng Đồng Tháp Mười, nhiều nông dân làm giàu từ cây lúa nhưng ông Vị lại “phất” lên từ mai vàng. Ông là người đầu tiên đưa cây mai vàng về địa phương” - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Huỳnh Tấn Khuê giới thiệu.
Từ ý nghĩ “trồng chơi cho đẹp”
Chúng tôi về Tân Tây, tìm đến vườn mai của ông Vị để mục sở thị. Từ UBND xã, men theo con đường mòn nhỏ, hẹp, đủ cho chiếc xe máy chạy được và phải qua 4 cây cầu tạm bề ngang chỉ chừng 1m, chúng tôi mới đến vườn mai của gia đình ông Vị. Vườn mai cách trung tâm xã khoảng 3km nhưng lại nằm khá tách biệt, nếu không được cán bộ xã dẫn đường, chắc chắn chúng tôi phải mất nhiều thời gian đi tìm, có thể bỏ cuộc vì không tin ở đây lại có vườn mai nổi tiếng.
Khu vườn nằm ở nơi “khỉ ho, cò gáy” nhưng có nhiều người tìm đến chọn mai, bứng gốc, đưa xuống xuồng, chuyển đi. Tiếng trò chuyện, ngả giá rôm rả. Chỉ trong buổi sáng, ông Vị bán được 5 cây mai với giá từ 2-10 triệu đồng/cây. “Mấy năm nay, vườn mai của gia đình ông Vị nổi tiếng, lan xa ra ngoài tỉnh. Không chỉ thương lái tìm đến mà ngay cả các “đại gia” cũng chẳng ngần ngại cất công đến đây để chọn mua những cây mai ưng ý nhất về chưng trong những ngày tết” - ông Nguyễn Văn Hùng, một thương lái chuyên mua mai vàng bán trong dịp tết, đến từ tỉnh Tiền Giang, cho biết.
Do đường bộ vào đây nhỏ, hẹp nên những cây mai vàng bứng cả gốc với ụ đất lớn đều được bó cành, gánh ra bờ kênh phía sau, chuyển xuống xuồng, sà lan, vận chuyển đi. Cũng từ những chuyến sà lan đó, những năm qua, mai vàng ở vùng Đồng Tháp Mười “vươn” xa để có mặt ở nhiều nơi. Theo chủ nhân vườn mai, nói về độ đẹp, sang thì mai ở vùng này không thua kém vùng khác. “Người dân ở đây luôn gọi tôi là người đầu tiên đưa cây mai vàng “bén duyên” vùng đất này. Tuy nhiên, thực tình, đến giờ tôi cũng chưa hiểu nổi, vì sao cây mai vàng lại phát triển tốt, khỏe ở vùng đất khó. Chuyện tôi đưa mai vàng về trồng ở đây, rồi có thu nhập cao có lẽ là một cơ duyên” - ông Vị bày tỏ.
Sự tình cờ, cơ duyên mà ông Vị nói đó là vào khoảng năm 1980, sau những lần xuống nhà người bạn ở Tiền Giang chơi, thấy những cây mai vàng nở hoa sặc sỡ, ông mê lắm. Dù là “hai lúa” rặt, chẳng biết gì về cây cảnh nhưng ông cũng xin bạn vài gốc đưa về trồng ở vườn nhà "chơi cho vui". Sau nhiều lần đi chơi như thế, gần trăm cây mai con được ông đưa về trồng xung quanh vườn nhà. Điều lạ lùng là những cây mai vàng lại có vẻ phù hợp với thổ nhưỡng ở vùng đất Đồng Tháp Mười nên bén rễ, phát triển nhanh. Chỉ mấy năm sau, cứ vào dịp tết, quanh nhà ông lại vàng rực hoa mai.
Đến “rừng” mai vàng mang giá trị kinh tế cao
Ông Vị kể, vào khoảng năm 1985, nhiều người ngạc nhiên khi biết ông bán được một cây mai vàng cho một “đại gia” với giá 5,5 triệu đồng. Số tiền này, thời điểm đó tính ra bằng mấy cây vàng nên chính ông cũng “hết hồn”.
Cũng từ lần đó, ông Vị bắt đầu mua mai con về trồng nhân rộng ở vườn nhà. Ít năm sau, ông chuyển một phần đất lúa năng suất thấp sang trồng mai. “Từ vài công đất mang lại giá trị kinh tế cao nên có vốn, tôi lại mở rộng diện tích. Từ sau năm 2010 đến nay, tôi chuyển toàn bộ đất lúa của gia đình (gần 6ha) sang trồng mai. Số diện tích này, tôi chỉ đứng tên 1,5ha, còn lại chia cho các con làm. Mỗi năm, mình tôi thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng từ bán mai vàng, lợi nhuận của các con tôi còn cao hơn!” - ông Vị kể.
Để trồng mai trên vùng đất lúa, ông Vị thuê kobe lên liếp cao 4-5 tấc. Đây cũng là cách tránh lũ ở vùng Đồng Tháp Mười. Cách đây gần 5 năm, gia đình ông còn đầu tư vài trăm triệu đồng mua một máy ủi để làm vườn, giảm chi phí thuê. Những rãnh đào lấy đất lên liếp, ông tận dụng thả cá. Có năm, gia đình ông thu được cả chục triệu đồng tiền bán cá rô phi. Không những thế, khu “rừng” mai vàng của gia đình ông Vị còn được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.
Hiện, vườn mai của gia đình ông Vị có khoảng 5.000-6.000 gốc. Chỉ vào khu vực bên phải khu vườn, ông Vị cho biết, đây là khu vực mai mới trồng 4-5 tháng tuổi, còn bên trái là hàng mai 4-5 năm tuổi, còn một ít diện tích ở trước mặt là những cây cao hơn 1,5m, tán rộng khoảng 2m. Ngoài ra, ông còn dành một khoảng đất để ươm giống mai. Anh Trần Văn Thống - con ông Vị, còn dành hẳn một khu đất trước nhà để chơi khoảng 30 chậu mai cảnh với đủ kiểu dáng tạo hình khác nhau. Góc bonsai này không chỉ là nơi anh Thống thỏa niềm đam mê mà còn là kết quả anh tự mày mò, học tập bạn bè tạo dáng cho cây cảnh.
“Mai trong khu vườn có nhiều lứa tuổi khác nhau, tuy nhiên, 4-5 năm tuổi bán với giá vài triệu đồng/cây chiếm diện tích nhiều; ngoài ra, cũng có gần chục cây từ khoảng 20 năm tuổi. Mai càng nhiều tuổi thì giá càng cao vì cây to, tán rộng; khu vườn có gần 10 cây, nếu bán phải có giá từ 100-200 triệu đồng/cây, còn giá trên 10 triệu đồng thì có hàng chục cây. Những cây mai già này thường được “đại gia” đặt hàng hoặc đến tận vườn mua” - ông Vị cho biết.
Ngồi bên cạnh, vợ ông Vị - bà Trần Thị Ư góp chuyện: “Ngày nào ông ấy cũng ở ngoài vườn nhiều hơn trong nhà. Nhiều hôm miệt mài chăm sóc, bón phân, tỉa cành, tạo dáng cho mai mà quên ăn cơm”. Nghe thế, ông Vị giãi bày, trồng và chăm sóc mai vàng, ngoài làm kinh tế còn là đam mê. Càng chăm sóc, chăm chút loài cây này, ông lại càng thích thú nó. Rồi ông kể “mai con phải bón phân liên tục, nhưng để rễ hấp thụ tốt thì phải hòa tan vào nước để tưới vào gốc. Còn đối với những cây từ 2 tuổi trở lên đơn giản hơn vì mấy tháng mới bón phân một lần trực tiếp vào gốc. Cũng vì diện tích mai nhiều, làm không xuể nên gia đình phải thuê người chăm sóc”.
Ông Trần Văn Vị đứng đứng trước vườn mai vàng được đào liếp để trồng đang phát triển rất tốt
Theo ông Vị, cây mai muốn đẹp, phát triển tốt thì phải được chăm sóc kỹ, phát hiện sâu, bệnh thì xử lý ngay. Đặc biệt, một năm có mấy ngày tết, được hay mất là phụ thuộc vào lúc này nên càng phải o bế, nâng niu, chăm chút tỉ mỉ để khi khách hàng mua về, hoa sẽ trổ bông đúng thời điểm và đẹp nhất. Nhiều năm gắn bó với cây mai nên ông Vị hiểu rất rõ đặc tính của loài cây cảnh này. Thời điểm nào bón phân, số lượng thế nào cho phù hợp, dấu hiệu nào là bệnh,... ông Vị nói như một chuyên gia.
Từ xưa đến nay, với người Nam bộ, cây mai trở thành biểu tượng trong những ngày tết. Dù một gốc to, một chậu nhỏ hay vài nhánh cắm trong bình thì mai vàng vẫn được nhiều người chọn mua để chưng trong dịp tết với mong ước một năm mới suôn sẻ, may mắn, an khang, thịnh vượng./.
Tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc mai vàng nên nhiều người đến vườn học hỏi, tôi đều nhiệt tình chỉ dẫn. Tôi luôn suy nghĩ, không có gì phải giấu, mình biết thì nên chia sẻ cho mọi người cùng biết. Tuy nhiên, đầu tư 1ha mai mất trên 100 triệu đồng nên tôi cũng luôn khuyên người trồng phải bình tĩnh, cẩn trọng chứ đừng đổ hết vốn liếng để trồng mai, bởi ăn - thua còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác. Ngoài biết kỹ thuật, chăm sóc thì cây mai cũng còn tùy thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả thị trường".
Ông Trần Văn Vị
|
Lam Hồng