Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp nông dân tiết kiệm chi phí, công lao động
Nghị quyết đi vào cuộc sống
Cụ thể hóa NQ tam nông của Trung ương, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 20/11/2008; HĐND tỉnh Long An ban hành các NQ chuyên đề; UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện hơn 20 chương trình, đề án trên các lĩnh vực chuyên ngành và giao các sở, ngành tổ chức lồng ghép vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2009-2017 khoảng 1.945 tỉ đồng. Thông qua triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn của tỉnh được đầu tư ngày càng đồng bộ, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp.
Nhờ được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới
Những con đường rộng rãi, sạch sẽ, trải dài dẫn về các ấp, những căn nhà tường, mái ngói đua nhau mọc lên ngày càng nhiều như khẳng định sự đổi thay của xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa. Chủ tịch UBND xã - Phan Vũ Cường thông tin: “Những năm qua, hệ thống điện, đường, trường, trạm đều được quan tâm đầu tư. Nông dân được hỗ trợ về vốn, khoa học - kỹ thuật nên việc sản xuất ngày càng thuận lợi. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 43 triệu đồng/năm (tăng 5,7 triệu đồng so với năm 2017)”.
Xã An Lục Long, huyện Châu Thành cũng là một trong những điểm sáng của tỉnh với nhiều đột phá, sáng tạo để hoàn thành chương trình XDNTM. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã - Hà Minh Tuấn cho biết: “Trong quá trình thực hiện, xã xác định tiêu chí nào dễ, ít vốn làm trước, tiêu chí nào khó làm sau. Đồng thời, địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Hệ thống điện, đường, trường, trạm ở nông thôn từng bước được xây dựng đạt chuẩn (Trong ảnh: Trường Tiểu học Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường)
Bằng cách làm trên, xã An Lục Long đạt 19/19 tiêu chí NTM vào cuối năm 2017. Hiện nay, trên 70km đường giao thông trên địa bàn được đầu tư trải nhựa, bêtông. Kinh tế phát triển vượt bậc với 99% diện tích đất nông nghiệp trồng thanh long. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 1,5%. “Người dân ai cũng phấn khởi trước những đổi thay của quê hương, trong đó có sự góp sức cùng địa phương xây dựng các công trình. Tất cả cũng vì phục vụ cuộc sống của người dân mà thôi!” - ông Đinh Bình Nam, ngụ ấp Cầu Hàng, bộc bạch.
“Đòn bẩy” phát triển nông thôn
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo bước đột phá mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, chất lượng cao. Từ năm 2014, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long, chanh, rau màu các loại, nuôi thủy sản diễn ra mạnh mẽ với diện tích trên 23.500ha. Các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung phù hợp với lợi thế của từng vùng sinh thái được hình thành (vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng trồng rau an toàn, vùng nuôi thủy sản nước lợ, vùng chăn nuôi bò thịt,...).
Trồng thanh long hiệu quả, nhiều nông dân “đổi đời”
Giám đốc Hợp tác xã 1/5 (huyện Tân Hưng) - Nguyễn Văn Bình vui mừng thông tin: “Với sự hỗ trợ của Nhà nước, việc sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao ngày càng thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn. Vụ Hè Thu 2018, hợp tác xã có 70ha lúa sản xuất theo hướng công nghệ cao và 50ha sản xuất theo hướng hữu cơ hoàn toàn, có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình trên 3-4 triệu đồng/ha”.
Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, điều ấn tượng nhất sau chặng đường 10 năm thực hiện NQ tam nông chính là sự thay đổi về tư duy của nông dân. Phần lớn các hộ đã chủ động, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, biết phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Bằng chứng là hàng năm, có gần 70.000 hộ được công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Đây cũng là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong quá trình kiến thiết, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp nông dân tiết kiệm chi phí, công lao động
Giáp tết, có dịp đến xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, chúng tôi được nghe nhắc nhiều về anh Nguyễn Văn Chơn, ngụ ấp 5, một trong những nông dân sản xuất giỏi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Được biết, trước đây, gia đình anh Chơn trồng mía nhưng thường xuyên gặp tình trạng “được mùa - rớt giá”. Hơn 3 năm nay, anh chuyển toàn bộ 6ha đất sang trồng thanh long, mãng cầu, dừa và mít Thái, bước đầu cho thu nhập cao và ổn định hơn nhiều.
Anh Chơn chia sẻ, nông dân thời hiện đại phải chịu khó đọc sách, báo, lên Internet, đi đây, đi đó tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, tiến bộ khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất. Có như vậy mới biết được cây trồng, vật nuôi của mình đang cần gì, bệnh gì để có phương pháp chăm sóc, điều trị hiệu quả. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành nông sản, mang lại lợi nhuận cao.
Hệ thống kênh, mương được nạo vét thường xuyên, tạo thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp
Dù còn không ít khó khăn, thách thức nhưng với những kết quả đã đạt, có thể khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta khi triển khai thực hiện NQ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 10 năm qua, NQ tam nông thực sự tạo nên những đổi thay ngoạn mục trong sinh hoạt, sản xuất của người dân, làm bừng lên sức sống ở mỗi vùng quê./.
Toàn tỉnh hiện có 68 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 40,96% tổng số xã. Số tiêu chí đạt bình quân là 15,1 (tăng 8,2 tiêu chí so với khi mới thực hiện chương trình), không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt trên 39 triệu đồng/năm, tăng gần 27 triệu đồng so năm 2008. Hộ nghèo giảm từ 10,5% năm 2008 xuống còn 2,22% vào năm 2018. |
Khổng Tước