Tiếng Việt | English

11/07/2021 - 15:35

Ai sẽ lấp khoảng trống tại Afghanistan sau khi Mỹ rời đi?

Sau khi Mỹ rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan, một cục diện mới sẽ được xác lập với những biến số mới. Tuy nhiên, về cơ bản, Afghanistan vẫn sẽ là mảnh đất chịu sự chi phối của nhiều bên.

Rút quân không đồng nghĩa với cắt đứt vai trò ở Afghanistan

Trong bài phát biểu hôm 8/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định rằng cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan sẽ kết thúc vào ngày 31/8 tới, sớm hơn mốc 11/9 mà ông đã đưa ra trước đó. Tổng thống Mỹ còn làm rõ một điểm rằng việc tái thiết đất nước Afghanistan giờ không còn là trách nhiệm của người Mỹ nữa và thúc giục các nhà lãnh đạo nước này hãy cùng ngồi lại với nhau để đưa đất nước tiến tới tương lai tốt đẹp hơn.


Afghanistan vẫn sẽ là mảnh đất để nhiều bên chi phối. Ảnh: Reuters

Quan điểm của ông Biden khi nhấn mạnh các mục tiêu của Mỹ khi có mặt tại Afghanistan 20 năm qua là nhằm ngăn chặn sự hình thành một cứ điểm chống lại lợi ích của nước Mỹ và loại bỏ trùm khủng bố quốc tế Bin Laden. Câu nói đáng chú ý của Tổng thống Biden là: "Tôi sẽ không để một thế hệ người Mỹ nữa tham chiến ở Afghanistan mà không đặt ra kỳ vọng hợp lý nào vào một kết quả khác”.

Có thể thấy, chính quyền Mỹ đã rất rõ ràng trong quan điểm của mình rằng nước Mỹ sẽ đoạn tuyệt với quá khứ chiến tranh và đổ máu ở Nam Á. Giờ là lúc người Afghanistan sẽ phải quyết định tương lai của mình.

Vì sao giờ Mỹ lại nói thẳng như vậy? Thứ nhất, mục đích lớn nhất cho sự có mặt của quân đội Mỹ ở Afghanistan là trùm khủng bố Bin Laden đã bị tiêu diệt, mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda cũng đã yếu đi nhiều. Bởi vậy, không cần thiết để Mỹ phải hao tổn thêm sinh mạng và của cải tại chiến trường này nữa. Thứ hai, Mỹ cũng không còn quá lo ngại đối với lực lượng Taliban – đối tượng từng được cho là mối đe dọa lớn với lợi ích của Mỹ nữa. Bằng chứng là 2 bên đã đạt được thỏa thuận hòa bình tháng 2/2020, giải quyết được những vấn đề cơ bản giữa đôi bên. Mỹ giờ có xu hướng coi Taliban là đối tác hơn là đối tượng để ngăn chặn. Đó là cơ sở để Mỹ sẵn sàng rời khỏi Afghanistan để tập trung vào các ưu tiên chiến lược của mình. 

Mỹ rút binh lính khỏi Afghanistan nhưng không có nghĩa cường quốc số một thế giới sẽ rời khỏi khu vực có vị trí chiến lược này. Washington vẫn là đối tác viện trợ lớn nhất cho chính phủ Afghanistan. Mỹ được cho là đang đàm phán với Pakistan và 3 quốc gia Trung Á là Kazakhstan, Tajikistan và Uzbekistan để có thể tái phân bổ lực lượng an ninh tới đây. Đây là một cách để giám sát tình hình Afghanistan trong trường hợp có các biến động không có lợi cho Mỹ và cũng có thể là chiến thuật của Mỹ để tạo cục diện mới có lợi cho mình.

Khoảng trống Mỹ để lại

Cùng thời điểm ông Joe Biden thông báo về kế hoạch rút quân, các phái đoàn của Taliban và chính phủ Afghanistan đã xuất hiện tại Iran và Nga, làm dấy lên đồn đoán về việc các quốc gia này tìm cách lấp khoảng trống sau khi Mỹ rời đi.

Việc các phái đoàn của Taliban và chính phủ Afghanistan gặp gỡ, đối thoại tại nước thứ ba không phải điều gì quá mới mẻ. Từ tháng 9 năm ngoái, các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan đã bắt đầu diễn ra tại Dubai để tìm giải pháp cho hòa bình cho đất nước này. Đây là một trong những điều khoản trong thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban.

Kể từ đó, còn xuất hiện các cơ chế tiếp xúc khác với sự tham gia của các bên có liên quan tới hòa bình ở Afghanistan do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra tổ chức. Những ngày qua, khi tình hình an ninh tại Afghanistan ngày càng xấu đi, các nỗ lực đàm phán, hòa giải để chấm dứt bạo lực, giải quyết hòa bình xung đột vẫn đang tiếp tục.

Tuần trước, một phái đoàn của Taliban và một số đại diện của chính phủ Afghanistan đã có cuộc đối thoại ở Tehran. Hai bên đã nhất trí đi rằng, “chiến tranh không phải là giải pháp” cho Afghanistan. Cũng trong thời gian đó, cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan vẫn tiếp tục diễn ra ở Doha. Hai bên thảo luận 4 vấn đề lớn gồm thể chế tương lai, ngừng bắn, lộ trình hòa bình và việc tham gia chính trường trong giai đoạn chuyển tiếp.

Điều đó cho thấy hai bên đang tận dụng bất cứ cơ hội nào để gia tăng tiếp xúc, duy trì đối thoại, gỡ dần các khác biệt, hướng tới mục tiêu chung là một giải pháp hòa bình cho Afghanistan. Vai trò của các đối tác trung gian là rất quan trọng. Đây là những cường quốc khu vực lớn, các nước láng giềng của Afghanistan, hoặc cả các quốc gia có tiếng nói trong thế giới Hồi giáo. Điểm chung là họ có liên hệ về lợi ích với Afghanistan, có tiếng nói và quan hệ với cả chính quyền Afghanistan và phe Taliban. Hòa bình và hòa giải ở Afghanistan cũng chính là lợi ích của các quốc gia này. Dĩ nhiên việc đảm nhận trung gian hòa giải cũng cho phép các nước cài đặt các ảnh hưởng của mình vào trong cơ cấu chính trị mới ở Afghanistan ở tương lai, nếu điều này xảy ra.

Toan tính của các bên ở Afghanistan

Afghanistan là một vùng đất khá đặc biệt, với vị trí địa chính trị độc đáo. Đây là cầu nối giữa Nam Á và Trung Á, giữa Đông Á và Tây Á. Cùng với nguồn gốc lịch sử và cơ cấu xã hội đặc biệt, Afghanistan luôn là điểm nóng về an ninh, chiến lược; là nơi các cường quốc tranh thủ giành giật lợi ích về cho mình. Sau khi Mỹ rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan, một cục diện mới sẽ được xác lập với những biến số mới.

Tuy nhiên, về cơ bản, Afghanistan sẽ vẫn là mảnh đất để nhiều bên chi phối. Đầu tiên là Mỹ. Cường quốc số một thế giới chắc chắn sẽ không buông bỏ Afghanistan mà sẽ quan sát tình hình và duy trì can dự ở mức độ phù hợp để Afghanistan không thể đi ra ngoài quỹ đạo mà Mỹ mong muốn. Mức độ quan tâm của Mỹ tại Afghanistan sẽ tập trung vào việc những nguy cơ khủng bố có gia tăng tại đây hay không và liệu nó có đe dọa lợi ích của Mỹ.

Ngoài ra, sự can dự của các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga cũng sẽ nằm trong tầm ngắm của Mỹ. Với Trung Quốc, Afghanistan có thể là một địa bàn tiềm năng với chiến lược Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, bất ổn an ninh sẽ có thể khiến Bắc Kinh chùn bước. Yếu tố Trung Quốc sẽ cần phải tính tới ở Afghanistan nếu nước này có thể dàn xếp được quan hệ với cả Taliban lẫn chính phủ dân bầu ở nước này. Trong trường hợp đó, Trung Quốc có thể sẽ thay thế Mỹ chi phối tình hình tại đây.

Nga cũng là một bên cần tính tới. Nước này không có lợi ích trực tiếp nhưng sự ổn định và dễ dự đoán của Afghanistan có chi phối tới khu vực ảnh hưởng của Nga. Afghanistan bất ổn kéo theo nguy cơ khủng bố từ phía Nam. Nếu các nước Trung Á gặp rắc rối, một loạt các cơ chế mà Nga dẫn dắt tại khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Diễn đàn Kinh tế Á Âu, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể cũng sẽ có vấn đề. Bởi thế, Nga sẽ tiếp tục duy trì quan hệ với cả Taliban và Afghanistan để có thể dễ bề phản ứng.

Pakistan lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nước láng giềng này là nơi mà các thủ lĩnh Taliban trú ẩn và huấn luyện đội ngũ. Pakistan cũng cung cấp hỗ trợ cho Taliban và nhiều nhóm phiến quân gây bất ổn ở Afghanistan. Chưa có động lực nào cho thấy Pakistan sẽ từ bỏ chính sách này, bởi đây chính là đòn bẩy trong quan hệ giữa nước này với Mỹ nhằm giành được lợi thế. Bất ổn tại Afghanistan kéo dài có thể giúp Pakistan ép Mỹ nhượng bộ nhiều hơn nếu muốn đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ.

Ấn Độ cũng đang quan sát tình hình tại Afghanistan với thái độ thận trọng. 2 thập kỷ qua, nước này đã dành nhiều khoản đầu tư và viện trợ cho Afghanistan với kỳ vọng Afghanistan ổn định sẽ giúp giảm nguy cơ khủng bố từ phía Bắc, cũng như xây dựng một khu vực thân thiện hợp tác. Chắc chắn, với tư cách là một cường quốc khu vực, Ấn Độ cũng sẽ có các kế hoạch ở Afghanistan trong bất cứ trường hợp nào./.

Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết