Nếu như trước đây, nhắc đến bệnh tim mạch, thì chắc chắn rằng, đó là căn bệnh “độc quyền” của người cao tuổi. Tuy nhiên, theo những số liệu thống kê gần đây, xu hướng mắc bệnh tim mạch ngày càng được trẻ hóa. Những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch trẻ tuổi nhất, chỉ chưa đến 30 tuổi.
Sô cô la được giới trẻ yêu thích
Bệnh tim mạch được coi là căn bệnh đứng đầu trong số những căn bệnh gây tử vong trên toàn thế giới. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 610.000 người tử vong vì bệnh tim mạch (chiếm khoảng 23.5%), tương đương với cứ 4 người tử vong sẽ có 1 người tử vong vì bệnh tim mạch. Bệnh mạch vành là dạng bệnh tim mạch phổ biến nhất, cướp đi trên 370.000 mạng sống mỗi năm. Mỗi năm tại Mỹ có 735.000 người bị nhồi máu cơ tim, 800.000 người bị đột quỵ (tương đương cứ 4 phút lại có một người bị đột quỵ).
Tại Việt Nam, tính đến tháng 5/2015, cả nước có khoảng 1.4 triệu người mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, vào năm 2030, mỗi năm toàn thế giới sẽ có khoảng gần 23.6 triệu người sẽ tử vong vì bệnh tim mạch .
Trước đây, các dạng bệnh tim mạch khác nhau sẽ đặc trưng cho từng lứa tuổi. Ví dụ, dị tật tim bẩm sinh là một nhóm bệnh thường xuất hiện ở các bệnh nhân nhỏ tuổi (bẩm sinh), các dị tật về van tim thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên còn các bệnh tim liên quan đến tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim thì lại là căn bệnh của người cao tuổi.
Tuy nhiên, gần đây, những bệnh tim mạch có liên quan đến tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim lại có xu hướng xuất hiện cả ở những người dưới 30 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh tim mạch ở lứa tuổi này là do lối sống không lành mạnh, lười vận động, chế độ ăn uống không tốt cho sức khỏe (ăn quá ngọt/quá mặn, ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều rượu, bia, cà phê), hút thuốc lá, thừa cân béo phì cùng với các vấn đề về sức khỏe tinh thần (như stress, trầm cảm, nghiện chất).
Vậy, làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người trẻ tuổi? Điều quan trọng nhất vẫn là thay đổi lối sống: thường xuyên tập luyện thể thao, có một chế độ ăn dinh dưỡng cân đối (ăn nhiều chất xơ, ngũ cốc, rau xanh, hạn chế muối đường và mỡ), bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia và duy trì cân nặng hợp lý. Tuy nhiên, có một cách khác, rất dễ thực hiện nhưng lại vẫn có thể làm giảm nguy cơ tim mạch ở người trẻ tuổi: đó là ăn sôcôla – món đồ ăn vô cùng yêu thích của giới trẻ!
Tiêu thụ sôcôla đã được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch đi khoảng 1/3, theo một nghiên cứu tại Đại học Cambrigde – Anh và đã được xuất bản trên tạp chí British Medical Journal. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp dữ liệu từ 7 nghiên cứu khác, tiến hành trên 114.009 đối tượng. Kết quả tổng hợp cho thấy:
Có 5 nghiên cứu cho thấy những bằng chứng của việc ăn nhiều sôcôla sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
Những người ăn nhiều sôcôla nhất sẽ giảm khoảng 37% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giảm 29% nguy cơ bị đột quỵ, so với những người ít ăn sôcôla nhất
Một nghiên cứu khác, tiến hành trên gần 21.000 người trưởng thành tại Anh cũng đã cho thấy những bằng chứng đáng kinh ngạc về mối liên quan giữa việc ăn sôcôla và các bệnh tim mạch.
Trong nghiên cứu này, có khoảng 20% số người nói rằng, họ không bao giờ ăn sôcôla, 80% còn lại có thói quen ăn trung bình 7g sôcôla/ngày, người ăn nhiều nhất lên tới 100g/ngày.
Kết quả sau khi phân tích cho thấy, so với những người không bao giờ ăn sôcôla, những người thường xuyên ăn sôcôla sẽ giảm 11% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giảm 25% nguy cơ tử vong vì các bệnh liên quan đến tim mạch.
Những người này cũng sẽ giảm 9% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong vì bệnh mạch vành và giảm 23% nguy cơ bị đột quỵ, so với những người không ăn sôcôla.
Ngoài ra, trong nghiên cứu này, việc ăn nhiều sôcôla cũng có liên quan đến đến việc cân nặng ít hơn (BMI), tỷ lệ vòng eo/vòng hông thấp hơn, giảm huyết áp tâm thu, giảm nguy cơ tiểu đường và thường xuyên luyện tập thể thao – những yếu tố vô cùng quan trọng trong việc dự phòng bệnh tim mạch.
Trong sôcôla, có chứa rất nhiều thành phần chống viêm và chống oxy hóa đã được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh là có rất nhiều tác dụng tốt lên sức khỏe của con người, bao gồm điều chỉnh mức độ nhạy cảm insulin, kiểm soát huyết áp, giảm mỡ máu (cholesterol), phòng suy giảm nhận thức và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, một điều vô cùng quan trọng mà bạn cần ghi nhớ, nếu muốn sử dụng sôcôla để dự phòng các vấn đề tim mạch sau này, đó là: hàm lượng cacao trong sôcôla càng cao, lượng đường càng ít thì lợi ích của sôcôla với sức khỏe sẽ càng nhiều. Do vậy, hãy chú ý đọc kỹ nhãn sản phẩm và lựa chọn các loại sôcôla có nhiều cacao và ít đường để có thể đạt được lợi ích tối ưu nhất.
Sôcôla chỉ nên là một phần của kế hoạch dự phòng bệnh tim mạch
Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến lượng năng lượng mà mỗi thanh sôcôla cung cấp (điều này cũng được ghi ngoài nhãn sản phẩm). Bởi nhiều loại sản phẩm sôcôla ngày nay chứa rất nhiều năng lượng (calo), khoảng 500 calo cho mỗi 100g sôcôla. Do vậy, nếu tiêu thụ quá nhiều những sản phẩm như vậy, bạn chẳng những không giảm được nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai của mình, mà sôcôla sẽ còn phản tác dụng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường typ 2.
Tất nhiên, chỉ ăn sôcôla là chưa đủ. Sôcôla chỉ nên là một phần của kế hoạch dự phòng bệnh tim mạch của bạn. Ngoài ăn sôcôla, bạn vẫn nên thực hiện một lối sống lành mạnh để có thể giảm được tối đa nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nếu bạn là một người trẻ tuổi, ít vận động và có chế độ dinh dưỡng chưa được lành mạnh lắm, hãy lên kế hoạch thay đổi tất cả những điều đó ngay từ bây giờ để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai, và đừng quên, thêm sôcôla vào kế hoạch đó của bạn nhé!./.
Ts.Bs Trương Hồng Sơn/Viện Y học Ứng dụng Việt Nam/VOV