Lợi thế so sánh đặc biệt
Nằm cách TP.HCM chỉ 100km, hệ thống các quốc lộ, đường cao tốc, các đường liên huyện trong tỉnh của Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thiện từ hàng chục năm qua.
Cùng với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu giao thương, kết nối thị trường, dựa trên những ưu đãi của thiên nhiên và xuất phát từ một tầm nhìn chiến lược, Bà Rịa - Vũng Tàu đang từng bước chuyển dịch mô hình tăng trưởng, từ chỗ nặng về khai thác tài nguyên sang phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài dầu khí, đây còn là một trong những trung tâm năng lượng, công nghiệp nặng, du lịch, cảng biển của cả nước với Trung tâm Điện lực Phú Mỹ và Nhà máy Điện Bà Rịa chiếm 40% tổng công suất điện năng của cả nước.
Về lĩnh vực cảng biển, kể từ khi Chính phủ có chủ trương di dời các cảng tại nội ô TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm cảng biển chính của khu vực Đông Nam bộ, thuộc nhóm cảng biển số 5 bao gồm: TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tính đến nay, toàn tỉnh có 32 cảng đang hoạt động với tổng công suất khoảng 87 triệu tấn/năm. Đáng chú ý, tháng 02-2017, Cảng Cái Mép - Thị Vải đón được tàu container có trọng tải đến 194.000 tấn cập cảng, đi thẳng sang các nước châu Âu, châu Mỹ, không qua trung chuyển.
Để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển của địa phương, Bà Rịa - Vũng Tàu mời các chuyên gia, đơn vị tư vấn hàng đầu trong nước và quốc tế quy hoạch phát triển kinh tế tỉnh gắn với quy hoạch vùng, cả nước. Các quy hoạch đã cơ bản hoàn thành, định hình bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 của Chính phủ.
Tập trung nhiều tập đoàn lớn
Trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định tập trung thu hút đầu tư để phát triển 5 mũi nhọn kinh tế: Công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đặc biệt, công trình được coi là “cú hích” lớn cho phát triển kinh tế của Bà Rịa - Vũng Tàu là dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu. Từ khi Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc nhấn nút khởi công dự án từ tháng 02/2018, đến nay, dự án được triển khai khá thuận lợi. Dự án do Tập đoàn SCG - Thái Lan làm chủ đầu tư với tổng vốn 5,4 tỉ USD, có thể sản xuất 1,6 triệu tấn sản phẩm xăng, dầu và 2 triệu tấn nguyên liệu cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác; đồng thời đóng góp cho ngân sách nhà nước 60 triệu USD/năm.
Ngày càng nhiều hãng tàu trọng tải lớn cập cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) (Trong ảnh: Các đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy và Nguyễn Văn Trình - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đón và tham quan tàu CMA CGM Marco Polo, trọng tải 187.000 tấn và sức chở lên đến 17.000 TEUs cập cảng CMIT). Ảnh: Mạnh Thắng
Chủ tịch Tập đoàn SCG - ông Roongrote Rangsiyopash cho biết, dự án bảo đảm tiến độ và dự kiến đưa vào vận hành năm 2023. Hiện có khoảng 400 nhà thầu đang thi công dự án, khoảng 60 kỹ sư Việt Nam đang làm việc, Tập đoàn SCG sẽ đưa các kỹ sư này đi đào tạo chuyên sâu để nâng cao chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu - Lê Hoàng Hải cho biết: Bà Rịa - Vũng Tàu hiện chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của cả nước và đang đứng vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành về thu hút vốn FDI. Suất đầu tư FDI tại Bà Rịa - Vũng Tàu có quy mô khá cao, trung bình đạt 86,7 triệu USD/dự án. Điều này thể hiện thế mạnh của tỉnh để phát triển các dự án công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, logistics, cảng biển,... Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết nằm gần hệ thống cảng biển nước sâu, rất thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Sau 30 năm thu hút đầu tư, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 343 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 27,3 tỉ USD; trong đó, khu công nghiệp có 185 dự án với tổng vốn đăng ký 10,953 tỉ USD và ngoài khu công nghiệp có 158 dự án với tổng vốn đăng ký 16,347 tỉ USD. Theo vốn đăng ký, hiện Hoa Kỳ là nhà đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh, đạt 4,5 tỉ USD; Canada đứng thứ nhì, đạt hơn 4,2 tỉ USD, tiếp đó là Thái Lan (3,8 tỉ USD)… |
Từ những lợi thế này, tại tỉnh đã có khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Hà Lan, Singapore,... Một số tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia đã hoạt động đầu tư và đồng hành với sự phát triển của tỉnh trong những năm qua như Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, ACDL, CJ, Lotte, BP, SCG, Hyosung,...
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khí nhiên liệu giao thông vận tải PVGAZPROM - ông Bogachev Andrey, chủ đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất khí hóa lỏng (LNG) tại Khu công nghiệp Cái mép, TX.Phú Mỹ, cho biết: “Bà Rịa - Vũng Tàu có môi trường đầu tư hấp dẫn, cơ chế, chính sách thông thoáng, có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí nên rất thuận lợi cho chúng tôi khi đầu tư tại địa phương”./.
Kiên trì mục tiêu thu hút đầu tư chọn lọcNhững năm tới, Bà Rịa - Vũng Tàu kiên trì thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư một cách chọn lọc, phát triển bền vững, chỉ thu hút đầu tư những dự án công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao và có sức lan tỏa, thân thiện với môi trường. Tỉnh kiên quyết từ chối các doanh nghiệp không bảo đảm về môi trường, sử dụng nhiều lao động nhằm tránh áp lực về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, chất lượng sống,... Đồng thời, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục quan tâm phát triển bền vững, khai thác, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Nguyễn Hồng Lĩnh
|
Ngô Gia