Tiếng Việt | English

21/06/2016 - 16:45

Cây mía đang bị... ra rìa

Bài 1: Mía giảm mạnh, chanh tăng nhanh

Một thời gian dài, cây mía mang lại đời sống ấm no cho nhiều nông dân nhưng đến nay, mía đang mất dần “chỗ đứng”, diện tích liên tục giảm. Hơn 10 năm trước, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có 11.000-12.000ha mía thì năm 2015 chỉ còn 8.100ha.


Diện tích mía ngày càng giảm

Có nhiều lý do dẫn đến diện tích cây mía giảm, chẳng hạn có một phần diện tích trồng mía phải chuyển sang làm khu công nghiệp nhưng cái chính là việc trồng mía gặp rất nhiều khó khăn về nhân công, bởi lao động trẻ ở địa phương bây giờ chủ yếu đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp, vì vậy, nhân công phải thuê ở tận các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh,... với giá khá cao. Mặt khác, lợi nhuận kinh tế từ cây mía không cao. Cụ thể, mấy năm gần đây, giá mía xuống thấp, chỉ dao động ở mức 500.000-600.000 đồng/tấn. Bình quân 1ha, mỗi năm, người trồng mía chỉ thu về số tiền lời 15-20 triệu đồng, cao lắm cũng chỉ trên 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trên cùng một vùng đất, những năm qua, cây chanh đang có sức hút lớn với người dân Bến Lức, bởi lợi nhuận kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây mía. Cụ thể, có những hộ lời khoảng 200-300 triệu đồng/ha/năm đối với chanh không hạt và 150 triệu đồng/ha/năm đối với chanh có hạt. Còn nếu năm nào giá chanh thấp nhất, bình quân nông dân cũng có lãi gần 100 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, việc chăm sóc chanh cũng “nhẹ nhàng” hơn trồng mía.

Vì thế, dù vốn đầu tư ban đầu cho 1ha chanh lớn hơn rất nhiều so với mía nhưng vì lợi nhuận rất hấp dẫn đó, nhiều người dân ở các xã: Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Lương Hòa, Bình Đức, Lương Bình,... (thuộc vùng quy hoạch nguyên liệu mía) đã bỏ mía, trồng chanh. Qua thống kê, hiện nay, diện tích cây chanh ở huyện Bến Lức là 4.000ha.


Diện tích mía giảm mạnh

Như xã Lương Hòa, trước đây có gần 1.800ha mía, nhưng chỉ vài năm qua, diện tích mía giảm khoảng 250ha, diện tích này được người dân chuyển sang trồng chanh và một số cây trồng khác. Dù mới phát triển mấy năm nay nhưng hiện xã có 500ha chanh và 50ha ổi. Hay tại xã Bình Đức, diện tích mía cũng sụt giảm hằng năm. Hơn 10 năm trước, xã có khoảng 1.400ha mía nhưng mấy năm nay, có khoảng 400ha chuyển sang trồng chanh.

Qua tìm hiểu, mặc dù giảm diện tích nhưng xem ra, cây mía vẫn là cây trồng chủ lực ở Lương Hòa và Bình Đức; còn ở xã Thạnh Hòa và Thạnh Lợi thì hiện diện tích cây mía chiếm rất ít, chủ yếu là cây chanh. Riêng xã Thạnh Hòa có 2.400ha đất sản xuất, trong đó, có đến 1.800ha trồng chanh, chỉ có 350ha trồng mía, còn lại là cây trồng khác. Nghị quyết của xã cũng chỉ rõ: Chanh là cây trồng chủ lực. “Với đà này thì dự báo chỉ 1-2 năm nữa, chắc ở xã sẽ không còn người trồng mía” - một cán bộ xã nhận định.

Bà Nguyễn Thị Diện, ngụ ấp 3, xã Thạnh Hòa kể: "Gia đình tôi vốn trồng 5ha mía nhưng năng suất, giá trị không cao nên 5 năm trước, tôi chuyển 3ha sang trồng chanh, chỉ giữ lại 2ha mía. Dù số vốn đầu tư cho chanh lớn hơn nhưng lãi cao hơn. Cụ thể, với 1ha chanh, mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ 100-150 triệu đồng; trong khi đó, 2ha mía thu lãi không được bao nhiêu”. Cũng theo bà Diện, hiện hầu hết các hộ dân ở xã đều trồng chanh, diện tích mía còn lại rất ít. Nếu trước đây, mía là cây chủ lực thì hiện nay, chanh mới là cây trồng mang lại no ấm cho người dân ở đây. Cũng nhờ cây chanh mà hiện nay, nhiều người dân ở xã trở nên giàu có, xây được nhà cửa khang trang./.

Lê Đức

(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết