“Học làm người có ích” - Một chương trình nhằm giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ thành những người công dân tốt
PV: Sau 15 năm thực hiện NQ Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành NQ số 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, theo ông, NQ này có ý nghĩa và nhằm mục đích gì trong quá trình xây dựng ĐSVH hiện nay?
Ông Phạm Văn Trấn: Sau 15 năm thực hiện NQ Trung ương 5 khóa VIII, trên cơ sở những kết quả, những tồn tại, hạn chế, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành NQ số 33 nhằm khẳng định vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội; trong đó, con người là trung tâm, chủ thể để xây dựng. Đặc biệt, NQ 33 đề cao yếu tố con người trong quá trình xây dựng nền văn hóa nói chung và phong trào xây dựng ĐSVH nói riêng.
NQ được ban hành góp phần xây dựng nền văn hóa, ĐSVH và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc nhân văn, dân chủ và khoa học. NQ cũng đề cao văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
PV: Xin ông cho biết, ở Long An, NQ này đã được triển khai và đi vào đời sống như thế nào?
Ông Phạm Văn Trấn: Sau khi có NQ 33, ngày 17-10-2014, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 38 Ctr/TU về thực hiện NQ 33. Theo đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2576 ngày 13-7-2015 về việc thực hiện Chương trình số 38 của Tỉnh ủy. Trên cơ sở này, hiện nay, NQ 33 đang được triển khai đưa vào đời sống ở cơ sở. Đối với cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức và người lao động trong toàn tỉnh đã được quán triệt sâu rộng nội dung NQ 33. Từ đó, các tổ chức cơ sở Đảng, những người làm công tác đoàn thể ở cơ sở có thể lồng ghép tuyên truyền, triển khai đến người dân thông qua các hình thức sinh hoạt ở xã, phường, thị trấn, các ấp, khu phố. Đặc biệt, đối với những cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý và đa số những người làm công tác ngành văn hóa luôn ý thức tự giác việc thực hiện theo tinh thần NQ 33 từ khi được ban hành.
PV: Xin ông cho biết cụ thể, con người mới trong giai đoạn hiện nay phải như thế nào?
Ông Phạm Văn Trấn: Con người mới trong giai đoạn hiện nay là những cá nhân phát triển toàn diện. Đó là những người yêu lao động, có nhân cách, đạo đức tốt; có trí tuệ, năng lực sáng tạo; có thể chất, tâm hồn và trách nhiệm với xã hội, có ý thức chấp hành pháp luật, nêu cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc; luôn ý thức lương tâm và trách nhiệm của mỗi người, của gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước, quê hương,... Những con người ấy là những người giàu lòng nhân ái, có ý thức tự trọng, luôn tôn vinh cái tốt, cái đẹp và cao thượng.
Khen thưởng những gương người tốt việc tốt là hình thức nhân rộng nhân tố tích cực, đẩy lùi cái xấu
Những con người mới sẽ là những nhân tố để đưa tỉnh nhà phấn đấu đạt các chỉ tiêu trên 95% gia đình đạt chuẩn văn hóa; 60% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa... trong năm 2020.
PV: Trước thực trạng đạo đức xã hội xuống cấp như hiện nay, theo ông, cần phải làm gì để con người thật sự là văn minh, văn hóa trong việc xây dựng ĐSVH hiện nay?
Ông Phạm Văn Trấn: Xây dựng ĐSVH là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội; trong đó, con người là chủ thể thực hiện. Vì vậy, để con người thật sự là văn minh, văn hóa, phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực. Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương người tốt việc tốt để nhân rộng những nhân tố điển hình, tích cực và đầy lùi những cái xấu. Ngoài ra, tuyên truyền, giáo dục về con người mới cũng là nhiệm vụ rất quan trọng. Bên cạnh lồng ghép với sinh hoạt đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng cũng nên đưa nội dung NQ 33 vào tuyên truyền để tạo hiệu quả sâu rộng.
Song song đó, cần xây dựng, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh như gia đình văn hóa; ấp, khu phố văn hóa;... để hướng con người đến những giá trị tốt đẹp, tránh xa thói hư tật xấu, đẩy lùi tệ nạn xã hội và kéo giảm tình trạng xuống cấp đạo đức như hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Thùy Hương