Tiếng Việt | English

11/04/2025 - 20:15

Bàn cách chuyển giao nghiên cứu từ trường đại học đến doanh nghiệp hiệu quả

Tại các trường đại học, việc thương mại hóa sản phẩm từ nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên đến chuyển giao cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, cần lộ trình cụ thể.

Trường Đại học Quy Nhơn, nơi Câu lạc bộ Khoa học - Công nghệ các trường đại học kỹ thuật tổ chức hội thảo lần thứ 60 (Ảnh: MINH CHIẾN)

Ngày 11/4, Câu lạc bộ Khoa học - Công nghệ các trường đại học kỹ thuật tổ chức hội thảo lần thứ 60 với chuyên đề "Gắn kết trong nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ giữa các trường đại học kỹ thuật lần thứ 60" tại Trường đại học Quy Nhơn (Bình Định).

Giải pháp nào tận dụng nghiên cứu và nhân lực các trường đại học?

Ông Lê Tấn Cường, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Trường đại học Sư phạm kỹ Thuật TP. HCM trình bày tại hội thảo (Ảnh: MINH CHIẾN)

Trình bày tham luận "Đưa sản phẩm nghiên cứu đến với doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. HCM", ông Lê Tấn Cường - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của trường này - nhận định sự gắn kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học là nhờ vào các nghiên cứu khoa học từ sinh viên. Đây được xem là tận dụng chất xám ngoài phạm vi doanh nghiệp.

Theo ông Cường, hiện các doanh nghiệp tại Việt Nam có rất ít bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, trong khi sinh viên, giảng viên hằng năm đều có những đề tài nghiên cứu, công trình đột phá, mang tính ứng dụng cao.

Do vậy, ông đề nghị: "Để đưa sản phẩm nghiên cứu đến với doanh nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường, do người có kinh nghiệm quản lý. 

Bên cạnh đó, cần tạo không gian kết nối cựu sinh viên, giảng viên và nhóm nghiên cứu theo nhu cầu xã hội; khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng các dự án mang tính ứng dụng và có chính sách hỗ trợ phù hợp…".

Ứng dụng AI để nâng cao năng lực tiếng Anh

Lễ kết nạp thêm 3 trường thành viên mới vào Câu lạc bộ Khoa học - Công nghệ các trường Đại học Kỹ thuật (Ảnh: MINH CHIẾN)

Tại hội thảo, tổ chức giáo dục EMG Education cho hay tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng nhất trên thế giới, giúp gia tăng cơ hội việc làm cho người học. 

Tuy nhiên hiện nay có nhiều rào cản khiến năng lực tiếng Anh của người học hạn chế như chênh lệch đầu vào, thiếu động lực và môi trường học tập, phương pháp học lệch, nguồn lực về giảng viên cơ sở vật chất còn hạn chế…

Nhưng nhờ sự phát triển của công nghệ AI, người học có thể nâng cao năng lực tiếng Anh như ứng dụng hệ thống LMS quản lý học tập số, gia sư AI 24/7 để chủ động thời gian học hay hệ thống chấm điểm tự động để giảm tải thời gian chấm bài cho giảng viên.

AI đưa ra lộ trình và phương pháp học phù hợp sẽ giúp cho sinh viên yêu thích việc học ngoại ngữ, tăng được cơ hội việc làm, đáp ứng được tiêu chuẩn đồng nhất đầu ra của nhà trường…

Tại hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) với Đại học Bách khoa Hà Nội và nhóm trường thành viên thuộc mạng lưới G32.

Đồng thời Câu lạc bộ Khoa học - Công nghệ các trường đại học kỹ thuật cũng đã kết nạp thêm 3 trường thành viên mới, gồm: Trường đại học Công thương TP.HCM, Trường đại học Công nghiệp Việt Trì và Trường đại học Đại Nam, nâng tổng số thành viên của câu lạc bộ lên 32./.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/ban-cach-chuyen-giao-nghien-cuu-tu-truong-dai-hoc-den-doanh-nghiep-hieu-qua-20250411155450173.htm

Chia sẻ bài viết