Tiếng Việt | English

19/03/2024 - 09:22

Bán hàng giá rẻ để lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc

Trước phương thức rao bán hàng giá rẻ trên mạng xã hội (MXH), sau đó chiếm đoạt tiền đặt cọc, mọi người cần nâng cao cảnh giác.

Người dân cần cảnh giác, đừng ham hàng giá rẻ mà bị lừa mất tiền cọc

Sập bẫy “hàng tốt, giá rẻ”

Công an TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã “nhập kho” Đàm Văn Tuyên (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) vì gã này lừa đảo bán hàng qua MXH rồi chiếm đoạt gần 12 tỉ đồng tiền đặt cọc của hơn 3.100 nạn nhân trong cả nước. Các mặt hàng được Tuyên rao bán trên các hội, nhóm, trang MXH chủ yếu là hàng nông sản “xả kho thu hồi vốn” với giá rẻ chỉ bằng nửa giá thị trường. Khi khách có nhu cầu, Tuyên yêu cầu gửi tiền đặt cọc qua tài khoản ngân hàng, sau đó “lặn mất tăm”. Một trong số các nạn nhân của Tuyên là anh M. ở TP.Gia Nghĩa, bị lừa 400 triệu đồng tiền cọc mua heo giống.

Cũng với chiêu “sale sập sàn”, Cao Thị Huyền Trang (TP.Hà Nội) rao bán thanh lý đồ cũ như tủ lạnh, tivi, sofa và nhiều mặt hàng cũ khác với giá rẻ chỉ bằng 1/3 giá thị trường. Sau khi người mua chuyển tiền cọc, đối tượng gửi ảnh chuyển hàng lên xe và số điện thoại nhà xe cho khách gọi xác thực thì có đối tượng khác xác nhận hàng đã xếp lên xe nhằm tạo lòng tin để Trang yêu cầu khách chuyển thêm tiền cọc. Với thủ đoạn này, Trang đã lừa đảo hơn 100 người trên khắp cả nước với tổng số tiền khoảng 1,3 tỉ đồng.

Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đưa Hoàng Nhật Linh đi “ăn cơm tù" khi gã lừa bán 12 ôtô cũ các loại, chiếm đoạt hơn 2,7 tỉ đồng. Ngoài chiêu lừa tinh vi là đăng tải vào các hội, nhóm mua bán xe với nội dung quảng cáo bán xe máy, ôtô ở hải quan thanh lý với giá rẻ “sấp mặt”, đối tượng còn làm giả giấy tờ để chứng minh nguồn gốc xe. Khi có nạn nhân liên hệ, đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp căn cước công dân để làm giấy tờ xe và “xin địa chỉ nhà để giao xe tận nơi trong thời gian 3-6 ngày, tùy khoảng cách”.

Trong trường hợp khách hàng có nhu cầu xem xe trực tiếp, chúng sẽ cung cấp địa chỉ của Cục Hải quan để tạo uy tín. Tuy nhiên, các đối tượng lấy lý do vì số lượng xe thanh lý rất ít, không cọc là sẽ có khách khác lấy ngay để yêu cầu nạn nhân “đặt cọc” một khoản tiền từ 5-100 triệu đồng để “giữ xe”. Số tiền cọc này sẽ được trừ vào tiền mua xe sau khi khách hàng nhận xe và thanh toán số tiền còn lại.

Tuy nhiên, vài ngày sau, các đối tượng tiếp tục lấy lý do như thủ tục giấy tờ chưa hoàn thành, xe chưa về đến kho hay vướng vào thanh tra, kiểm toán của cơ quan chức năng và yêu cầu nạn nhân phải đóng thêm một khoản “phí xử lý”, rồi sau đó chặn liên lạc và “bốc hơi” cùng số tiền.

Đừng ham “giá rẻ” mà mất tiền!

Hiện nay, nhiều tài khoản MXH liên tục đăng các bài viết bán xe gắn máy, điện thoại di động, đồng hồ, tivi, tủ lạnh, laptop, máy ảnh, ống kính máy ảnh vào các hội, nhóm như thanh lý hàng giá rẻ, thanh lý xe gắn máy, thanh lý xe không giấy,... có giá thấp hơn thị trường để lừa đảo người dân đặt mua hàng, chuyển tiền đặt cọc, tiền ship,... Chúng tải, đăng các hình ảnh sản phẩm, hoạt động mua - bán trên mạng để tạo lòng tin với “con mồi”. Do số tiền đặt cọc bị chúng lừa chiếm đoạt thường không lớn (200.000-1.000.000 đồng) nên phần lớn nạn nhân đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Vậy nên nạn lừa đảo cứ tiếp diễn.

Trước thực tế đó, người dân cần nâng cao cảnh giác với chiêu trò bán hàng giá rẻ, chuyển tiền đặt cọc, tiền ship. Để tránh bị lừa đảo, người mua nên thỏa thuận chỉ thanh toán sau khi đã nhận được và kiểm tra hàng để tránh rủi ro bị lừa mất tiền đặt cọc. Ngoài ra, việc người dân mua bán tài sản có giá trị lớn, không rõ nguồn gốc trên không gian mạng có thể vô tình dẫn đến phạm tội mua, bán, sử dụng tài sản do trộm cắp, do vi phạm pháp luật mà có.

Để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, mọi người phải không ngừng nâng cao cảnh giác; thường xuyên tìm hiểu, nắm biết các phương thức, thủ đoạn lừa đảo; tích cực đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết