Ngày hội Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư Ảnh:KK
“Đám tang vui”
Lễ tang được thực hiện theo những tập quán cổ truyền của dân tộc và thể hiện quan niệm của cộng đồng về cái chết, thế giới người chết, quan hệ giữa người chết và người sống.
Theo truyền thống, gia đình có người thân qua đời thường được để tang 3 năm. Thời gian gần đây, được rút ngắn còn 1 năm, thậm chí có thể xả tang ngay sau khi vừa chôn cất người chết hoặc lúc mở cửa mả.
Đối với vấn đề tang phục đã được đơn giản hơn trước. Có nơi, con trai đội khăn tang, không mặc áo tang và không nhất thiết phải có dây rơm, mũ bạc. Con gái, con dâu không trùm khăn như trước, cháu chỉ đội khăn,...Nhìn chung, ngày nay ở nhiều nơi, lễ tang khá đơn giản và tiết kiệm nhưng cũng không kém phần trang nghiêm, thể hiện được đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Tuy nhiên gần đây, trong tang lễ, có một số hoạt động diễn ra thái quá, lệch chuẩn và trái với quy định Nhà nước. Nhiều gia đình đã tổ chức đám tang một cách phô trương: Che rạp lớn làm cản trở giao thông; thuê người khóc mướn; tổ chức tiệc tùng vui vẻ với rượu bia tràn trề; thuê cả dàn nhạc tây và nhạc ta "đập bồn, đập bát" thâu đêm suốt sáng,... Điều đáng buồn là những màn xiếc, ảo thuật cùng những trang phục gợi cảm không phù hợp với không khí bi ai của tang lễ được diễn ra ngày càng phổ biến.
Rải vàng mã trong việc tang Ảnh: Phạm Ngân
Theo quan điểm của người xưa, người chết cũng có nhu cầu như người sống. Chính vì vậy, trong đám tang thường có hình thức đốt vàng mã, rải vàng mã. Phong tục này xuất phát từ lòng hiếu kính của người sống đối với người chết. Thế nhưng, việc đốt vàng mã, rải vàng mã đã đi quá mức. Nhiều gia đình phô trương, lãng phí, làm ô nhiễm môi trường, mất đi nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt.
Nhạc sống đinh tai nhức óc
Những năm qua, phong trào nhạc sống đã trở thành “mốt” giải trí thời thượng. Không phải chờ đến những tiệc cưới tại gia như trước đây, mà mỗi khi có tiệc mừng sinh nhật, tân gia, đám giỗ, thôi nôi,... nhiều gia đình sẵn sàng thuê dàn âm thanh nhạc sống đến phục vụ. Những lần mời dàn nhạc "bình dân" như vậy, chủ nhà chi từ 2-3 triệu đồng.
Một buổi sinh hoạt Chi hội Phụ nữ ấp 3, xã Long Khê, huyện Cần Đước về việc cưới, việc tang Ảnh: KK
Ông Trần Thanh Quý, ngụ khu phố Gạch Bùi, thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An chia sẻ: “Hiện nay, nhà nào có đám là thuê nhạc sống. Tiếng nhạc quá lớn và họ vui chơi cả đêm nên làm cả xóm mất ngủ”.
Thực trạng này đã đến hồi báo động. Chính quyền, đoàn thể địa phương có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở người dân vui chơi nhưng không gây ảnh hưởng đến người xung quanh.
Chủ tịch UBND xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Trần Văn Sơn cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chơi nhạc sống không quá 22 giờ và không được làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Với một số trường hợp còn tái phạm sau khi đã nhắc nhở, chúng tôi sẽ xử phạt hành chính”.
Chúng ta đang tiến đến xây dựng một xã hội văn minh; đừng đua đòi, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận người dân mà tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng làm tốn kém tiền bạc vào những trò mê tín dị đoan và các thú vui vô bổ. Với những việc làm thái quá nêu trên, không ít người góp phần đánh mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc đã được duy trì, gìn giữ qua nhiều thế hệ./.
Lê Ngọc