Khám bệnh cho bà con ở vùng dịch bệnh bạch hầu xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước - Ảnh: Bùi Liêm
Tại buổi làm việc trưa ngày 16-7 giữa Bộ Y tế với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan về tình hình dịch bệnh bạch hầu, ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đề nghị thống kê tất cả các trường hợp nghi nhiễm bệnh, có biểu hiện như sốt, đau họng, viêm họng, đồng thời khám kỹ, lấy mẫu để xác định bệnh, sau đó sàng lọc, phân loại sắp xếp cách ly cho điều trị ở khu riêng biệt.
“Hơn 40 ca đang điều trị ở khu vực cách ly dành cho người mắc bệnh bạch hầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều mắc bệnh bạch hầu, do đó phải sàng lọc, phải phân loại bệnh, chứ để chung người mắc bệnh thông thường với người mắc bệnh bạch hầu thì lại lây nhiễm cho nhau, rất nguy hiểm” - ông Phu nói.
Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ các biện pháp cho người trong vùng dịch, người thân bệnh nhân, các cán bộ y tế trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch, điều trị bệnh cho bệnh nhân, trong đó chú ý cả người “khỏe” nhưng đã tiếp xúc với bệnh nhân. Cố gắng hạn chế cho người thân tiếp xúc với bệnh nhân.
“Ở khu cách ly của Bệnh viện Đa khoa tỉnh tôi thấy có bà mẹ mắc bệnh mà có đến ba đứa con nhỏ cứ quanh quẩn bên người mẹ chăm sóc thì rất nguy hiểm, rất dễ lây nhiễm bệnh”, ông Phu dẫn chứng.
Ông Trần Đắc Phu thăm hỏi, chia sẻ với bà con tỉnh Bình Phước sáng ngày 16-7 - Ảnh: Bùi Liêm
Ông Phu cũng đề nghị ngành y tế tỉnh Bình Phước không chỉ quan tâm, tập trung mỗi vùng dịch “được khoanh” mà quên đi những vùng khác. Ông Phu lưu ý phải phòng ngừa trên địa bàn cả tỉnh.
“Nếu chúng ta chỉ tập trung vào mỗi vùng xảy ra dịch mà có người nào đó ở nơi khác chết vì bệnh bạch hầu thì không được, do đó khắp nơi trong tỉnh không được chủ quan vì căn bệnh này” – ông Phu nói.
Để phòng ngừa hiệu quả, ông nhấn mạnh, ngành y tế tỉnh Bình Phước cần tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức như loa phóng thanh, tờ rơi, làm bảng hướng dẫn phòng ngừa bệnh đặt tại các khu vực công cộng cho người dân dễ nhận biết; thông báo đến tận thôn ấp về dịch bệnh bạch hầu đến mọi người dân đề phòng, không bị mắc bệnh vì thiếu hiểu biết.
“Hy vọng với tất cả các biện pháp phòng ngừa sẽ không có thêm trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu”, ông Phu nói.
Tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Thành Trương - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Phước, cho biết dịch bệnh có tăng trong những ngày gần đây. Sau khi 8 ca hết bệnh rời bệnh viện, hiện còn hơn 45 ca vẫn đang được điều trị cách ly.
Hiện khu vực cách ly của bệnh viện đã “đầy” bệnh nhân, nếu tiếp tục tăng trong những ngày tới e rằng sẽ quá tải, không còn chỗ chứa mà bệnh nhân phải nằm ra hành lang.
“Do khả năng lây lan cao nên bệnh viện đề nghị các bệnh viện nếu có trường hợp nghi nhiễm không được để tự ý đến bệnh viện bằng xe gắn máy, hoặc đi xe đò mà phải chở bằng xe cấp cứu để tránh lây lan ra cộng đồng”, bác sỹ Trương nói.
Cũng theo bác sỹ Trương, do vùng xảy ra dịch bệnh và các người mắc, nghi mắc bệnh bạch hầu chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng đời sống kinh tế khó khăn, vả lại trình độ dân trí hạn chế, nên bệnh viện đề nghị cơ quan có thẩm quyền miễn toàn bộ chi phí điều trị cho các bệnh nhân.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Sáu - phó giám đốc phụ trách Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Phước, cho biết từ cuối tháng 6 đến nay có 55 người nghi mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 3 người chết sau khi nhập viện được vài ngày (từ 29-6 đến 8-7), số còn lại đang được theo dõi tại các bệnh viện.
Đây là lần đầu tiên bệnh bạch hầu xuất hiện tại tỉnh này, đối tượng mắc bệnh chủ yếu từ 6 đến 26 tuổi. Bệnh nhân có các triệu chứng như sốt, đau họng, ho nhiều, đau đầu nên thường bị chẩn đoán nhầm với viêm Amydal. Triệu chứng bệnh diễn tiến rất nhanh. Có trường hợp bệnh nhân qua đời chỉ sau 3 ngày nhập viện.
Ngày 15-7, UBND tỉnh Bình Phước ký quyết định công bố dịch bệnh bạch hầu qui mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh nhằm tránh dịch bệnh lây lan./.
Bùi Liêm - Xuân An/tuoitre online