Tiếng Việt | English

19/06/2017 - 14:25

Báo chí nhân rộng cái tốt - đẩy lùi cái xấu

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị nêu nhiệm vụ của báo chí và trách nhiệm của nhà báo trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong đó, phát hiện, biểu dương những nhân tố tích cực, nhân tố mới, người tốt - việc tốt là một phương pháp hiệu quả nhằm phát huy chức năng của báo chí.

"... Cần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020; gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam..."

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Đỗ Hữu Lâm

Nhân rộng điển hình

Bộ Chính trị khóa XII xác định: Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nội dung này phải được đẩy mạnh một cách toàn diện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân;...

Trong đó, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt - việc tốt, những cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, những cách làm hình thức, kém hiệu quả.

Nhận thức sâu sắc điều đó, nhiều năm qua, Báo Long An luôn là kênh thông tin quan trọng trong việc tuyên truyền Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Việc tuyên truyền các đảng văn đặc biệt này được Ban Biên tập Báo Long An xây dựng thành các chuyên mục quan trọng và xuyên suốt nhằm tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng để cái tốt ngày càng sinh sôi, nảy nở và phát triển nhiều thêm, cái xấu ngày càng bị ngăn chặn, đẩy lùi, thu hẹp và đi đến bị đào thải.

Trên mặt báo, nhiều gương điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo trong toàn xã hội được phóng viên phát hiện, giới thiệu, tạo sức lan tỏa lớn, tác động đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân hiểu rõ ý nghĩa và tổ chức thực hiện.

Báo Long An có nhiều tin, bài, ảnh phản ánh, phê phán về vấn nạn ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Sau khi báo chí phản ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh (thứ 2, phải qua) cùng các đơn vị chức năng khảo sát tình hình rác thải trên Đường tỉnh 823B

Nữ phóng viên Huỳnh Phương - Báo Long An, một cây bút “có duyên” với giải thưởng của Cuộc vận động Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (giải A tác phẩm Ông lão chân trần), chia sẻ: Khi tham gia tuyên truyền Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôi được tiếp cận những cá nhân, tập thể điển hình.

Họ là những lão nông suốt đời gắn bó với ruộng đồng hoặc một cán bộ trẻ mẫn cán, là đảng viên và người dân ở vùng sâu, một trưởng ấp gần dân, hiểu dân và có uy tín với dân. Họ không chỉ làm tốt công việc của mình mà còn tích cực tham gia nhiều hoạt động khác vì lợi ích cộng đồng. Mỗi người, mỗi tập thể là một câu chuyện điển hình, thú vị, thể hiện qua những việc làm cụ thể, gần gũi với cuộc sống hàng ngày: Hiến đất làm đường, đóng góp cho các hoạt động tại địa phương, tận tụy và có nhiều sáng kiến trong công việc, nhiệt tình, năng nổ vì lợi ích chung,...

“Từ những điều tai nghe, mắt thấy đó, từ những con người hết sức gần gũi đó, tôi có cơ hội tự soi rọi lại chính mình. Việc học tập và làm theo gương Bác không phải là điều gì đó xa vời hay lớn lao mà đơn giản là những điều gần gũi mà bất cứ ai cũng có thể học, có thể làm. Được tiếp cận, được nghe những sẻ chia và tâm huyết của nhân vật, tôi được tiếp thêm động lực để tự sửa mình. Dù không thể làm những điều to lớn thì bản thân cũng có thể tự hào mình đã lớn hơn, chính chắn hơn, luôn tránh xa cái xấu” - Huỳnh Phương đúc kết.

Còn phóng viên Thanh Nga, được phân công chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thổ lộ: “Bản thân tôi khi được phân công tuyên truyền chuyên mục này nhận thức được rằng, cần phải có những nhân vật thật sự mang tính điển hình với những câu chuyện xúc động mới đủ sức lay động người đọc. Và những gương điển hình như thế luôn là đề tài bất tận cho báo chí. Việc phát hiện, tuyên truyền nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến không ngoài những mục đích tốt đẹp, để thúc đẩy xã hội tiến bộ”.

Báo Long An biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến ấy, làm cầu nối thông tin cho hình ảnh của họ đến với đông đảo công chúng, nhờ đó tạo sức lan tỏa rộng lớn trong xã hội, để mọi người học tập, làm theo.

Không “hờ hững” trước cái xấu

Trong lộ trình nâng chất nội dung, cải tiến hình thức, thời gian gần đây, Báo Long An phản ánh mạnh mẽ, thẳng thắn những mặt hạn chế, tiêu cực, cái xấu, bệnh thành tích, hình thức trong xã hội, cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức, kỷ luật, biến chất,...

Sự phản ánh, phản biện trên báo góp phần giúp lãnh đạo tỉnh cùng các ngành, địa phương bổ sung, hoàn thiện giải pháp lãnh, chỉ đạo hiệu quả. Đó chính là biện pháp mà Báo Long An tham gia tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Mới đây, sau khi xem bài báo “Thực hiện tiêu chí môi trường - không lẽ “bó tay”?” của phóng viên Hoàng Trà phản ánh về những hạn chế về tiêu chí môi trường của xã văn hóa, nông thôn mới, lãnh đạo tỉnh biểu dương, khuyến khích phóng viên tăng cường viết những tin, bài phản biện. Đây thực sự là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với những người làm báo Báo Long An.

Nhà báo nam viết phản biện đã khó, với phóng viên nữ càng khó hơn. Nữ phóng viên Hoàng Trà - Báo Long An, chia sẻ: “Trước đây, tôi thường viết về những cái tốt, gương điển hình trên các lĩnh vực. Gần đây, tôi bắt đầu “làm mới” mình bằng những bài viết mang tính phản biện hơn, góc cạnh hơn. Trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề nên ban đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với nguồn tin vì lãnh đạo địa phương thường né tránh khi được hỏi về những vấn đề tiêu cực, còn người dân cũng ngại cung cấp thông tin vì sợ phiền phức. Đứng trước mỗi đề tài, tôi luôn tự đặt cho mình những câu hỏi: Tại sao lại thế này? Tại sao lại thế kia?,... rồi cố gắng lật ngược vấn đề, nhìn ở nhiều góc độ để trả lời cho những thắc mắc đó. Sau khi thu thập thông tin xong, tôi cố gắng thể hiện bài viết sao cho phù hợp nhất vì dù “chê” nhưng phải mang tính xây dựng chứ không phải “đánh hội đồng” hay trù dập một người hoặc địa phương nào”.

“Theo tôi, để viết một bài phản biện tốt, ngoài tư duy logic, phóng viên còn cần có bản lĩnh. Đó là bản lĩnh dám dấn thân vào những đề tài khó, những vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm và bản lĩnh đối mặt với dư luận trái chiều sau khi bài báo được đăng. Làm được như thế, phóng viên mới có thể mang đến cho bạn đọc những bài viết chân thật nhất và mang đậm hơi thở của cuộc sống” - Hoàng Trà tâm sự.

Kinh nghiệm của Hoàng Trà cũng là nội dung Ban Biên tập Báo Long An thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn, rút kinh nghiệm cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp.

Còn nhà báo Lê Đức - phóng viên mảng nội chính, có rất nhiều tin, bài nóng, nhạy cảm, phản ánh, phản biện và từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí cao trong tỉnh; là điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Báo Long An, kiên quyết không nhận tiền “bồi dưỡng” khi viết bài phản biện.

Lê Đức cho biết: “Là người làm báo, tôi không dửng dưng trước cuộc sống, nhất là không “hờ hững” trước cái xấu, bởi xung quanh mình, mỗi sự việc, mỗi nhân vật dù quyền uy, doanh nhân hay nghèo khó, tàn tật,... đều có thể là chủ đề tôi viết báo. Tôi không chọn “đường thẳng, đường bằng phẳng” để đi mà né tránh những “con đường cong, gồ ghề, lầy lội”. Với tôi, cái “đẹp” và “xấu” đều có những hiệu quả riêng. Nhân cái đẹp để xã hội có nhiều cái đẹp hơn; đẩy lùi, dìm “cái xấu” xuống, không để nó lây lan nhằm xây dựng xã hội tốt hơn, mạnh khỏe hơn,...”.

Đó cũng là mục đích của báo chí, cái tâm và trách nhiệm của người làm báo, không hững hờ, thờ ơ, vô cảm với những gì đang diễn ra, tồn tại trong cuộc sống.

Sau mỗi bài viết phản biện không chắc những tồn tại, hạn chế sẽ được giải quyết ngay. Tuy nhiên, người làm báo luôn kỳ vọng, chờ đợi, theo dõi nó. Niềm vui sẽ lớn hơn khi một tác phẩm báo chí ra đời là có hiệu ứng thông tin, hiệu ứng xã hội và vấn đề phản ánh được xử lý, giải quyết thỏa đáng./.

Tấn Tú

Chia sẻ bài viết