Những bến đò không phép
Theo số liệu từ Cảng vụ ĐTNĐ, toàn tỉnh có 13 bến đò không giấy phép hoạt động, trong số này có nhiều bến hết hạn đăng ký. Một số bến tự phát hoạt động không đăng ký, đăng kiểm, người lái phương tiện không có chứng chỉ, không trang bị dụng cụ cứu sinh (áo phao, dụng cụ nổi cầm tay,...), phương tiện, bến bãi không đạt chuẩn, nhất là người lái không chấp hành các quy định về ATGT ĐTNĐ.
Bến đò “3 không” xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa
Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Bơi cho biết: “Nhiều năm nay, xã là điểm nóng của toàn huyện về ATGT ĐTNĐ vì tình trạng bến đò hoạt động không phép. Nguyên nhân chủ yếu là một số ấp (Đá Biên, Cả Sáu), kết cấu hạ tầng đường bộ chưa hoàn chỉnh (có đường nhưng chưa có cầu), vì vậy, người dân phải sử dụng phương tiện giao thông thủy nên phát sinh một số bến hoạt động không phép”.
Thạnh Hóa hiện có 9 bến đò hoạt động không phép, tập trung tại 2 xã Thạnh Phước và Thạnh Phú. Ngoài ra, còn có 2 hộ hoạt động kinh doanh đò dọc: Ông Nguyễn Văn Thọ tổ chức đưa rước công nhân theo đường kênh Cá Tôm và ông Lê Văn Lập chở khách từ xã Thạnh Phước theo sông Vàm Cỏ Tây ra thị trấn Thạnh Hóa. Ngoài ra, ông Trần Văn Hon tổ chức đưa đón học sinh từ ấp Đá Biên qua sông Vàm Cỏ Tây đến Trường THCS Thạnh Phước.
Cặp kênh MaRen, một bên là ấp Cả Sáu, xã Thạnh Phước, một bên là ấp Thạnh Lập, xã Thạnh Phú, đã có đường giao thông nhưng chưa có cầu nên xuất hiện 3 bến đò không phép. Trong đó, 2 bến phía xã Thạnh Phước và 1 bến phía xã Thạnh Phú. Ông Nguyễn Văn Phước - lái đò chở khách từ ấp Cả Sáu qua ấp Thạnh Lập, bộc bạch: “Do nhu cầu người dân qua lại nên tôi mở bến đưa đón khách”. Đò này không có lan can, không được trang bị phao cứu sinh, đường dẫn xuống đò (phía xã Thạnh Phú) khá dốc và chỉ rải đá mi, nếu có mưa to, gió lớn rất dễ xảy ra sự cố.
Lục bình - một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (ảnh chụp tại bến đò Vịnh Sao, huyện Thạnh Hóa)
Ngoài việc giông, lốc gây mất ATGT ĐTNĐ thì vấn nạn lục bình cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các bến đò. Theo chị Nguyễn Thị Na - chủ bến đò Vịnh Sao, xã Thạnh Phú, có lúc, lục bình dày đặc, mỗi khi ra - vào bến tăng ga rất nguy hiểm, nhiều khi chân vịt vướng lục bình, mất lái giữa dòng.
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cần Đước, hiện nay, trên địa bàn huyện (khu vực cù lao Long Hựu) giáp sông Cần Giuộc và cửa biển Rạch Cát, có một số bến hoạt động không phép, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT vì sông rộng, sóng to, gió mạnh, phà lại nhỏ.
Thượng tá Nguyễn Phát Vũ - Phó Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, cho biết: Nhiều bến đò ngang chưa được cấp phép chở xe ôtô nhưng nhiều chủ bến vẫn chở khi khách có nhu cầu và khi không có lực lượng chức năng kiểm tra. Trước đây, từng xảy ra một số vụ tai nạn giao thông do phà chưa đủ chuẩn chở xe ôtô.
Một số bến đò ngang thuộc địa bàn các huyện: Mộc Hóa, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ thường xuyên chở xe ôtô khi chưa được cấp phép. Một chủ bến đò chia sẻ: “Khi khách yêu cầu, nếu chúng tôi không chở thì bị gây khó dễ. Việc xin giấy phép chở xe ôtô cũng còn gặp khó khăn về thủ tục đăng kiểm phương tiện, giao mốc giới để xây dựng đường dẫn lên - xuống phà,...”.
Đò chở khách qua sông có chở xe ôtô
Nâng cao ý thức của chủ bến đò
Bến đò Tham Nhiên (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ qua xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) tương đối ít khách nhưng gần đây xảy ra tình trạng chở xe ôtô tải trọng nhỏ khi chưa được cấp phép. Ông Lê Văn Cộng thông tin: “Tôi lái đò chở khách qua khúc sông này trên 20 năm, khu vực này nước êm nên tương đối an toàn. Tuy nhiên, khi có mưa to, sóng lớn, tôi không xuất bến”. Ông Cộng thừa nhận, đôi lúc vẫn chở ôtô dù đường dẫn xuống bến chưa an toàn và được ngành chức năng cảnh báo.
Hầu hết chủ bến đò ngang cho biết, khi có mưa to, sóng lớn thì không cho phà, đò xuất bến nhằm bảo đảm ATGT. Hiện nay, phần lớn khách vẫn chưa mặc áo phao khi qua đò mặc dù được nhắc nhở. Nguyên nhân là thời gian qua đò ngắn, áo phao không vệ sinh nên mọi người rất ngại mặc.
Ông Nguyễn Văn Sửa - người dân xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Tôi nhiều lần qua đò nhưng không thấy ai mặc áo phao, lúc trước, chủ đò có nhắc, sau không nhắc nữa. Theo tôi, nên bắt buộc trẻ em mặc áo phao khi qua đò để bảo đảm an toàn cho các em”.
Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Long An - Đinh Công Khanh cho biết: “Trước khi vào mùa mưa, bão, Cảng vụ ĐTNĐ phối hợp chính quyền địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông ĐTNĐ và kỹ năng bảo đảm an toàn tại bến khách ngang sông. Cảng vụ còn hỗ trợ mỗi bến đò ngang 5 áo phao và khuyến khích chủ bến tự trang bị áo phao, dụng cụ cứu sinh phù hợp”.
Chủ bến đò cần trang bị dụng cụ cứu sinh cho khách để bảo đảm an toàn khi sang sông
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An - Đặng Hoàng Tuấn cho biết thêm: “Nhằm bảo đảm ATGT tại các bến đò ngang, dọc trong mùa mưa, bão, sở chỉ đạo Thanh tra Giao thông Vận tải, Cảng vụ ĐTNĐ tăng cường kiểm tra, phối hợp cảnh sát đường thủy và cơ quan đăng kiểm thủy rà soát lại toàn bộ bến đò ngang, dọc trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương vùng Đồng Tháp Mười và vùng hạ; kiên quyết đình chỉ bến đò không bảo đảm ATGT ĐTNĐ. Đối với những bến thực sự có nhu cầu, sở chỉ đạo ngành chức năng phối hợp cơ quan chuyên môn và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành bạn tạo thuận lợi cho các chủ bến được cấp phép hoạt động”. Bên cạnh đó, chủ bến cần quan tâm trang bị phương tiện bảo đảm an toàn, trang bị dụng cụ cứu sinh phù hợp./.
Hải Đăng