Tiếng Việt | English

26/06/2018 - 19:28

Bảo đảm an toàn lao động - Trách nhiệm không của riêng ai

Bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) không là trách nhiệm của riêng ai. Doanh nghiệp (DN) và người lao động đều phải nâng cao nhận thức, nghiêm túc chấp hành quy định về ATLĐ nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh lao động kiểm tra tại doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh lao động kiểm tra tại doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa

Quan tâm an toàn lao động

Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần Bảo vệ thực vật Phú Nông (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) - Võ Kim Thượng cho biết: "Cty có hơn 72 nhân viên, trong đó có gần 50 công nhân trực tiếp sản xuất. Chúng tôi luôn quan tâm bảo đảm ATLĐ, đưa vào chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc của mỗi người,... Thay vì giao cán bộ quản lý kiểm tra việc chấp hành quy định về ATLĐ, công nhân, lao động kiểm tra chéo với nhau sẽ hiệu quả hơn. ATLĐ được thực hiện tốt khi tất cả người lao động cùng nâng cao ý thức và chấp hành, tham gia vào hoạt động quản lý rủi ro tại nơi làm việc".

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty TNHH ShillaBags (huyện Đức Hòa) - Lê Công Lập chia sẻ: "Cty luôn quan tâm công tác bảo đảm ATLĐ. Những khẩu hiệu tuyên truyền về ATLĐ được treo tại những nơi dễ nhìn thấy để công nhân nâng cao ý thức. Tất cả nhân viên, công nhân trong Cty được tập huấn về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và bắt buộc phải trang bị các thiết bị bảo hộ lao động như quần áo, giày, nón, một số xưởng còn trang bị thêm khẩu trang hoạt tính và nút chống ồn. Bởi, phương châm làm việc của Cty là phải bảo đảm tối đa an toàn cho công nhân".

Thời gian qua, việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ ở DN có sự chuyển biến tốt. Các chế độ, chính sách về bảo hộ lao động và cải thiện điều kiện lao động cho những công nhân làm việc trong môi trường độc hại được quan tâm. Qua đó, người sử dụng lao động và người lao động nâng cao ý thức hơn, chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.

Cần nâng cao ý thức

Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Mai Thành Khải cho biết: "Bảo đảm ATLĐ không phải là trách nhiệm của riêng ai. Các DN phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ATLĐ, không được chủ quan, lơ là trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử phạt những DN vi phạm nhằm nâng cao ý thức của đơn vị sử dụng lao động".

Theo ghi nhận từ các đoàn kiểm tra ATVSLĐ, thời gian qua, các vi phạm chủ yếu của DN là chưa thực hiện nội quy ATVSLĐ, chưa tập huấn hoặc tổ chức huấn luyện các biện pháp ATVSLĐ đối với công nhân còn sơ sài, chưa xây dựng kế hoạch bảo đảm ATVSLĐ và cải thiện điều kiện lao động; người lao động không được khám sức khỏe định kỳ, tăng ca quá giờ quy định; máy móc, thiết bị chưa bảo đảm và không được kiểm tra theo định kỳ,... Mặt khác, một bộ phận công nhân, lao động còn chủ quan, không chấp hành những quy định về ATLĐ khi làm việc, không sử dụng bảo hộ lao động dù được trang bị, dẫn đến tai nạn lao động (TNLĐ).

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm hỏi công nhân bị tai nạn lao động

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm hỏi công nhân bị tai nạn lao động

Anh Nguyễn Văn Phúc - công nhân Cty TNHH Túi xách Simone (Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc), cho biết: "Một số DN chưa chủ động phòng ngừa TNLĐ. Hơn nữa, công nhân làm việc trong môi trường độc hại, thiếu an toàn; chưa quan tâm hoặc thiếu hiểu biết về ATVSLĐ cũng là một trong những nguyên nhân dễ xảy ra TNLĐ”.

TNLĐ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người lao động và hoạt động của DN. Vì vậy, mỗi DN cần quan tâm hơn nữa công tác bảo đảm an toàn cho công nhân, lao động. Công nhân, lao động, ngoài nâng cao tay nghề, cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, quy định về ATVSLĐ cũng như quyền được bảo đảm ATLĐ./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết