Người dân ấp Tây, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước “vét” nước dưới ao để sử dụng
Giá đổi nước từ 60.000-100.000 đồng/m3!
Chưa bao giờ tình trạng thiếu nước sinh hoạt lại diễn ra hết sức căng thẳng như thời điểm hiện nay. Người dân phải gánh chịu “cơn hạn lịch sử” và xâm nhập mặn trầm trọng. Không chỉ gây thiệt hại nặng đến chăn nuôi, cây trồng, hạn và xâm nhập mặn còn ảnh hưởng trầm trọng hơn đến nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân vùng hạ vốn phải khổ sở với tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào cao điểm mùa khô từ nhiều năm qua.
Tình trạng thiếu nước kéo dài, buộc người dân nơi đây phải sử dụng nguồn nước mưa hoặc mua nước ở nơi khác với giá nước rất cao, dao động từ 60.000 - 100.000 đồng/m3 nước. Ông Trần Văn Thám, ngụ ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc cho biết: “Do nguồn nước nhiễm mặn không thể sử dụng cho việc sinh hoạt cũng như nấu ăn, uống hằng ngày nên mỗi tháng, gia đình tôi phải mua nước ngọt về sử dụng với chi phí phát sinh thêm từ 400.000 - 500.000 đồng. Từ đầu mùa khô tới nay, cả gia đình tôi không ai được tắm nước ngọt cả, chỉ tắm nước mặn rồi tưới qua loa một ca nước ngọt cho đỡ ngứa chứ không dám tắm vì sợ thiếu nước uống và nấu ăn”.
Mặc dù giá nước đắt đỏ (bởi nước ở đây không bán theo mức giá quy định mà tính theo đường xa hay gần) nhưng các phương tiện vận chuyển nước ở vùng này cũng hoạt động hết công suất vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân. Để gia đình không thiếu nước trong sinh hoạt, người dân phải ngày đêm thay phiên nhau canh ghe nước đi ngang qua để mua và bơm vào lu, hồ. Không phải cần nước là có ngay mà phải đợi vài ngày và cả khu xóm đồng loạt hết nước thì ghe chở nước mới đến đổi, bơm nước vào một lần.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Bùi Văn Nhỏ, ngụ ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước cho biết: “Từ tháng 2 đến nay, bà con trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trước đây, gia đình tôi sử dụng nước từ giếng khoan tư nhân kéo đường ống từ ấp Trung, xã Long Hựu Đông về đây, nhưng thời gian gần đây, đường ống nước đóng phèn mặn, nguồn nước cung cấp không đủ cho hộ dân, chất lượng nước cũng không bảo đảm. Gia đình tôi hằng tháng sử dụng hết sức tiết kiệm cũng hơn 10m3 nước, với giá hiện tại trên dưới 60.000 đồng/m3 nhưng vẫn không đủ đáp ứng cho sinh hoạt trong gia đình”. Trên địa bàn ấp Rạch Cát, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước chỉ có 1 giếng khoan, chỉ đủ cung cấp nước sinh hoạt cho 70/375 hộ.
Phó Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông - Nguyễn Tuấn Nhã cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, người dân trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước ngọt sinh hoạt. Trong đó, nghiêm trọng nhất là những hộ dân sinh sống tại 3 ấp: Long Ninh, Rạch Đào và Rạch Cát do nguồn nước ngầm nhiễm phèn, mặn không thể khoan giếng sử dụng được nên phải đổi nước ngọt từ nơi khác chở đến để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, nấu ăn”.
Từ trước đến nay, người dân vùng hạ vốn quen với việc sử dụng nước từ ao đào trữ nước. Tuy biết nguồn nước từ ao, hồ không bảo đảm vệ sinh nhưng vì “khát nước”, đành phải chịu sử dụng nguồn nước vốn mắt thường cũng thấy mầm bệnh bởi đầy phèn và cặn bẩn. Những năm trước, vào mùa khô, nước trữ ở ao được người dân sử dụng chờ đến khi mùa mưa xuống. Nhưng năm nay thời tiết khắc nghiệt, có “vét ao” cũng không đủ, phải “mua” nước ngọt xài với giá cao ngất ngưởng khiến nhiều hộ dân vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn vì tốn kém chi phí mua nước để sử dụng.
Hàng chục hộ dân ấp Tây, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước phải chở nước hằng ngày từ nước ao để sinh hoạt
Bao giờ người dân hết…"khát"?
Hàng ngàn hộ dân tại các xã thuộc vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc phải sống trong cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt nhưng việc đầu tư xây dựng nhà máy nước lại gặp nhiều khó khăn. Khắc phục tình trạng thiếu nước sạch cho người dân, các địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, tranh thủ huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình nước sạch như thực hiện các giải pháp tích trữ nước mưa, khoan giếng tìm mạch nước ngầm sạch phục vụ đời sống người dân, tiết kiệm nước sạch, nhất là trong mùa hè nắng nóng, khô hạn cùng với tình hình xâm nhập mặn.
Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc - Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Hạn, mặn làm nước sinh hoạt trên địa bàn xã thiếu nghiêm trọng. Hiện nay, xã khoan được 4 điểm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nhưng chỉ đủ cung cấp 40% trên tổng số 2.584 hộ dân. Huyện cũng tìm nhiều giải pháp để người dân sớm có nước sử dụng nhưng do vốn đầu tư nhà máy nước lớn, trong khi đó ngân sách có hạn nên rất khó”.
Người dân tận dụng hồ, lu để trữ nước nhưng vẫn không đủ sử dụng vào mùa khô
Tại huyện Cần Giuộc, việc kêu gọi các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ và trích một phần ngân sách của huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng hồ chứa nước hộ gia đình (hồ từ 5-10m3) phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; cùng phương án cấp nước bằng xe, ghe giá rẻ, trợ giá để phục vụ người dân trong thời gian nhanh nhất được triển khai. Cty Cổ phần Nước và Môi trường Bằng Tâm đang tiến hành xây dựng dự án đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch cho 5 xã vùng hạ huyện Cần Giuộc tại ấp Tây Phú, xã Long Phụng.
Được biết, đơn vị đầu tư đang tiến hành xây dựng giai đoạn 1 với công suất khoảng 2.400m3/ngày đêm, dự kiến dự án hoàn thành trong năm 2016 sẽ đáp ứng một phần nhu cầu dùng nước sạch trong sinh hoạt của người dân tại các xã đang trong tình trạng “khát nước” như: Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây và Tân Tập. Tuy nhiên, nước kéo về trên địa bàn xã Phước Vĩnh Đông cũng chỉ có thể đáp ứng cho 500 /2.580 hộ trong toàn xã. Chỉ giải quyết gần 20% số hộ dân được cung cấp nước sinh hoạt so với tình trạng thiếu nước đang báo động “đỏ” trước thời điểm khó khăn biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, xâm nhập mặn “hoành hành” người dân vốn sinh sống lâu đời tại vùng hạ khắc nghiệt về điều kiện tự nhiên này.
Tại 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc, những xã không có nguồn nước ngọt, người dân cần chủ động trữ nước bằng các phương tiện có sẵn như hồ, lu chứa nước để sử dụng kịp thời cho sinh hoạt trong thời gian khô hạn kéo dài lên đến “đỉnh điểm” chưa từng có từ trước đến nay. Hiện nay, trên địa bàn huyện Cần Đước đang khẩn trương hoàn thành thủ tục lập thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán công trình kéo nước về cho các xã vùng hạ như: Tân Lân, Phước Đông và đặc biệt là 2 xã vùng ven cửa biển ra sông Xoài Rạp là Long Hựu Đông và Long Hựu Tây.
Nhiều năm nay, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội kịp thời hỗ trợ các hộ dân vùng hạ của 2 huyện trên. Cụ thể, người dân được hỗ trợ vay vốn để xây hồ chứa nước sinh hoạt. Tại 3 ấp: Rạch Đào, Rạch Cát và Long Ninh triển khai đầu tư 4 bồn chứa nước với dung tích 4m3/bồn nhằm phục vụ kịp thời, chủ động hơn khi người dân sử dụng nước sinh hoạt. Riêng tại ấp Rạch Cát, người dân sử dụng nước do Đàn Chiếu Minh-Thánh thất Cao đài cung cấp miễn phí cho nhiều hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ áp dụng nhỏ lẻ tại một số địa bàn, trong khi nhiều nơi vẫn báo động tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nấu ăn hằng ngày. Vào mùa khô hạn, người dân trữ nước mưa sử dụng cũng không bảo đảm vệ sinh an toàn do ô nhiễm khói, bụi,... Nhiều địa phương, không có mạch nước ngầm sạch để người dân khoan lấy nước, đặc biệt các địa phương vùng hạ ven sông, biển vốn đặc thù về điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên nên việc xâm nhập mặn ngày càng lớn vẫn nan giải cho bài toán nước sạch trong sinh hoạt của người dân vùng hạ./.
Hùng Anh