Cây xanh trên đường Lê Lai, thành phố Thanh Hóa bị gãy đã quật ngã cột điện. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ngay sau khi bão số 1 chấm dứt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp giao ban và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 1 và mưa, lũ.
Bộ đã cử 2 đoàn công tác xuống các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình để phối hợp với địa phương triển khai công tác này.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đã tổng hợp thiệt hại ban đầu do bão số 1 và mưa, lũ gây ra; có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả mưa, bão.
Tính đến 17 giờ ngày 28/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã khắc phục xong lưới 500KV Thường Tín-Nho Quan và đường dây 220KV Ninh Bình-Bỉm Sơn và 321/493 tuyến đường dây bị sự cố (Hà Nội 131/152 tuyến; Thái Bình 48/94 tuyến; Nam Định 23/85 tuyến; Hà Nam 20/56 tuyến; Ninh Bình 39/44 tuyến; Hải Phòng 60/62 tuyến).
Đến sáng 29/7, ngành điện lực cũng đã tập trung khắc phục các sự cố nên tất cả các trạm bơm thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam đã được vận hành, riêng trạm bơm Cốc Thành dự kiến ngày hôm nay sẽ được vận hành. Các địa phương đã và đang thực hiện thu, dọn cây bị gãy đổ, tiếp tục tổ chức thống kê đánh giá thiệt hại.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, bão số 1 đã làm 2 người chết (1 người tại huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội do đổ tường lan can tầng 2; 1 người tại Yên Bái là anh Giàng A Rua 14 tuổi, thôn Chống Tàu, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu bị lũ cuốn trôi); 1 người mất tích (anh Phạm Văn Cường, sinh năm 1985 ở Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa, thuyền viên trên tàu TH 90298 bị hỏng máy và chìm cách đảo hòn Mê khoảng 3,5km); 10 người bị thương (Hà Nội 5 người, Thái Nguyên 3 người, Hòa Bình 1 người, Nam Định 1 người).
Có 8 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 4.384 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 19 nhà bị ngập nước; 12 tàu cá bị chìm, 4 tàu vận tải bị hư hỏng do sóng đánh xô vào nhau, 75 bè mảng bị chìm; 215.289 ha lúa bị ngập úng, 55.283 ha rau màu bị hư hại, 8.306 ha cây trồng lâu năm và cây ăn quả bị gãy, đổ giảm năng suất, 34.093 cây xanh bị đổ, gãy; 13.922 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 150m đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng.
Đê kè bị sạt lở với tổng số 9 đoạn/831m, kênh mương bị hư hỏng 170m; 826 ha và 59 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 17.026 cột điện bị gãy, đổ.
Chính quyền các địa phương tại các tỉnh bị ảnh hưởng của cơn bão số 1 vẫn đang tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão.
Ngày 29/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng đã có văn bản số 87 gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa yêu cầu báo cáo phân tích, đánh giá nguyên nhân, tồn tại và đề xuất các giải pháp trong việc triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả đối với các thiệt hại chính do bão gây ra.
Ban Chỉ đạo yêu cầu thực hiện việc thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai theo đúng nội dung, phương thức, chế độ và biểu mẫu quy định tại Thông tư liên tịch số 43/2015.
Trên cơ sở thiệt hại do thiên tai và nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả của địa phương, các tỉnh, thành tổng hợp nhu cầu, phân loại và đề xuất hỗ trợ cụ thể gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, đặc biệt là với những nội dung hỗ trợ khẩn cấp trước 14 giờ ngày 1/8./.
Thắng Trung/TTXVN