Tỉnh Nam Định có 3 tàu bị chìm, toàn bộ ngư dân đã được đưa về bờ an toàn. Đến thời điểm này, các địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác phòng chống bão, kêu gọi tàu thuyền. Các lực lượng như công an, bộ đội biên phòng hỗ trợ ngư dân di dời đến tránh trú và sẵn sàng các phương tiện ứng phó nếu xảy ra các tình huống khẩn cấp.
Chiều nay, tại tỉnh Nam Định có 3 tàu của ngư dân ở huyện ven biển bị chìm do sóng to, tất cả ngư dân trên tàu đều được đưa vào bờ an toàn. Trước đó, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nam Định chuẩn bị sẵn một lượng lớn vật tư phòng chống lụt bão, gồm đá hộc, rọ thép, bao tải, vải lọc, vải chống tràn, cấu kiện bê tông đúc sẵn để đảm bảo an toàn cho khu vực đê kè xung yếu tại 3 huyện ven biển. Ngoài ra, hàng trăm phương tiên vận chuyển, ứng cứu như ô tô, tàu, sà lan, các loại xuồng… cũng đã được chuẩn bị để phục vụ công tác phòng chống, ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn…
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện có hơn 73.000 hộ dân đang sống trong các ngôi nhà tạm, nhà yếu, vùng nguy hiểm cần phải di dời trước khi bão đổ bộ.
Đồ Sơn đang chịu ảnh hưởng từ bão số 1
Ông Nguyễn Phùng Hoan, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định cho biết: “Hiện ở đây đang có gió cấp 6, cấp 7, tất cả tàu thuyền đã vào bờ. Di dân thì chủ yếu là những người nuôi trông ngạo vạng ở ngoài bãi triều, hơn 800 chòi canh đã được di dời vào bờ rồi. Riêng đối với những nhà yếu, nhà tạm, yêu cầu xã chỉ đạo, yêu cầu những người già, trẻ em, phụ nữ sang những nhà lân cận mà kiên cố hơn”.
** Mặc dù không nằm ngay tâm bão nhưng vùng biển Hải Phòng, đặc biệt là khu vực biển Đồ Sơn đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 1. Vào lúc 21h đêm nay, khu vực ven biển quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng đang có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cuộn trắng xóa. Mặc dù chỉ có mưa nhỏ, mưa vừa từng cơn nhưng sức gió ngày càng mạnh dần lên, đặc biệt là khu vực sát biển.
Hiện các tàu thuyền hoạt động tại khu vực này đã về neo đậu tại các âu tàu an toàn. Toàn bộ hoạt động tại Khu du lịch Đồ Sơn bị ngưng trệ. Từ chiều tối, một số khu dân cư đã bị cắt điện để để đảm bảo an toàn. Người dân Đồ Sơn đang khẩn trương thu dọn, chằng chống nhà cửa trước khi bão vào.
Theo ghi nhận của phóng viên VOV, dọc tuyến đường Khu du lịch Đồ Sơn có rất nhiều cành cây bị gió giật gãy, đổ. Một số biển hiệu lớn bằng kim loại cũng bị giật tung, cuốn bay trên đường gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Một số khu vực trũng xảy ra ngập nhẹ cục bộ. Lực lượng CSGT túc trực trên nhiều tuyến đường dẫn ra biển để hướng dẫn các phương tiện tránh đi vào khu vực nguy hiểm.
** Tỉnh Thái Bình là địa phương có tâm bão đi qua và dự báo sẽ có mưa to và rất to. Chiều nay (27/7), Chi Cục thủy lợi tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Công ty Khai thác Thuỷ lợi Bắc và Nam Thái Bình bố trí lực lượng thường trực, mở các cống tiêu nước, đặc biệt là cống Trà Linh và cống Lân để hạ mực nước trên các trục tiêu của toàn hệ thống.
Tại thành phố Thái Bình, các lực lượng chức năng đã vận động và di dời người dân tại các nhà cao tầng đã xuống cấp nghiêm trọng, nhà tạm, nhà trọ tư nhân, nhà cấp bốn, đặc biệt là các nhà tầng thuộc phường Lê Hồng Phong, phường Quang Trung, khu dân cư ven đê Nhất Thanh (phường Kỳ Bá)…
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Bảo Khương, Phó Chi cục trưởng Chi Cục thủy lợi tỉnh Thái Bình cho biết; đã sẵn sàng các phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình đê điều, nhất các điểm công trình đê, kè xung yếu và các công trình thi công, đồng thời bảo vệ hàng nghìn hécta lúa mùa cây màu, diện tích nuôi trồng thủy sản..
Ông Nguyễn Bảo Khương nói: “Ngành nông nghiệp đã cử 46 cán bộ tăng cường cho các điểm xung yếu để hướng dẫn và cùng địa phương giải quyết các vấn đề về phòng chống thiên tai, đặc biệt là công tác về an toàn đê điều, thủy lợi. Hiện chúng tôi vẫn còn khó khăn trong vấn đề kêu gọi người dân. Một số người đã kêu gọi vào bờ rồi nhưng khi thấy gió lặng thì họ lại trốn ra, không kiểm soát được. Người dân cũng vẫn còn lơ là".
** Tại Ninh Bình, các lực lượng chức năng đã khẩn trương hoàn thành phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh II (huyện Kim Sơn) và di dân ra khỏi vùng trũng vào nơi an toàn trước 17h chiều nay. Chính quyền địa phương các cấp đã tổ chức tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập, các trọng điểm xung yếu, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, nhà dân, cắt tỉa cây... bảo vệ an toàn tài sản của nhà nước. Tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn cho các tuyến đò ngang, đò dọc và yêu cầu tạm ngưng hoạt động các tuyến đò.
Ông Đinh Trung Phụng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết: “Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai những kế hoạch, thứ nhất là phòng chống lụt bão ở khu vực huyện Kim Sơn. Thứ hai là phòng chống úng cho vụ mùa. Các trạm bơm, máy bơm cơ động đã sẵn sàng vận hành. Hiện tại Ninh Bình mưa chưa lớn lắm, nước trong đồng cũng đã được rút cạn từ trước bão rồi nhưng vẫn phải đề phòng mưa thượng nguồn và mưa tại chỗ. Dự báo mưa có thể lên đến 100 đến 200 mm. Chúng tôi cũng tăng cường phòng chống sạt lở ở vùng miền núi Nho Quan, Tam Điệp, nhất là những nơi khai thác khoáng sản”./.
PV/VOV