Huy động các nguồn lực
Long An có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa, được ghi dấu bởi các di tích. Các DTLSVH phân bố trên toàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở các huyện phía Nam Quốc lộ 1 và rải rác ở các địa phương thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh - Nguyễn Văn Thiện cho biết: “Để tăng cường công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo nhằm phát huy giá trị các di tích, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố, cán bộ văn hóa cơ sở. Việc khảo sát, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học DTLSVH trình cấp có thẩm quyền xếp hạng bảo đảm đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao”.
Di tích vườn, nhà ông Bộ Thỏ (ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) được đầu tư sửa chữa, tôn tạo với kinh phí 6 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh
Giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh ghi vốn đầu tư xây dựng, trùng tu các di tích: Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, Khu Lưu niệm Nguyễn Thông, Khu Lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, DTLS Khu vực Ngã tư Đức Hòa và Khu DTLS Cách mạng tỉnh. Đối với các di tích còn lại, UBND tỉnh giao Sở VH-TT&DL tiếp tục nghiên cứu, tham mưu lập dự án mới nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi theo quy định.
Trước tình trạng xuống cấp, Di tích vườn, nhà ông Bộ Thỏ (ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) được đầu tư tôn tạo với kinh phí 6 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh. Đây là DTLS cấp tỉnh ghi dấu sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn. Hiện, các hạng mục như khu nhà chính bia di tích, hầm và hình tượng 7 đảng viên dự cuộc họp bí mật ngày 06-3-1930 đã hoàn thành.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước trong bảo quản, tu bổ, phục hồi các DTLSVH có hạn, khó có thể trải đều tất cả các di tích. Vì vậy, việc xã hội hóa để bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích là cần thiết. Theo đó, các cấp, các ngành tập trung huy động các nguồn lực thực hiện. Trong đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa của việc bảo tồn di tích được đẩy mạnh.
Đình Tân Xuân được khởi công trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 6 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa
Một trong những di tích xuống cấp trầm trọng được trùng tu, tôn tạo từ nguồn kinh phí xã hội hóa là đình Tân Xuân - nơi diễn ra Lễ hội Làm Chay (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) hàng năm. Đây là ngôi đình được Bộ VH-TT&DL công nhận là DTLS cấp Quốc gia vào năm 2014. Qua thời gian, đình Tân Xuân xuống cấp trầm trọng. Đến ngày 02-6-2018, đình được khởi công trùng tu với diện tích 430m2, kinh phí trên 6 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Ngôi đình mới được trùng tu, tôn tạo đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh của người dân địa phương. Qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa
Công trình Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 7/2015 với quy mô 10.000m2. Đây là di tích cấp quốc gia thu hút nhiều lượt du khách trong các chuyến tham quan, về nguồn. Nhằm phát huy giá trị của di tích, giáo dục truyền thống lịch sử, đặc biệt là cuộc đời và sự nghiệp của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, cuối năm 2017, hạng mục Phòng trưng bày thân thế và sự nghiệp luật sư được tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh với kinh phí hơn 2 tỉ đồng.
Phòng trưng bày thân thế và sự nghiệp cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được xây dựng hoàn chỉnh, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách
Phòng trưng bày được khánh thành vào tháng 7/2018, gồm các bức tranh, ảnh tư liệu quý giá và tượng chân dung Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Em Phan Thị Như Quỳnh (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) bày tỏ: “Với nhiều hình ảnh, hiện vật,... tại phòng trưng bày, thế hệ trẻ chúng em hiểu biết hơn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cũng như lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm của thế hệ cha ông. Từ đó, em cố gắng học tập để tiếp nối truyền thống cách mạng”.
Là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử, khu vực Ngã tư Đức Hòa (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) được xếp hạng DTLS cấp Quốc gia vào tháng 9/1989. Thời gian qua, khu di tích này được tỉnh quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí trên 32 tỉ đồng. Theo đó, nhiều hạng mục của khu di tích như tượng đài đồng chí Võ Văn Tần có chiều cao 10m, khu công viên, cổng công viên, hàng rào bảo vệ, phù điêu tái hiện cuộc biểu tình ngày 04/6/1930, phòng trưng bày, đài xử bắn,… được thi công, đến nay đã hoàn thành. Ngoài ra, các di tích gốc như nhà Dinh quận Đức Hòa, hệ thống lô cốt,… cũng được trùng tu.
Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa được tỉnh quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo nhằm phát huy giá trị, giáo dục truyền thống
“Giai đoạn 2021-2025, Sở VH-TT&DL lập danh mục các công trình đầu tư công, trong đó có các di tích: Khu lưu niệm Nguyễn Thông, Nhà và lò gạch Võ Công Tồn,...”.- Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Dự án xây dựng công trình VH-TT&DL (Sở VH-TT&DL) - Nguyễn Hữu Tài cho biết.
Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các DTLSVH là hoạt động thiết thực thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay. Việc làm này đòi hỏi phải huy động được nguồn lực toàn xã hội chung tay thực hiện./.
Toàn tỉnh có 111 di tích lịch sử - văn hóa (trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh) và 3 công trình văn hóa có tính lịch sử. Định hướng phát triển trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh là bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. |
Ngọc Mận - Huỳnh Hương