Tiếng Việt | English

27/12/2017 - 11:24

Nhiều di tích lịch sử, văn hóa cần được trùng tu, tôn tạo

Di tích lịch sử - văn hóa (DTLS-VH) không chỉ là nơi tham quan, nghiên cứu mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều DTLS-VH đang xuống cấp, thậm chí có nguy cơ bị lãng quên.

Di tích Nhà Trăm cột đang xuống cấp, cần được trùng tu

Di tích lịch sử - văn hóa “kêu cứu”

Toàn tỉnh Long An hiện có 109 DTLS-VH, trong đó, tỉnh quản lý 5 di tích, còn lại 104 di tích do các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Riêng huyện Cần Đước quản lý 12 DTLS- VH (3 DTLS-VH cấp quốc gia và 9 DTLS-VH cấp tỉnh), trong đó, Khu DTLS-VH cấp tỉnh đình Tân Chánh và lăng Nguyễn Khắc Tuấn, tọa lạc ấp Đình và ấp Lăng, xã Tân Chánh đang xuống cấp, cần được trùng tu, tôn tạo.

Theo gia phả của những dòng họ sống lâu đời ở xã Tân Chánh như dòng họ Bùi, Nguyễn,... và năm sinh của Nguyễn Khắc Tuấn (1767) thì đình Tân Chánh có trên 200 năm. Tại đình còn lưu giữ nguồn tư liệu văn bản cổ, chủ yếu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Thống chế Nguyễn Khắc Tuấn gồm các sắc phong của vua Minh Mạng, gần 170 trang văn bản cổ thuộc các loại hình chiếu, chỉ, dụ,... của triều Nguyễn.

Bà Trương Thị Lệ Huyền, ngụ ấp Lăng, xã Tân Chánh, người thường xuyên trông coi lăng Nguyễn Khắc Tuấn cho biết: “Hiện nay, nhiều chữ Hán trên tấm bia lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn bị mờ; vết rạn nứt của nền mộ ngày càng nhiều; vài chỗ mặt trong và ngoài của vòng thành ngả màu đen. Vào tháng 9, 10, triều cường lên, nước ngập hết phần lăng mộ nên hiện nay nền bị lún, cỏ mọc um tùm xung quanh. Ngoài ra, mái ngói và một số cây cột ở đình Tân Chánh cũng hư hỏng, nhiều mối mọt; đường vào đình nhỏ, hẹp, trơn trợt. Từ hiện trạng trên, người dân nơi đây rất bức xúc, nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương xin được cấp kinh phí để trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn chưa có câu trả lời”.

Nền lăng Nguyễn Khắc Tuấn đang bị lún, cỏ mọc um tùm xung quanh

DTLS cấp tỉnh “Khu vực Cống Bần”, ấp Bình Thạnh, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ cũng cần được xây dựng. nơi đây ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Tân Trụ trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. dân và quân huyện Tân Trụ mưu trí, dũng cảm, tự lực tổ chức hàng chục trận đánh, diệt và làm bị thương 74 tên địch, phá hủy 9 xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Vì vậy, người dân nơi đây mong muốn, khu di tích này sớm được xây dựng để ghi dấu, nhắc nhớ sự kiện lịch sử năm xưa.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tịnh - Bùi Đức Chiến cho biết: “Năm 2016, UBND tỉnh phân bổ 500 triệu đồng cho xã xây dựng Bia DTLS Cống Bần. Nay, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chính quyền và người dân nơi đây tha thiết mong các cấp, các ngành tiếp tục đầu tư xây dựng nhà truyền thống, khuôn viên khu vực Cống Bần để giới thiệu cho thế hệ hôm nay và mai sau những trang sử hào hùng của dân tộc, góp phần giáo dục lòng yêu nước, tinh thần quật cường cho thế hệ trẻ”.

Bia Di tích lịch sử khu vực Cống Bần đưa vào sử dụng góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

"Việc trùng tu, tôn tạo các khu DTLS-VH luôn là nhiệm vụ được các cấp, các ngành quan tâm thường xuyên, nhất là đối với huyện điểm điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch. Hiện nay, huyện có 3 DTLS-VH cần được trùng tu, tôn tạo gấp: DTLS-VH cấp Quốc gia Nhà Trăm cột; DTLS-VH cấp tỉnh đình Tân Chánh và lăng Nguyễn Khắc Tuấn; DTLS-VH cấp tỉnh mộ và đền thờ Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến. Thế nhưng, nguồn kinh phí của huyện hạn chế, trong khi đó, việc xã hội hóa ở địa phương còn khó khăn. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành liên quan không nên để địa phương một mình “gánh” việc trùng tu, tôn tạo những DTLS-VH dù được phân cấp do huyện quản lý."

 Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Bảy

Cần sớm tìm lời giải cho “bài toán” thiếu kinh phí

Thời gian trước, DTLS-VH cấp Quốc gia Nhà Trăm cột được trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, DTLS-VH này vẫn trong tình trạng xuống cấp. Bà Trần Thị Ngỏ (sinh năm 1947, ngụ ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) - người trông coi di tích Nhà Trăm cột, nhiều lần kiến nghị các cấp, các ngành đầu tư kinh phí sửa chữa những phần hư hỏng, xuống cấp. Kết quả, câu trả lời của các cấp, các ngành là chưa có kinh phí.

Bà Ngỏ bức xúc: “Hiện nay, nhiều cây cột bị mối mọt ăn, nền nhà bong tróc, tường nhà nứt, nhất là cổng chính xập xệ, cửa sứt bản lề,... Nếu tình trạng này kéo dài, gia đình không còn đủ khả năng để quản lý di tích mà tổ tiên để lại”.

Nền nhà Trăm cột bong tróc, tường bị nứt 

Nhà Trăm cột được xây dựng vào khoảng năm 1901, do một nhóm thợ miền Trung thi công trong thời gian 3 năm. Đây là kiểu nhà xuyên trính - một kiểu thức thời Nguyễn, điển hình cho kiến trúc nhà ở của tầng lớp thượng lưu ở Nam bộ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Nghệ thuật điêu khắc, chạm gỗ mang đậm phong cách Huế pha lẫn các yếu tố Nam bộ, thật sự là những tác phẩm vô giá, thể hiện qua các bao lam, khung trang trí “ô hộc”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Bảy cho biết: “Việc trùng tu, tôn tạo các DTLS-VH luôn là nhiệm vụ được các cấp, các ngành quan tâm thường xuyên, nhất là đối với huyện điểm điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch. Hiện nay, huyện có 3 DTLS-VH cần được trùng tu, tôn tạo gấp: DTLS-VH cấp Quốc gia Nhà Trăm cột; DTLS-VH cấp tỉnh đình Tân Chánh và lăng Nguyễn Khắc Tuấn, DTLS-VH cấp tỉnh mộ và đền thờ Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến. Thế nhưng, nguồn kinh phí của huyện hạn chế, trong khi đó, việc xã hội hóa ở địa phương còn khó khăn. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành liên quan không nên để địa phương một mình “gánh” việc trùng tu, tôn tạo những DTLS-VH dù được phân cấp do huyện quản lý”.

Nền Nhà Trăm cột bong tróc, tường bị nứt

Có thể nói, Long An có rất nhiều DTLS-VH nhưng kinh phí trùng tu, tôn tạo rất “khiêm tốn”. Phó Giám đốc Ban Quản lý DTLS-VH, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Thiện cho biết: “UBND tỉnh ban hành Quyết định số 90/QĐUBND-VXKG về việc phân cấp quản lý các DTLS-VH trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 2921/QĐ-UBND, ngày 09-8-2017 ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị DTLS-VH trên địa bàn tỉnh Long An. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố được phân cấp quản lý có trách nhiệm lập dự án, phục hồi và tôn tạo các di tích. Song song đó, UBND tỉnh có chủ trương tiếp tục tập trung triển khai xây dựng những dự án trùng tu, tôn tạo DTLS-VH thực hiện dở dang, còn những DTLS-VH khác tạm thời ngưng triển khai trùng tu, tôn tạo do nguồn kinh phí của tỉnh có hạn. Mặt khác, phải tăng cường công tác xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực xã hội thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích”.

Việc trùng tu, tôn tạo DTLS-VH đang xuống cấp luôn là vấn đề cần thiết và cấp bách, vì nếu trễ, các DTLS-VH gắn liền với truyền thống văn hóa, lịch sử của người dân Nam bộ nói chung, Long An nói riêng dần đi vào quên lãng. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành liên quan cần sớm có lời giải cho “bài toán” thiếu kinh phí. Đừng để các DTLS-VH “kêu cứu” vì “mỏi mòn” chờ trùng tu, tôn tạo!

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết