Tỉnh tăng cường các biện pháp để kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp
Nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường
Với vị trí thuận lợi cùng các quyết sách, chính sách hợp lý, đúng đắn, Long An đang từng bước khẳng định là điểm đến đầu tư hấp dẫn, hiệu quả. Toàn tỉnh có 18 khu công nghiệp (KCN), 23 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 86 - 87%. Long An hiện là "ngôi nhà chung" của hơn 14.000 doanh nghiệp (DN), đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT - XH của địa phương.
Song song với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tỉnh quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ công tác BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các K,CCN. Địa phương tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BVMT nhằm nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của DN trong vấn đề này.
Ông Lê Anh Hồng - đại diện Ban Quản lý KCN Anh Hồng (huyện Đức Hòa), cho biết: Khu được đưa vào hoạt động, đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về BVMT. Hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, bảo đảm tiếp nhận, xử lý toàn bộ nước thải trong quá trình hoạt động, sản xuất của các DN thứ cấp. Đơn vị thường xuyên cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu xử lý nước thải trong khu. Việc xử lý chất thải rắn tại KCN cũng được tuân thủ nghiêm ngặt. Chất thải nguy hại được quản lý, lưu trữ và xử lý theo quy định. Khu ký kết với đơn vị có đầy đủ chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, trong đó, chất thải nguy hại được đổ tại vị trí riêng trước khi vận chuyển, xử lý. Trong khu có đủ mảng xanh vừa tạo cảnh quan, vừa điều hòa không khí, BVMT. Các DN thứ cấp tuân thủ nghiêm các quy định, đầu tư các công trình thu gom, xử lý khí thải; đầu tư khu vực lưu giữ chất thải rắn, chất thải nguy hại và hợp đồng với đơn vị có chức năng để định kỳ chuyển giao, xử lý theo đúng quy định.
Theo đại diện Ban Quản lý KCN Tân Kim mở rộng (huyện Cần Giuộc) - Lê Văn Lộc, đơn vị chấp hành đầy đủ các quy định trong công tác BVMT; đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, xử lý toàn bộ nước thải trong khu; ký kết với đơn vị có đầy đủ chức năng để thu gom, xử lý chất thải theo quy định. Định kỳ, đơn vị báo cáo công tác BVMT về Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để theo dõi, kiểm tra. Những vấn đề liên quan (nhất là Luật BVMT năm 2020 mới có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2022) mà DN thứ cấp thắc mắc, khu phối hợp ngành chức năng giải đáp, làm rõ.
Ngưng tiếp nhận một số ngành nghề, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm
Tỉnh luôn nêu rõ quan điểm phát triển kinh tế gắn với công tác BVMT, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Các sở, ban, ngành, địa phương cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành. Đồng thời, thời gian gần đây, với ý thức, trách nhiệm của DN, môi trường tại các K,CCN trên địa bàn tỉnh được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số DN vẫn chưa thực hiện nghiêm công tác BVMT, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Theo định hướng phát triển, tỉnh sẽ ngưng tiếp nhận các ngành nghề, dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn cho biết: Sở tăng cường phối hợp các sở, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra (đặc biệt là kiểm tra đột xuất) việc chấp hành pháp luật về BVMT tại các DN, trong đó có K,CCN; kiên quyết xử lý các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về BVMT; chú trọng sử dụng công nghệ giám sát bằng hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với các nguồn thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao. Sở tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn cơ sở thuộc đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, truyền dữ liệu để theo dõi, giám sát. Bên cạnh đó, Sở sẽ tổ chức tuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật BVMT năm 2020 đến các DN thứ cấp.
Ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin: Để phát triển công nghiệp công nghệ cao bền vững, ít tác động đến môi trường, tỉnh định hướng thu hút các nhà đầu tư, DN với dây chuyền sản xuất hiện đại, mới và có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Tỉnh cũng siết chặt các tiêu chí tiếp nhận và định hướng ngừng tiếp nhận các ngành nghề, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao vào các K,CCN. Với vai trò, trách nhiệm của đơn vị, Sở TN&MT chú trọng, nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường, trong đó có biện pháp sàng lọc dự án, không tiếp nhận các dự án, loại hình sản xuất phát sinh nhiều chất thải, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, từng bước góp phần phát triển các ngành kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, Sở còn tập trung các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại các tuyến sông, kênh, rạch; tiếp tục theo dõi, kiểm tra việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương; quản lý tốt hơn đối với rác thải công nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 3 CCN (Hoàng Gia, Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ) tồn tại các vấn đề ô nhiễm môi trường, Sở sẽ tham mưu, đề xuất các biện pháp cụ thể, phối hợp các sở, ngành, địa phương xử lý dứt điểm tình trạng này./.
Châu Sơn