Chặn không xuể cuộc gọi, tin nhắn rác
Chị Hoàng Thị Lan, quận Hoàng Mai, Hà Nội than phiền suốt cả tháng nay, chị liên tục nhận được các cuộc gọi từ các công ty tư vấn đầu tư chứng khoán. Mỗi lần từ chối rồi chặn số thì lại có một một số điện thoại khác gọi đến.
Nhiều người dân khi yêu cầu đừng làm phiền khi nhận cuộc gọi rác, đã bị người ở đầu dây bên kia chửi tục, đe dọa phát tán thông tin
“Thực sự “chặn không xuể”. Có ngày cao điểm lên tới cả chục cuộc gọi chỉ để mời chào các loại dịch vụ. Trước mình cũng bị nhận những cuộc gọi rác kiểu này nhưng số lượng tăng hẳn trong thời gian gần đây. Công việc khiến phải nghe những cuộc gọi không có trong danh bạ, nhưng tần suất gọi nhiều và bị gọi cả vào giờ nghỉ trưa, mình rất bực”, chị Lan bức xúc.
“Có lần bị gọi ngay giờ nghỉ trưa, tôi phát cáu. Sau một hồi trao đổi, đầu bên kia còn văng tục, thậm chí dọa chia sẻ thông tin của tôi lên mạng xã hội và các hội nhóm để càng bị làm phiền. Thế nhưng ngoài chặn số, tôi không thể làm được gì mà báo cáo cuộc gọi rác, cuộc gọi làm phiền lên đầu số 156 cũng chả hết”, chị Lan cho biết thêm.
Bị xúc phạm, dọa đăng thông tin cá nhân lên các web xấu hay hội nhóm không hay trên mạng xã hội, bạn Phương Hiền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, vì nhận ra cuộc gọi lừa đảo sau vài câu nói chuyện, Hiền không vội tắt máy, mà vờ làm theo yêu cầu. Sau khoảng 10-15 phút trao đổi, Hiền mới từ chối kết bạn zalo và nói đã biết họ lừa đảo.
Thế nhưng thay vì ngắt cuộc gọi, đầu dây bên kia mắng chửi, trách Hiền biết mà vẫn nghe, làm mất thời gian của nhau, đồng thời đe dọa “đưa số điện thoại của cô lên các trang web bậy bạ” để trả thù.
Đây không phải trường hợp cá biệt. Tại cuộc họp báo mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng cho biết đã ghi nhận tình trạng chủ thuê bao di động bị xúc phạm khi từ chối cuộc gọi rác.
Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra Bộ TT&TT cho biết, ghi nhận tình trạng người dân khi từ chối làm theo vì không có nhu cầu, bên thực hiện cuộc gọi còn văng tục, chửi thề, thậm chí đe dọa người nghe.
Để hạn chế vấn nạn này, bộ cho biết đang tiếp tục tập trung xử lý tình trạng sim rác - là sim sử dụng thông tin của người khác để đăng ký. Tình trạng sim không chính chủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo, đe dọa người dùng thời gian qua.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, nửa đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối 2022. Hai hệ thống tiếp nhận phản ánh là chongthurac.vn và thongbaorac.ais.gov.vn của Bộ cũng nhận được gần 345.000 lượt phản ánh về cuộc gọi rác trong nửa đầu năm.
Từ tháng 5, Bộ cùng các Sở TT&TT trên cả nước đã lập 82 đoàn thanh tra để xử lý sim không chính chủ. Từ báo cáo nhận về, Phó Chánh thanh tra Bộ TT&TT cho biết còn có tình trạng một thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh thành khác nhau trong thời gian rất ngắn. Chủ thuê bao không có ảnh chụp, thậm chí gửi ảnh cởi trần. Ngoài ra, có tình trạng nhiều người đăng ký từ sim thứ tư trở lên nhưng không thực hiện giao kết hợp đồng theo quy định…
Theo các chuyên gia của dự án Chống lừa đảo, nếu nhận ra cuộc gọi rác, người dùng nên ngắt cuộc gọi để tránh mất thời gian hoặc bị xúc phạm như trên. Điều này cũng giúp họ giảm việc tiếp xúc với kẻ có ý đồ xấu, hạn chế nguy cơ bị dẫn dụ vào nhóm lừa đảo, thao túng tâm lý, gây thiệt hại về tài chính và dữ liệu cá nhân.
Theo các chuyên gia của dự án Chống lừa đảo, nếu nhận ra cuộc gọi rác, người dùng nên ngắt cuộc gọi để tránh mất thời gian hoặc bị xúc phạm
Phát hiện nhiều vụ lừa đảo giả mạo ứng dụng chính phủ, Tổng cục Thuế
Cũng theo Bộ TT&TT, 1 tuần trở lại đây, trên không gian mạng Việt Nam rộ lên chiến dịch lừa người dân cài các ứng dụng giả mạo app của chính phủ, Tổng cục Thuế.
Tổng hợp từ các trường hợp người dân bị lừa đảo phản ánh tới Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn), các chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin cho hay, ban đầu đối tượng lừa đảo sẽ gọi hoặc liên hệ với các nạn nhân qua điện thoại, Zalo, Facebook… để mời nạn nhân lên cơ quan thuế hoặc công an để định danh điện tử.
Sau đó, các đối tượng thuyết phục người dùng tải ứng dụng giả mạo app của Chính phủ, Tổng cục Thuế trên các trang web giả mạo, ngụy trang là truy cập vào kho ứng dụng Google Play Store (CHPlay).
Tiếp đó, khi đã lừa được nạn nhân bấm vào link để tải ứng dụng giả mạo dạng “.apk” về, đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn nạn nhân cài đặt app và chấp nhận toàn bộ quyền cho ứng dụng để hoạt động.
Đáng chú ý, ứng dụng giả mạo yêu cầu nhiều quyền để hoạt động, bao gồm cả truy cập dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn. Nếu người dùng đồng ý, đối tượng lừa đảo có thể kiểm soát, theo dõi điện thoại nạn nhân từ xa, và mục tiêu chính chúng nhắm đến là thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng. Khi đã có thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng, các đối tượng lừa đảo sẽ dùng nhiều chiêu trò để có được mã OTP chuyển tiền hòng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Theo Cục An toàn thông tin, phân tích của đơn vị cho thấy, không chỉ xuất hiện 1 app giả mạo, trong chiến dịch lừa đảo app mã độc “.apk” giả mạo Tổng cục Thuế, app Chính phủ mới được phát hiện, nhóm đối tượng đã sử dụng gần 195 hệ thống khác nhau để lừa đảo người dân.
Chuyên gia Cục An toàn thông tin khuyến nghị, để phòng tránh chiêu thức lừa đảo nêu trên, người dùng cần lưu ý: Không tải app lạ và làm theo hướng dẫn của các đối tượng xấu; luôn kiểm chứng qua các kênh chính thống bằng cách gọi điện thoại tới sở thuế hoặc cơ quan công an trên địa bàn.
Đặc biệt, khi có nhu cầu sử dụng các ứng dụng, người dân chỉ nên tải app trên các kho ứng dụng uy tín, cụ thể là CHPlay và App Store. Đồng thời, tuyệt đối không bao giờ được cấp cho ứng dụng toàn quyền điều khiển thiết bị.
Vân Anh/VOV.VN