Tiếng Việt | English

18/05/2023 - 19:19

Bến Lức: Nhiều cách làm hay trong công tác giải phóng mặt bằng

Thời gian qua, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai nhiều dự án (DA) phát triển KT-XH. Trong đó, giải phóng mặt bằng (GPMB) được xem là một trong những khâu quan trọng và quyết định, nhằm tạo quỹ đất “sạch” để đầu tư xây dựng các công trình, triển khai các DA đúng tiến độ.

Huyện Bến Lức luôn công khai, minh bạch các thông tin dự án và đi từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân trong vùng dự án đồng thuận giải phóng mặt bằng (Ảnh: Việt Hằng)

Dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua địa bàn xã Tân Bửu có chiều dài trên 4,8km, với 316 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, 251 hộ dân đã nhận tiền bồi thường đợt 1, đạt 86% kế hoạch. Các hộ còn lại sẽ nhận tiền trong đợt 2, bảo đảm trong tháng 6-2023 giao mặt bằng cho đơn vị thi công khởi công DA.

Ông Phạm Văn Út (ấp 5, xã Tân Bửu) chia sẻ: “Khi có chủ trương thực hiện DA Đường Vành đai 3 TP.HCM, lãnh đạo địa phương đến thông tin, vận động người dân. Tuyến đường hoàn thành sẽ đem lại lợi ích chung, giúp phát triển kinh tế, từ đó cuộc sống người dân cũng nâng lên. Đây là lý do mà tôi cũng như các hộ dân trong khu vực đồng thuận với chủ trương của Nhà nước”.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Bửu - Lê Tấn Mười cho biết: “Trước hết, địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh xã về chủ trương, ý nghĩa của DA. Chúng tôi đi từng nhà, phân tích cho người dân hiểu lợi ích thiết thực của DA để họ đồng thuận nhận tiền, giao đất cho chủ đầu tư. Một cách làm nữa là xã vận động đảng viên có đất nằm trong khu vực DA thực hiện trước, sau đó đến các hội viên, đoàn viên. Mặt khác, xã kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt công tác GPMB”.

Theo Bí thư Huyện ủy Bến Lức - Trần Hoàng Nhân, hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều công trình, DA trọng điểm của Trung ương và tỉnh: Đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bến Lức-Long Thành, Đường tỉnh 830E,… Để có "đất sạch" giao cho đơn vị thi công, thời gian qua, huyện tập trung toàn lực cho công tác bồi thường, GPMB.

Cách làm của huyện là thành lập Tổ tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương bồi thường, GPMB khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn huyện Bến Lức năm 2023 do Trưởng ban Dân vận Huyện ủy làm tổ trưởng, tổ phó là Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy. Tổ có nhiệm vụ tham mưu cho Ban chỉ đạo huyện trong công tác tuyên truyền, vận động người dân. Huyện còn nêu gương, biểu dương những cán bộ, đảng viên, người dân chấp hành tốt chủ trương về bồi thường, GPMB. Bên cạnh đó, huyện tổ chức tập huấn, trang bị tài liệu cho 200 người làm công tác tuyên truyền về trình tự, thủ tục tiến hành các bước kê biên, thu hồi đất,…

Trong quá trình thực hiện, huyện bảo đảm công khai, minh bạch thông tin về DA đầu tư; các chế độ, chính sách liên quan đến công tác bồi thường, GPMB. Huyện bảo đảm thường xuyên chế độ hội ý của Thường trực Ban chỉ đạo; tổ giúp việc; hội đồng bồi thường; tổ trưởng tổ tuyên truyền, vận động và các địa phương có liên quan đến các DA qua phần mềm trực tuyến để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh. Không những vậy, bộ phận chuyên môn GPMB thực hiện công việc kể cả ngày cuối tuần, ngày lễ,… Huyện còn phát động đợt thi đua cao điểm về bồi thường, GPMB, đến cuối năm làm cơ sở để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, huyện giao trách nhiệm, địa bàn phụ trách, xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện trên tinh thần kiên trì vận động, giải thích, thuyết phục người dân,… “Từng đồng chí được phân công nhiệm vụ phải làm hết trách nhiệm, không trông chờ vào cấp trên và giải quyết kịp thời kiến nghị của người dân trong thời gian quy định theo hướng hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ” - ông Trần Hoàng Nhân nhấn mạnh./.

Như Nguyệt

Chia sẻ bài viết