Tiếng Việt | English

14/10/2024 - 10:06

Bến Lức: Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông

Là địa bàn tiếp giáp TP.HCM, cửa ngõ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, có đông công nhân, lao động đến sinh sống, làm việc nên huyện Bến Lức trở thành nút giao thông quan trọng, có lượng người và phương tiện lưu thông qua địa bàn hàng ngày rất lớn.

Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện lãnh, chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị số 23).

An toàn giao thông là tiêu chí bình xét thi đua

Huyện ủy Bến Lức xác định thực hiện tốt công tác bảo đảm TTATGT là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Theo đó, Huyện ủy quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện, giao nhiệm vụ cụ thể cho thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm chính về kết quả công tác bảo đảm TTATGT của ngành, địa phương mình quản lý. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu, tích cực vận động người thân, gia đình và người dân thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm TTATGT.

Lượng người và phương tiện lưu thông qua địa bàn huyện Bến Lức khá đông

Lượng người và phương tiện lưu thông qua địa bàn huyện Bến Lức khá đông

Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện, Ban ATGT huyện kịp thời xây dựng các văn bản triển khai, chỉ đạo, phân công rõ, cụ thể trách nhiệm của từng ngành, từng cấp trong quản lý nhà nước về giao thông và bảo đảm TTATGT trên địa bàn. Trong đó, xác định cơ quan chủ trì, đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện, nhất là sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm TTATGT. Từ đó, xóa bỏ suy nghĩ xem công tác bảo đảm TTATGT chỉ là nhiệm vụ của lực lượng công an, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Dương Văn Út, việc chấp hành pháp luật về giao thông là một tiêu chí đánh giá chất lượng cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức hàng năm và gắn với tiêu chí bình xét thi đua cuối năm đối với cán bộ, đảng viên. Ban ATGT huyện xây dựng kế hoạch và phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT; trong đó có phong trào thi đua chấp hành pháp luật về ATGT trong cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức. Công an huyện thực hiện nghiêm túc việc thông báo trường hợp đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về ATGT cho cơ quan, đơn vị - nơi đảng viên đang sinh hoạt.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông được huyện chú trọng thực hiện. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 23, toàn huyện tổ chức được gần 800 cuộc tuyên truyền với gần 178.000 lượt người tham dự. Các cấp, các ngành còn chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông trong các trường học.

Xử lý nghiêm minh vi phạm

Huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình, sáng kiến trong công tác bảo đảm TTATGT hiệu quả như Gắn trách nhiệm của chủ kinh doanh nhà hàng, quán ăn với đảm bảo ATGT; Tuyến đường an toàn; Đường quê an toàn gắn với ánh sáng an ninh, trật tự; Đảm bảo ATGT và lập lại trật tự chợ; Tổ tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ; Huyện ATGT; Cổng trường ATGT. Nổi bật, mô hình Cổng trường ATGT có 52 trường học ở huyện thực hiện với hơn 16.500 người tham gia và ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT.

Thượng tá Trương Nhật Minh - Trưởng Công an huyện Bến Lức, cho biết, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm túc theo quy định, bảo đảm phương châm “thượng tôn pháp luật”. Tất cả trường hợp vi phạm đều được xử lý với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không bao che và tiếp tay cho người vi phạm TTATGT. Trong đó, huyện nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm về giao thông của cơ quan chức năng.

“Từ khi thực hiện Chỉ thị số 23, Cảnh sát giao thông Công an huyện đã kiểm tra, phát hiện hơn 4.000 trường hợp vi phạm TTATGT, lập biên bản ra quyết định phạt hơn 10,5 tỉ đồng, tước giấy phép lái xe hơn 1.100 trường hợp, tạm giữ hơn 1.100 xe ôtô, môtô, gắn máy các loại. Trong đó, đã xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhưng sử dụng rượu, bia” - Thượng tá Trương Nhật Minh thông tin.

Bên cạnh đó, Công an huyện, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Thanh tra Giao thông Vận tải, UBND các xã, thị trấn kiểm tra, xử lý các trường hợp mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT trên tuyến Quốc lộ 1, Đường tỉnh (ĐT) 830, 830B, 830C, 835, 832, 816, các khu vực chợ tự phát (thị trấn Bến Lức, các xã: Nhựt Chánh, Lương Hòa, Phước Lợi, Lương Bình, An Thạnh) và các bến khách ngang sông. Qua đó, nhắc nhở, giải tỏa, xử phạt nhiều trường hợp mua bán lấn chiếm lòng, lề đường.

Từ sự triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 23, TTATGT trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Theo thống kê, từ cuối tháng 7/2023 đến giữa tháng 9/2024, trên địa bàn huyện xảy ra 67 vụ tai nạn giao thông (TNGT) (giảm 28,7% so cùng kỳ), làm chết 48 người (giảm 26,2% so cùng kỳ); bị thương 23 người (giảm 9,5% so cùng kỳ).

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp

Qua thời gian thực hiện Chỉ thị số 23, TNGT tại địa bàn huyện Bến Lức có giảm nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp.

Theo đánh giá của huyện Bến Lức, TNGT giảm nhưng chưa bền vững; tình trạng ùn tắc giao thông, tụ tập đua xe còn xảy ra, nhất là ở các xã, thị trấn giáp ranh với các huyện lân cận.

Phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh, trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt, tính tự giác chưa cao; lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang bảo vệ công trình giao thông còn xảy ra. Kết cấu hạ tầng giao thông còn bất cập khi có những đoạn đường vẫn bị ngập nước, hư hỏng nhưng chưa được khắc phục kịp thời, không có hệ thống đèn chiếu sáng.

Lượng người và phương tiện lưu thông qua địa bàn huyện Bến Lức khá đông

Thực hiện mô hình tự quản về an toàn giao thông Gắn trách nhiệm của chủ kinh doanh nhà hàng, quán ăn với đảm bảo an toàn giao thông, nhà hàng bố trí xe, tài xế chở khách đã sử dụng rượu, bia về nhà

Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường lãnh, chỉ đạo, quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 23 và các văn bản liên quan về công tác bảo đảm TTATGT. Huyện tiếp tục lãnh, chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện công tác bảo đảm TTATGT.

Thực hiện chỉ đạo của huyện, Công an huyện phối hợp các cấp, các ngành tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT; thực hiện đồng bộ các giải pháp chống ùn tắc giao thông tại các khu vực, các tuyến có mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng cao vào các giờ cao điểm, các ngày lễ, tết; tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng của tỉnh và huyện, giữa các địa bàn giáp ranh nhằm chủ động nắm bắt tình hình, xử lý vi phạm quyết liệt, hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch UBND huyện - Lê Thành Út, huyện thường xuyên khảo sát xác định, đề xuất, kiến nghị, xử lý các “điểm đen” về TNGT; huy động tối đa các lực lượng thực hiện hiệu quả công tác lập lại hành lang ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Huyện tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với công tác bảo đảm TTATGT; chủ động xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong bảo đảm TTATGT, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này. Huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông./.

Kiến nghị đầu tư một số hạ tầng giao thông

Huyện Bến Lức kiến nghị cấp có thẩm quyền nhanh chóng cho xây cầu vượt tại ngã năm Long Kim trên tuyến Quốc lộ 1 nhằm góp phần kiềm chế TNGT nghiêm trọng xảy ra trên tuyến và ùn tắc giao thông. Ngành chức năng của Trung ương, tỉnh thường xuyên nạo vét và nhanh chóng lắp đặt hệ thống thoát nước tuyến Quốc lộ 1, hệ thống đèn chiếu sáng trên tuyến Quốc lộ N2; trang bị và sửa chữa hệ thống camera có chất lượng tại các giao lộ trên địa bàn huyện bởi vì hiện nay, một số camera không còn hoạt động.

Cùng với đó, huyện kiến nghị các ngành chức năng tỉnh khảo sát, lắp đặt lại biển báo tốc độ cho phù hợp trên tuyến ĐT830. Theo ông Lê Thành Út, ĐT830 không có làn đường dành riêng cho xe môtô lưu thông, chỉ có 2 làn đường và 1 làn dành riêng cho ôtô, 1 làn hỗn hợp giữa xe ôtô và môtô nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Bên cạnh đó, huyện cũng đề xuất mở rộng tuyến ĐT816 để giảm lưu lượng phương tiện đi vào ĐT830 nhằm kéo giảm tình trạng ùn xe vào các giờ cao điểm.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Web Tra cứu phạt nguội Nhanh Chóng